19/01/2025 | 01:58 GMT+7, Hà Nội

Nhiều nước trên thế giới đang áp dụng dạy tín chỉ cho cấp phổ thông

Cập nhật lúc: 08/01/2018, 09:00

Mới đây, TP. HCM có đưa ra đề xuất tạo cơ chế mở cho giáo dục. Điểm đáng chú ý của đề xuất là sẽ thí điểm dạy học theo tín chỉ ở những trường THCS, THPT có điều kiện.

Trước đề xuất đó, PV Báo Công lý cuộc phỏng vấn nhanh thầy Lê Đức Dũng Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Đường, Đồng Nai, người có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục.

PV: Theo thầy, đề xuất tạo cơ chế mở chogiáo dục ở TP.HCM, trong đó sẽ thí điểm dạy học theo tín chỉ ở những trường THCS, THPT có điều kiện có hợp lý không?

Nhiều nước trên thế giới đang áp dụng dạy tín chỉ cho cấp phổ thông

Thầy Lê Đức Dũng. Ảnh Ngô Chuyên.

Thầy Lê Đức Dũng: Tôi nghĩ đề xuất đó là một định hướng đổi mới mà TP. HCM làm được. Bởi đây là một thành phố có bước tiến cũng như sự phát triển hơn so với thành phố khác.

Tuy nhiên, tôi chỉ có một băn khoăn là chất lượng đội ngũ thầy cô giáo có đáp ứng được điều đó được hay không thôi?.

PV: Có nhiều ý kiến “học tín chỉ phù hợp với những học sinh có năng lực giỏi và chỉ nên áp dụng vào những trường chuyên mà không nên áp dụng đại trà”. Theo ý kiến thầy thì nên như thế nào?

Thầy Lê Đức Dũng: Hiện tôi được biết, một số nền giáo dục ở các nước Châu Âu cụ thể là ở Úc đang áp dụng hình thức học tín chỉ và họ áp dụng đại trà. Nhưng họ đề ra theo nhiều mức dựa trên năng lực của học sinh.

Ví dụ có mức dành cho học sinh trung bình; mức dành cho học sinh khá và mức dành cho học sinh có năng lực giỏi.

Một em học sinh bình thường có thể chọn cái mức thấp nhất, những em học tốt có thể chọn mức cao nhất. Nếu mà làm được như vậy, tôi nghĩ nên chọn có các mức để các em học sinh có quyền chọn môn và mức học phù hợp với các em.

Và để thành công thì các nước đó đã phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng, trong đó có ba vấn đề gồm:

Thứ nhất là đội ngũ thầy cô giáo được đào tạo chuẩn từ các trường sư phạm.

Thứ hai là điều kiện học tập của họ rất là tốt về lớp học, phương tiện học tập.

Thứ ba là văn hóa học của các học sinh ở các nước đó là các em quen với học văn hóa là tranh luận, thảo luận để tìm ra cái mới.

Nhiều nước trên thế giới đang áp dụng dạy tín chỉ cho cấp phổ thông

Ảnh minh họa.

Theo tôi, ba điều kiện trên ở Việt Nam mình không phải là không có nhưng nếu mà so với các nước đó thì mình vẫn còn khiếm khuyết. Nếu làm thì nên áp dụng đối với bậc đại học hoặc ở bậc phổ thông thì nên chọn một số trường nào có đủ điều kiện thích hợp.

Còn nếu làm đại trà thì tôi sợ không thành công hết, khi có những trường không thành công thì dễ làm tổn thương và người tổn thương lớn nhất vẫn là học trò.

PV: Nhiều phụ huynh cho rằng: “Nếu mà áp dụng học tín chỉ vào thì có thể rút ngắn thời gian cũng như chi phí học hành. Nhưng hiện tại, học niên chế các em cũng rất áp lực rồi vậy nếu dụng hình thức học tín chỉ thì vô tình rút ngắn tuổi học trò của các em. Theo thầy những ý kiến đó như thế nào?

Thầy Lê Đức Dũng: Tôi cũng đồng tình với lo lắng đó của phụ huynh đưa ra. Nhưng chúng ta phải hiểu là mỗi em có một mức độ thông minh khác nhau, nếu mà bắt các em học chung với nhau một năm theo chương trình trước đây thì nó bộc lộ cái không hợp lý.

Do đó, nếu những em nào có tư chất, có năng khiếu, có sự thông minh hơn các bạn bình có thể cho các em đẩy tiến độ lên. Vấn đề quan trọng là các em phải được định hướng được lựa chọn và các em cảm thấy thoải mái khi học, không bị áp lực.

Bởi có những em có kiểu thông minh trí tuệ lấy chuyện học làm vui với một tiến độ như các em bình thường khác thì đôi khi cũng là một thiệt hại cho các em.

Khi học tín chỉ rồi cần có quy định thời gian nào đó để hoàn thành tín chỉ, phải định ra được tiến độ cho các em, tiến độ này là tiến độ tối thiểu cho các em, nếu mà không đạt được tiến độ này thì em có thể quay trở lại bình thường.

PV: Theo thầy khi học tín chỉ thì giáo viên cần thay đổi phương pháp dạy như thế nào?

Thầy Lê Đức Dũng: Người thầy là người định hướng cho các em cách học và cách phản biện thì người học sẽ phát huy được tố chất. Người thầy giờ đây có vai trò hỗ trợ chương trình học và làm công tác phản biện trở lại.

Còn học sinh phải nghiên cứu, tự học bao giờ các em có thể nhớ lâu hơn, đồng thời khi phản biện thì khả năng lập luận, khả năng phản biện cũng như thuyết trình của các em sẽ tốt hơn. Lúc này, học trò chính là trung tâm và người thầy chỉ mang tính chất định hướng, cố vấn.