24/04/2024 | 23:34 GMT+7, Hà Nội

Chính sách mới của người lao động có hiệu lực từ tháng 2/2020

Cập nhật lúc: 01/02/2021, 13:07

Trong tháng 2 này, nhiều chính sách mới được thực thi như tiền lương, miễn phí phà, phí chuyển tiền ra nước ngoài có điều chỉnh.

Chính sách tiền lương

Nhiều quy định về tiền lương có hiệu lực bắt đầu từ tháng 2/2021. Theo điểm a khoản 1 Điều 96 Nghị định 145/2020 về chế độ của hòa giải viên lao động có nhắc đến quy định từ ngày 1/1/2021, mức lương tối thiểu vùng năm 2021 giữ nguyên mức lương tối thiểu vùng như năm 2020, tương đương:

Mức 4.420.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I. Mức 3.920.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II. Mức 3.430.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III. Mức 3.070.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV.

Cũng từ 26/02/2021, Thông tư 18/2020/TT-BNNPTNT có hiệu lực. Thông tư này hướng dẫn cụ thể về cách xếp lương theo chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành khuyến nông và quản lý bảo vệ rừng như sau:

Các chức danh này được áp dụng Bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang:

Chức danh nghề nghiệp khuyến nông viên chính, quản lý bảo vệ rừng viên chính được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2 (hệ số lương từ 4,00 - 6,38). Chức danh nghề nghiệp khuyến nông viên, quản lý bảo vệ rừng viên được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 (hệ số lương từ 2,34 - 4,98). Chức danh nghề nghiệp kỹ thuật viên khuyến nông, kỹ thuật viên quản lý bảo vệ rừng được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B (hệ số lương từ 1,86 - 4,06).

Quy định mới về chăm sóc sức khoẻ cho lao động nữ

Từ 1/2, Nghị định 145/2020 bổ sung nhiều điểm mới trong việc chăm sóc sức khoẻ lao động nữ. Cụ thể: Trong kỳ kinh nguyệt, lao động nữ làm việc bình thường, không nghỉ mỗi ngày 30 phút được trả thêm một khoản ngoài lương. Số ngày có thời gian nghỉ do hai bên thỏa thuận, nhưng tối thiểu 3 ngày làm việc mỗi tháng.

Lao động nữ nếu không nghỉ, vẫn làm việc bình thường, sẽ được trả thêm tiền lương cho công việc đã làm trong khoảng thời gian này, ngoài lương và không tính vào thời giờ làm thêm. Luật hiện hành không quy định.

Trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 60 phút để cho con bú, vắt sữa, nghỉ ngơi. Thời gian này được tính vào giờ làm việc, hưởng nguyên lương.

Dừng phát hành thẻ từ ATM, thay bằng thẻ chip

Từ 31/3/2021, các Tổ chức phát hành thẻ thực hiện phát hành thẻ có BIN (Bank Identification Number - số nhận dạng ngân hàng) do Ngân hàng Nhà nước cấp phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa. Ngoài ra, lùi thời hạn yêu cầu 100% ATM và thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán đang hoạt động tại Việt Nam của Tổ chức thanh toán thẻ phải tuân thủ Tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa đến ngày 31/12/2021 thay vì ngày 31/12/2020 như quy định cũ.
Như vậy, từ 31/3/2021, các ngân hàng dừng phát hành thẻ từ ATM, thay vào đó sẽ phát hành thẻ chip.
Người nước ngoài vào Việt Nam làm việc dưới 30 ngày không cần giấy phép. Đây là một trong những nội dung tại Nghị định 152/2020 của Chính phủ quy định về người lao động (NLĐ) nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Căn cứ Điều 7 Nghị định này, người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động gồm:
NLĐ nước ngoài là chủ sở hữu hoặc thành viên góp vốn của công ty trách nhiệm hữu hạn có giá trị góp vốn từ 3 tỷ đồng trở lên.
NLĐ nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại ví trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật có thời gian làm việc dưới 30 ngày và không quá 3 lần trong 01 năm…
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2021.

Phí chuyển tiền ra nước ngoài

Theo khoản 4 Điều 1 Thông tư số 15/2020, phí dịch vụ thanh toán quốc tế do Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thu như sau:

- Thu phí chuyển tiền ra nước ngoài bằng Đồng tiền chung Châu Âu (EUR) với mức phí bằng 0,15% số tiền chuyển đi (Tối thiểu 2 EUR/món; Tối đa 200 EUR/món).

- Thu phí nhận tiền từ nước ngoài chuyển đến thanh toán bằng Đồng tiền chung Châu Âu (EUR) là 0,05% số tiền chuyển đến (Tối thiểu 1 EUR/món; Tối đa 100 EUR/món).

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn giữ nguyên mức phí chuyển tiền ra nước ngoài và phí nhận tiền từ nước ngoài chuyển đến thanh toán bằng Đô la Mỹ (USD) như quy định cũ.

Miễn vé qua phà cho một số đối tượng

Khung giá dịch vụ sử dụng phà thuộc tuyến quốc lộ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Trung ương quản lý được nêu tại Thông tư số 31/2020/TT-BGTVT.

Cụ thể, các đối tượng được miễn vé thu tiền dịch vụ sử dụng phà gồm:

- Xe cứu thương, bao gồm cả các loại xe khác đang chở người bị tai nạn đến nơi cấp cứu;

- Xe cứu hỏa;

- Xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp gồm: máy cày, máy bừa, máy xới, máy làm cỏ, máy tuốt lúa;

- Xe hộ đê; xe làm nhiệm vụ khẩn cấp về chống lụt bão;

- Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh, bao gồm: xe tăng, xe bọc thép, xe kéo pháo, xe chở lực lượng vũ trang đang hành quân;

- Xe, đoàn xe đưa tang;

- Đoàn xe có xe hộ tống, dẫn đường;

- Xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa đến những nơi bị thảm họa hoặc đến vùng có dịch bệnh;

- Thương binh, bệnh binh, học sinh, trẻ em dưới 10 tuổi (bao gồm cả trường hợp đi xe đạp) nhưng phải xuất trình bản chính hoặc bản sao giấy tờ như thẻ hoặc giấy chứng nhận thương binh, bệnh binh; thẻ học sinh hoặc giấy chứng nhận của Nhà trường đối với học sinh.

 

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/chinh-sach-moi-cua-nguoi-lao-dong-co-hieu-luc-tu-thang-2-2020-20201231000000651.html