19/01/2025 | 07:19 GMT+7, Hà Nội

4 động lực thúc đẩy ngành logistics trong năm 2022

Cập nhật lúc: 16/02/2022, 06:15

Nhóm doanh nghiệp ngành logistics sẽ chững lại trong năm 2022 do nhiều nguyên nhân, do đó, động lực tăng trưởng của nhóm cảng biển đến từ 4 yếu tố chính.

Một số chuyên gia dự báo đà tăng của nhóm doanh nghiệp ngành logistics sẽ chững lại trong năm 2022 khi  các yếu tố liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch COVID-19 dự báo sẽ trở lại "trạng thái bình thường" và giá cước có thể giảm trở lại sau đà tăng nóng trong năm 2021.

4 động lực thúc đẩy ngành logistics trong năm 2022
4 động lực thúc đẩy ngành logistics trong năm 2022

Theo Báo cáo triển vọng ngành cảng biển 2022, Mirae Asset dự báo động lực tăng trưởng của nhóm cảng biển đến từ 4 yếu tố chính.

Thứ nhất, thu hút FDI sẽ tiếp tục tăng trưởng. Kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp mới là nền tảng tốt để thu hút FDI trong 2022, từ đó hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu và sản lượng của ngành cảng biển.

Thứ hai, hoạt động sản xuất sẽ hồi phục và thích ứng với dịch COVID-19. Sau khi giảm mạnh trong tháng 8 và tháng 9/2021 do các biện pháp phong tỏa, chỉ số IIP ngành sản xuất tháng 10 đã cho thấy tín hiệu hồi phục khi mức giảm chỉ còn giảm 1.59% so với cùng kỳ và chỉ số PMI cũng phục hồi lên trên mức 50.

Yếu tố thứ ba là vận tải thủy tăng trưởng. Hoạt động vận tải đường biển và thủy nội địa 10 tháng đầu năm 2021 ghi nhận hồi phục so với cùng kỳ 2020.

Cuối cùng, tình hình kinh tế ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang dần hồi phục. GDP các thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 và 2023.

Cũng theo Mirae Asset, yếu tố rủi ro chính mà doanh nghiệp logistics phải đối mặt là dịch COVID-19 ảnh hưởng đến hoạt động cảng biển trên thế giới.

Với chiến lược “Zero-Covid”, Trung Quốc vào tháng 8/2021 tạm dừng hoạt động tại ga Mi Sơn - cảng Ninh Ba. Tương tự, hoạt động ở các cảng biển lớn trên thế giới bên cạnh việc ghi nhận mức tăng trưởng cao cũng xảy ra tình trạng ùn ứ do các biện pháp phòng dịch làm tăng thời gian thông quan. Theo đó, hoạt động vận tải biển trên toàn thế giới có nguy cơ bị xáo trộn và kém hiệu quả nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn. Điều này ảnh hưởng xấu đến các tuyến hàng hải đến Việt Nam cũng như hoạt động xuất nhập khẩu.

Nguồn: https://congly.vn/4-dong-luc-thuc-day-nganh-logistics-trong-nam-2022-203520.html