Nhiều trường học sẽ không thả bóng bay ngày khai giảng sau bức thư của học sinh lớp 5
Cập nhật lúc: 29/07/2019, 12:01
Cập nhật lúc: 29/07/2019, 12:01
Cô học trò Nguyễn Nguyệt Linh và bức thư bảo vệ môi trường gửi đến các trường học - Ảnh: Việt Hùng. |
Theo Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng Bệnh viện Xanh Pôn, những quả bóng tưởng như vô hại này lại rất dễ gây tổn thương chỉ cần có tia lửa như hút thuốc hay dòng điện đi qua là bóng có thể cháy nổ. Ngay cả khi thả bóng bay lên trời trúng vào các dây điện cao thế, hoặc vô tình mang vào bếp cũng có thể gây cháy nổ. Không những vậy, thả bóng bay còn rất lãng phí tiền của. Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, trẻ nhỏ dễ bị ngộ độc nếu tiếp xúc bằng miệng (ngậm, mút...) trực tiếp vào bóng. Bởi dung dịch màu dùng để tạo màu sắc cho những quả bóng bay không phải màu thực phẩm. Màu dùng ở đây là màu dành cho ngành công nghiệp như: ngành in, ngành nhuộm. Chất màu này phần lớn là các hợp chất mạch vòng nên rất độc. Trẻ nhỏ khi ngậm, mút, tiếp xúc trực tiếp với bột màu rất độc này. |
Ngày 24/7, cô bé Nguyễn Nguyệt Linh học sinh lớp 5 của trường Marie Curie (Hà Nội), đã mạnh dạn bày tỏ điều mà cô bé mong muốn qua một bức thư gửi đến hơn 40 trường học ở Hà Nội, với thông điệp: “Khai giảng không thả bóng bay, thả rác lên trời”.
Nguyên văn bức thư của của Nguyễn Nguyệt Linh:
"Hà Nội, ngày 24 tháng 7, năm 2019
Kính thưa Thầy/Cô hiệu trưởng,
Con là Nguyễn Nguyệt Linh, chuẩn bị năm nay là con lên 6. Năm lớp 5 con là học sinh 5M2, trường Marie Curie, Hà Nội.
Con biết là hằng năm khi bắt đầu khai giảng nhà trường thường cho các lớp thả bóng bay lên trời. Sau những thông tin con tìm thấy được thì bóng bay được làm từ nilon tức là từ nhựa và khi thả bóng bay lên thì các chú chim hoặc các động vật khác khi nuốt vào, nó có thể bị chặn đường ruột và dẫn đến chết đói. Còn khi bóng bay rơi xuống đất hoặc biển thì những chú Rùa biển và các loài sinh vật biển khác được biết là đã bị nhầm lẫn giữa bóng bay và sứa biển. Ruy băng và dây buộc bóng có thể khiến chúng mắc kẹt và dẫn tới cái chết ạ. Vậy nên bây giờ con nghĩ rằng trường mình có thể đừng thả bóng bay vào hôm khai giảng hoặc hạn chế số lượng bóng bay, có được không ạ? Con chỉ muốn gửi thông điệp:
Thả bóng bay lên trời: Bay cao ước mơ của các học sinh - Giết ước mơ của bao chú chim và rùa biển.
Hiện nay, thế hệ chúng con bắt đầu quan tâm đến các vấn đề liên quan đến môi trường. Con rất mong nhận được sự quan tâm và giúp đỡ của các thầy cô ạ.
Con xin chân thành cảm ơn.
Nguyễn Nguyệt Linh (Marie Curie)".
Bức thư với thông điệp bảo vệ môi trường này ngay sau đó đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Nhiều trường học ở Hà Nội cho biết, sẽ tổ chức "lễ khai giảng không bóng bay".
Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Nguyệt Linh kêu gọi hành động vì môi trường. Trước đó, em từng tham gia dự thi một chương trình mang tên Green Leader với bài dự thi "Trẻ em nói không với rác thải nhựa".
Chị Lê Nguyệt (mẹ của Nguyệt Linh) cho biết, Linh nhận được thư trả lời từ các trường Marie Curie, Pascal, Bill Gates, Việt Úc, Jean Piaget. Các trường đều hứa sẽ không thả bóng bay hoặc hạn chế sử dụng bóng bay trong ngày khai giảng.
Bản thân Linh cũng rất bất ngờ và sung sướng khi biết ý tưởng của mình được nhiều trường học, nhiều người ủng hộ.
Thầy chia sẻ trên trang cá nhân, thầy Hà Xuân Nhâm - Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội, không giấu được cảm xúc sau khi đọc được thông điệp của cô bé Nguyệt Linh: "Nguyệt Linh ơi con thật tuyệt vời! Thầy xin lỗi đã thiếu hiểu biết khi khai giảng nào cũng thả thật nhiều bóng bay để gửi gắm những điều ước tốt đẹp, mà vô tình lại đem những ảnh hưởng xấu đến môi trường và đôi khi còn nguy hại đến tính mạng của nhiều sinh vật. Cảm ơn con - một cô bé có những suy nghĩ và hành động đẹp. Chúng ta sẽ cùng nhau thực hiện nào!".
Trao đổi với báo chí, thầy giáo Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Lê Quý Đôn khẳng định, năm học mới nhà trường sẽ có một lễ khai giảng không bóng bay; nhà trường hoàn toàn ủng hộ ý tưởng tốt đẹp của nữ sinh nhỏ tuổi dù không nhận được thư từ em.
Điều gì sẽ xảy ra khi thả bóng bay lên trời? Nhiều năm trở lại đây, đề xuất không thả bóng bay trong dịp lễ khai giảng đã được một số trường học thực hiện, nhưng trên thực tế số lượng này là không nhiều. Khi bóng bay được thả lên trời, thực chất đó là thả rác thải nhựa thải ra môi trường và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng con người. Các chuyên gia y tế đề xuất không nên sử dụng bóng bay trong ngày lễ, ngày khai giảng. Nếu vẫn tiếp tục sử dụng, phải hết sức cẩn thận, tránh cầm quả to (gây nổ lớn), tránh cầm một chùm bóng (dễ bị nổ liên hoàn), tránh xa lửa, tránh ngậm, mút…. Một quả bóng bay được thả lên không trung đang giết chết những con chim biển và rùa biển vì chúng đang làm tắc nghẽn bên trong đường tiêu hoá của chúng, một nghiên cứu mới cảnh báo. Mặc dù nhựa cứng chiếm phần lớn các mảnh vụn ăn vào nhưng nó ít có khả năng gây chết hơn so với nhựa mềm. Nhựa mềm chỉ chiếm 5% trong số các thứ ăn vào nhưng chúng gây ra cho hơn 40% tỷ lệ tử vong. Kết quả nghiên cứu của Đại học Tasmania (Úc) chỉ ra rằng: Bong bóng hoặc mảnh vỡ bóng bay là những mảnh vỡ có khả năng gây tử vong cao nhất và chúng đã giết chết gần một phần năm số chim biển ăn chúng. |
15:21, 26/07/2019
11:00, 01/07/2019
07:01, 18/06/2019