22/11/2024 | 12:59 GMT+7, Hà Nội

Nhiều nước muốn tiếp tục nhận lao động Việt Nam

Cập nhật lúc: 02/07/2020, 07:20

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết , đến nay, qua tổng hợp thông tin từ các doanh nghiệp, chủ sử dụng các nước, khu vực tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam… đều muốn tiếp tục...

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước cho biết , đến nay, qua tổng hợp thông tin từ các doanh nghiệp, chủ sử dụng các nước, khu vực tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam… đều muốn tiếp tục nhận lao động để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm 40% vì dịch COVID-19

Theo số liệu của Bộ LĐ-TB&XH, trong 6 tháng đầu năm, các đơn vị đã đưa 33.500 người đi làm việc ở nước ngoài, giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến thời điểm hiện tại, có hơn 5.000 lao động Việt Nam ở nước ngoài phải về nước do ảnh hưởng của COVID-19. Đây là những lao động hết hạn hợp đồng không thể gia hạn, ốm đau, thai sản, mất việc làm vì xí nghiệp, chủ sử dụng lao động thu hẹp sản xuất...

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước cho hay, đến nay, qua tổng hợp thông tin từ các doanh nghiệp, chủ sử dụng các nước, khu vực tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… đều muốn tiếp tục nhận lao động để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các nước này có khả năng đáp ứng được các yêu cầu sở tại về địa điểm cách ly, thời gian cách ly cũng như việc giám sát thực hiện cách ly. Hai nước, khu vực này không áp dụng quy định dừng tiếp nhận lao động người nước ngoài nhập cảnh vào làm việc mà vẫn đang tiếp tục mở cửa thị trường cho lao động nước ngoài.

Đối với Nhật Bản, một số ngành nghề cũng đang có nhu cầu cao như trong lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc người cao tuổi, chế biến suất ăn, thực phẩm... nhưng còn bị hạn chế bởi chính sách nhập cảnh tuy nhiên có thể mở cửa trở lại cho lao động nước ngoài vào tháng 7, 8/2020 sau khi phía Nhật Bản dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào ngày 25/5.

Ông Liêm cho biết, trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh COVID-19 ở trong và ngoài nước, căn cứ tình hình lao động Việt Nam tại một số địa bàn, chính sách của một số nước tiếp nhận, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã tổng hợp tình hình, làm việc với Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam, trao đổi với các doanh nghiệp và trình Bộ ban hành công văn số 1945/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 2/6/2020 hướng dẫn các doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại các nước, địa bàn an toàn sẵn sàng tiếp nhận lao động là người Việt Nam.

Lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan

Nhiều  chính sách người lao động và doanh nghiệp

Đối với lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ông Liêm cho biết, theo quy định của chính sách hiện hành, người lao động sẽ được hoàn trả các khoản chi phí và hỗ trợ, cụ thể:

Tin môi gii: Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng (thiên tai, chiến tranh, doanh nghiệp bị phá sản) hoặc không phải do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp có trách nhiệm yêu cầu bên môi giới hoàn trả lại cho người lao động một phần tiền môi giới người lao động đã nộp theo nguyên tắc: người lao động làm việc chưa đủ 50% thời gian theo hợp đồng thì được nhận lại 50% tiền môi giới đã nộp. Người lao động đã làm việc từ 50% thời gian theo hợp đồng trở lên thì không được nhận lại tiền môi giới.

Trường hợp không thể đòi được của bên môi giới thì doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn trả cho người lao động theo nguyên tắc trên và được hạch toán vào chi phí hợp lý khi tính thu nhập chịu thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tiền dịch vụ: Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn vì lý do bất khả kháng hoặc không phải do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp chỉ được thu tiền dịch vụ theo thời gian (số tháng) thực tế người lao động làm việc ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã báo cáo Bộ đề xuất một số giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp như:

Đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm; tăng cường giải quyết trực tuyến (online) đối với đăng ký hợp đồng, cấp phép cho các doanh nghiệp.

Tạm thời dừng việc thanh tra định kỳ đối với các doanh nghiệp đến hết quý II/2020. Cục Quản lý lao động ngoài nước, Thanh tra Bộ chỉ tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có đơn thư khiếu nại, thắc mắc từ người lao động, thân nhân người lao động và phản ánh của cơ quan thông tấn, báo chí.

Ngoài ra, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đang phối hợp với Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước trao đổi với đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, nghiên cứu việc giãn nộp khoản đóng góp 1% số thu tiền dịch vụ của doanh nghiệp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước  trong thời gian dịch bệnh hoặc cả năm 2020.