19/01/2025 | 15:30 GMT+7, Hà Nội

Một số chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 2/2021

Cập nhật lúc: 02/02/2021, 10:36

Quy định mới về chăm sóc sức khoẻ cho lao động nữ, nộp ít nhất ba phần tư tài sản tham ô sẽ được miễn tử hình... là chính sách đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 2/2021.

Quy định mới về chăm sóc sức khoẻ cho lao động nữ

Nghị định 145/2020 có hiệu lực từ 1/2, bổ sung nhiều điểm mới trong việc chăm sóc sức khoẻ lao động nữ. Cụ thể: Trong kỳ kinh nguyệt, lao động nữ làm việc bình thường, không nghỉ mỗi ngày 30 phút được trả thêm một khoản ngoài lương. Số ngày có thời gian nghỉ do hai bên thỏa thuận, nhưng tối thiểu 3 ngày làm việc mỗi tháng.

Lao động nữ nếu không nghỉ, vẫn làm việc bình thường, sẽ được trả thêm tiền lương cho công việc đã làm trong khoảng thời gian này, ngoài lương và không tính vào thời giờ làm thêm. Luật hiện hành không quy định.

Trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 60 phút để cho con bú, vắt sữa, nghỉ ngơi. Thời gian này được tính vào giờ làm việc, hưởng nguyên lương.

Thêm cơ quan có quyền cấp sổ đỏ

Từ ngày 8/2, thay vì chỉ có một cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, cấp, cấp đổi, cấp lại sổ đỏ là Văn phòng đăng ký đất đai, Chính phủ cho phép người dân có thể làm các thủ tục trên ở chi nhánh văn phòng đất đai.

Quy định mới cũng đưa ra điểm mới để tạo điều kiện cho người dân khi làm các thủ tục liên quan đến đất đai như: có thể tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký cấp, cấp đổi, cấp lại sổ đỏ theo nhu cầu của người sử dụng đất, địa điểm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện theo thoả thuận của hai bên.

Với quy định này, công dân có thể lựa chọn việc đăng ký làm sổ đỏ, trả kết quả tại nhà thông qua các trung gian.

Nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham nhũng sẽ được miễn tử hình

Theo Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán toà án Nhân dân tối cao có hiệu lực từ ngày 15/2, trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ... sẽ không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử. Đây là điểm mới, cụ thể hơn so với hiện hành.

Ví dụ, ông Nguyễn Văn A có hành vi tham ô số tiền 4 tỷ đồng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt số tiền 2 tỷ đồng. Sau khi A bị khởi tố, vợ của A đã chuyển nhượng nhà đất là tài sản riêng của mình để thay A nộp lại số tiền 3 tỷ đồng thì được coi là chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô và sẽ được toà giảm mức án cao nhất từ tử hình xuống chung thân.

Bỏ cấm hát nhép

Nghị định 144 thay thế Nghị định 79/2012, có nhiều nội dung mới, trong đó bỏ quy định cấm: "Sử dụng bản ghi âm để thay cho giọng thật của người biểu diễn hoặc thay cho âm thanh thật của nhạc cụ biểu diễn" (hát nhép).

Do vậy, từ 1/2 chỉ còn 4 điều cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn thay vì 5 như hiện nay, bao gồm: chống nhà nước; xuyên tạc lịch sử; xâm phạm an ninh quốc gia; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân...

Ngoài bỏ quy định cấm hát nhép, đàn nhép, Nghị định 144 có một số nội dung mới là bỏ cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975 ở miền Nam và sáng tác của người Việt ở nước ngoài; bỏ cấp phép người đẹp đi thi quốc tế.

Nguồn: https://congluan.vn/mot-so-chinh-sach-dang-chu-y-co-hieu-luc-tu-thang-2-2021-post116893.html