Ngành cảng biển logistics gặp khó, doanh nghiệp vẫn tăng trưởng “khủng”
Cập nhật lúc: 12/01/2022, 09:30
Cập nhật lúc: 12/01/2022, 09:30
Ngành cảng biển logistics gặp khó, nhưng doanh nghiệp vẫn tăng trưởng “khủng”
Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới ngành cảng biển và logistics, nhất là thời điểm các địa phương thực hiện giãn cách xã hội vào quý III/2021.
Theo SSI Research, năm 2021 là năm lịch sử đối với ngành vận tải container toàn cầu, được đánh dấu bằng tình trạng tắc nghẽn cảng nghiêm trọng, giá cước vận tải và giá thuê tàu tăng rất cao, và lượng tàu đặt đóng mới tăng mạnh.
Từ phía nguồn cung, tình trạng thiếu lao động và thời gian kiểm dịch kéo dài đã tác động đến chuỗi cung ứng, dẫn đến sự gián đoạn nghiêm trọng, chậm trễ trong việc xếp dỡ container và làm giảm năng lực vận chuyển.
Từ phía cầu, việc đóng cửa biên giới và giãn cách xã hội đã làm thay đổi về hành vi của người tiêu dùng, dẫn đến sự chuyển dịch chi tiêu của người tiêu dùng từ dịch vụ sang hàng hóa – khiến nhu cầu vận chuyển container tăng lên.
Nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng mạnh đã đẩy giá cước vận tải container lên mức cao kỷ lục tăng 5 lần so với mức trung bình 10 năm trước dịch, hay gấp 2 lần so với cuối năm 2020.
Tình trạng thiếu tàu cũng đẩy giá cho thuê tàu lên khoảng 5 - 7 lần so với mức trước dịch, làm thị trường mua bán tàu cũ nóng lên và đẩy lượng đơn đặt hàng đóng tàu mới lên tới 23% trọng tải đội tàu hiện có trên toàn cầu - mức cao nhất kể từ năm 2014.
Tuy nhiên, kết thúc năm 2021, ngành cảng biển và logistics vẫn ghi nhận mức tăng trưởng lên tới 94%, cao hơn 60% so với chỉ số VN-Index. Trong đó, các cổ phiếu vận tải biển có mức tăng giá tốt nhất bao gồm: HAH (+295%); VOS (+722%); VNA (+673%); và MVN (+205%).
Hầu hết các cổ phiếu chính trong ngành đều có kết quả khả quan như GMD (+44%); VSC (+45%); SGP (+183%); PHP (+72%); và TMS (+142%). VTP là cổ phiếu có mức tăng giá kém khả quan hơn.
Giá cổ phiếu ngành cảng biển và logistics tăng mạnh trong 7 tháng đầu năm và chậm lại trong nửa cuối năm 2021 khi Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.
Triển vọng sáng
Nhận định về ngành này trong năm 2022, SSI Research cho rằng, tình trạng tắc nghẽn cảng trên toàn cầu và năng lực vận chuyển container hạn chế khó có thể giải quyết trong ngắn hạn.
Sự gián đoạn chuỗi cung ứng hiện đang ở mức đỉnh điểm, với thời gian vận chuyển hàng hóa kéo dài kỷ lục, số lượng tàu lớn chờ đợi tại các cảng, tình trạng thiếu tài xế xe tải, khung trọng tải và kho bãi. Tất cả những sự mất cân bằng về cung và cầu này sẽ mất vài tháng để giải quyết.
Ban đầu, SSI Research ước tính tình hình này có thể được cải thiện vào Tết Nguyên đán năm 2022. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Omicron và có thể cả những biến thể khác trong tương lai sẽ tiếp tục thách thức chuỗi cung ứng toàn cầu. Tình hình có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn bởi chính sách “Không Covid” của trung Quốc.
Do đó, SSI Research cho rằng tình trạng tắc nghẽn sẽ chưa thể giảm bớt ít nhất là tới quý II/2022.
Cũng theo SSI Research, giá cước vận chuyển container giao ngay dự kiến sẽ giảm dần trên thị trường quốc tế khi tình trạng tắc nghẽn giảm bớt. Tuy nhiên, doanh thu thực tế của các công ty vận tải đến từ giá hợp đồng được ký vào đầu năm.
Do giá cước giao ngay vào cuối năm 2021 đã tăng gấp đôi so với cuối năm 2020, chúng tôi nhận thấy giá hợp đồng sẽ tăng đáng kể trong năm 2022.
Đặc biệt, SSI Research nhấn mạnh: Giá cước vận tải nội địa dự kiến sẽ tăng lên đáng kể. Nhu cầu vận chuyển nội địa sẽ phục hồi từ mức thấp trong năm 2021, khi hoạt động sản xuất hồi phục trở lại nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao.
Mặt khác, nguồn cung tàu đang khan hiếm do một nửa đội tàu trong nước hiện đang ký hợp đồng cho thuê ra thị trường quốc tế.
Tình hình này dự kiến sẽ kéo dài trong ít nhất 2 năm trước khi các hợp đồng cho thuê tàu kết thúc. Điều này sẽ có lợi cho tất cả các công ty vận tải có tàu container vận hành ở thị trường nội địa.
SSI Research cho rằng, các công ty vận tải container có tiềm năng tăng lợi nhuận đáng kể do giá cho thuê tàu và giá cước vận tải nội địa cao. Mức tăng trưởng lợi nhuận của các công ty cảng có thể khác nhau, với tiềm năng tăng trưởng cao hơn cho các cảng biển nước sâu còn dư công suất như Gemalink (thuộc sở hữu của GMD) và SSIT (SGP và MVN).
Các cảng ở khu vực Hải Phòng có thể tiếp tục đà tăng trưởng do hoạt động kém khả quan của cảng nước sâu Lạch Huyện, tuy nhiên vẫn có rủi ro cảng Lạch Huyện có thể sớm giải quyết xong các vấn đề về luồng và nhờ đó lấy lại vị thế cạnh tranh.
Nguồn: https://congluan.vn/nganh-cang-bien-logistics-gap-kho-doanh-nghiep-van-tang-truong-khung-post176775.html
06:41, 24/12/2021
06:15, 16/12/2021
06:30, 15/10/2021