19/01/2025 | 07:01 GMT+7, Hà Nội

Phát triển logistics để giải bài toán lối ra cho nông sản ĐBSCL

Cập nhật lúc: 14/04/2022, 06:15

ĐBSCL là vựa nông sản chủ lực của cả nước, nhưng do việc hạn chế về hạ tầng giao thông, đầu tư cho logistics chưa xứng tầm khiến khu vực này chưa phát huy được hết tiềm năng phát triển.

Chưa phát huy được hết tiềm năng

Hiện nay, tổng số đường cao tốc tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ khoảng 40km, chiếm 3,4% và thuộc dạng thấp nhất so với cả nước. Trong khi đó, giao thông đường thủy nội địa đóng vai trò then chốt nhưng thiếu đầu tư trầm trọng.

Hệ thống cảng Cái Cui chưa đáp ứng hết nhu cầu về xuất khẩu của BĐSCL.
Hệ thống cảng Cái Cui chưa đáp ứng hết nhu cầu về xuất khẩu của BĐSCL.

ĐBSCL là vùng trọng điểm kinh tế, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu cả nước. Hàng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL lên đến hàng chục triệu tấn.

Tuy nhiên, cảng biển tại đây còn thiếu, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Trong khi đó, chuỗi cung ứng logistics phân tán và manh mún, thiếu các trung tâm logistics đáp ứng toàn diện nhu cầu xuất khẩu nông sản. Cộng với chi phí lưu kho bãi, thời gian chờ đợi tăng dẫn đến nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp; vì vậy nông sản bị kìm hãm bởi gánh nặng logistics, cản trở sự phát triển.

Theo ông Phạm Minh Hải, Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (GTVT), đơn vị thuộc Bộ GTVT, ngoài tỷ lệ đường cao tốc thấp nhất cả nước, các tuyến trục ngang ĐBSCL hầu hết đều nhỏ hẹp, các trục liên kết nội vùng chưa được đầu tư; hệ thống đường nội vùng (đường tỉnh, đường huyện...) với khoảng 60%-70% số tuyến chưa đạt về cường độ yêu cầu và tiêu chuẩn đường vào cấp quy hoạch.

Bên cạnh đó, hệ thống đường bộ kết nối đối ngoại đến các cửa khẩu chưa hoàn chỉnh, đồng bộ để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa liên vận quốc tế. Kết nối giao thông đường bộ với hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa còn nhiều hạn chế…

Cần đẩy mạnh đầu tư logistics

Đặc thù hàng hóa của ĐBSCL là nông sản, trong khi hiện nay chưa hình thành các cảng biển tiếp nhận tàu có trọng tải lớn (từ 30.000-50.000 tấn) và cảng biển mang tính chất cảng cửa ngõ khu vực. Phần lớn hàng hóa phải chuyển đến khu vực cảng biển ở Đông Nam bộ. Đồng thời trong khu vực cũng chưa hình thành nhiều trung tâm logistics có quy mô lớn để phục vụ cho hàng hóa xuất nhập khẩu.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh tại Cần Thơ, nhận định: “ĐBSCL còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn… Chính vì vậy, phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu phải trung chuyển qua các cảng Cát Lái (ở TP.HCM) và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa -Vũng Tàu) gây tốn nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa trên thị trường”.
Cần xây dưng đồng bộ hệ thống cảng, giao thông để thúc đẩy kinh tế ĐBSCL.
Ông Võ Thanh Phong, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng hải Hậu Giang (VIMC Hậu Giang), đề xuất, Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện, duy tu kênh Quan Chánh Bố, đảm bảo cho tàu biển có trọng tải lớn vào các bến cảng biển trên sông Hậu. Đây là vấn đề then chốt đối với sự phát triển ngành dịch vụ logistics vùng ĐBSCL. Đồng thời mở rộng và nạo vét kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) trên tuyến thủy lộ quốc gia, huyết mạch nối TP.HCM, Long An với các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Ông Lê Tiến Công, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Cần Thơ, nhìn nhận, ĐBSCL mong muốn có nhiều container như TP.HCM; đồng thời cần có những bãi về lưu chứa, sửa chữa container, container lạnh và container khô… Hiện tại, để chuyển một container đi nước ngoài chúng ta phải chuyển container rỗng từ TP.HCM xuống, khi đó mới đóng hàng và xuất đi. Nếu có container rỗng tại đây để đóng hàng và xuất đi sẽ nhanh hơn, chi phí thấp hơn…

Theo Viện Chiến lược và Phát triển GTVT, để ĐBSCL phát triển logistics thì cần xây dựng cơ chế tài trợ cho các cơ sở hạ tầng vùng, ban hành cơ chế thu hút đầu tư từ khu vực ngoài ngân sách cho phát triển ĐBSCL. Trong giai đoạn 2022-2025, triển khai giai đoạn 2 của dự án luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu để đồng bộ, hoàn chỉnh cho tàu 20.000 tấn giảm tải vào các khu bến cảng phía sâu trong sông Hậu thuộc cảng biển Cần Thơ...

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/phat-trien-logistics-de-giai-bai-toan-loi-ra-cho-nong-san-dbscl-66042.html