19/01/2025 | 07:08 GMT+7, Hà Nội

Nhiều lợi thế phát triển dịch vụ logistics tại Việt Nam

Cập nhật lúc: 21/10/2022, 13:45

Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường Logistics mới nổi toàn cầu nhờ sự chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ

Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, hoạt động logistics tại Việt Nam có sự tiến bộ vượt bậc và kim ngạch xuất nhập khẩu gia tăng nhanh chóng.

Thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu nhờ sự chuyển mình mạnh mẽ của các doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics mà theo bảng xếp hạng của Agility 2022 cho biết.

Thị trường cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam và thế giới cạnh tranh gay gắt khi thương mại điện tử phát triển vượt bậc. (Ảnh minh họa)
Thị trường cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam và thế giới cạnh tranh gay gắt khi thương mại điện tử phát triển vượt bậc. (Ảnh minh họa)

Với tỷ lệ tăng trưởng năm giai đoạn 2022-2030 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng đánh giá, Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển dịch vụ logistics.

Ở thị trường logistics Việt Nam đang có sự tham gia của khoảng hơn 5.000 doanh nghiệp. Trong đó, 89% là doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ; 10% là doanh nghiệp liên doanh. Tuy chỉ chiếm 1% nhưng doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đang cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia, với nhiều tên tuổi lớn nhất của ngành logistics toàn cầu.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho hay, cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm xuất hiện nhiều dịch vụ phát sinh đặc biệt. Thị trường cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam và thế giới cạnh tranh gay gắt khi thương mại điện tử phát triển vượt bậc với các hình thức dịch vụ logistics tiên tiến như E-logistics, Green logistics… khiến chi phí dịch vụ của doanh nghiệp logistics của Việt Nam còn tương đối cao.

Báo cáo công bố của Agility năm 2021 cho thấy, chi phí logistics của Việt Nam chiếm hơn 20% GDP. Trong khi mức chi phí logistics trung bình trên thế giới chỉ khoảng 11% GDP.

Bà Lê Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Thương Mại, Công ty SLP Việt Nam chia sẻ, điểm nghẽn hiện nay về cơ sở hạ tầng từ sân bay, cảng biển, kho bãi... chưa được quy chuẩn, phân tán. Trong đó, hệ thống kho bãi quy hoạch có sự chênh lệch giữa miền Bắc và miền Nam dẫn đến hạn chế trong việc vận chuyển hàng hóa trên cả nước.

Cùng với đó, ông Lê Trọng Hiếu, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, muốn đón "sóng" logistics cần lưu ý đến phát triển và sử dụng kho bãi hiệu quả, tăng tốc độ xử lý đơn hàng, giảm chi phí.

Việc xâm nhập của thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn còn khá thấp, trong 3 năm tới, tăng trưởng của thương mại điện tử của Việt Nam dự báo sẽ tăng lên từ 15-20%, thậm chí là 50%. Vì vậy, vị trí các kho hàng cũng là yếu tố giúp tối ưu hóa việc chuyển hàng đến với khách hàng, ông Hiếu đánh giá.

Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học, cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết, đồng thời, nghiên cứu để hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo mọi điều kiện để ngành dịch vụ logistics phát triển.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/nhieu-loi-the-phat-trien-dich-vu-logistics-tai-viet-nam-72457.html