19/01/2025 | 10:35 GMT+7, Hà Nội

Nhiều đối tượng xấu xuất hiện trong lớp học online: Giáo viên, học sinh lo nơm nớp

Cập nhật lúc: 17/04/2020, 20:40

Học online hiện đã trở thành cụm từ không còn xa lạ với học sinh, sinh viên. Đây được xem là giải pháp tối ưu trong những ngày ngừng đến trường nhưng không dừng việc học theo đúng phương châm của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, tính bảo mật và tình trạng bị phá rối khi đang học online khiến nhiều giáo viên lo lắng, học sinh ngán ngẩm.

Nơm nớp nỗi lo

Thời gian gần đây, việc một số lớp học trực tuyến đã bị hack và đăng tải những video, clip của một số nhân vật xấu như: Huấn hoa hồng, Khá bảnh… đang khiến nhiều phụ huynh và cả giáo viên lo lắng.

Trên một số trang mạng, nhiều nick name còn cho ID và mật khẩu lớp học một cách công khai để thuê hoặc nhờ người vào tạo tên những thành viên trong lớp nhằm điểm danh hộ và trốn học.

Hình ảnh học sinh trong một lớp online của trường THPT Lý Thường Kiệt (Long Biên) đăng tải clip Khá bảnh đang nhảy nhót được chụp lại từ clip

Gần đây, ở phần bình luận trên một fanpage của trường THPT Lý Thường Kiệt (quận Long Biên), một tài khoản đã đăng tải clip lớp học của trường này trong đó có một thành viên đã phát clip Khá bảnh đang nhảy nhót điên cuồng trước sự bất lực của thầy giáo.

Dù chưa biết là lớp học này bị hack hay do ý thức của học sinh khi sử dụng tài khoản trên hệ thống để đăng nhập, quậy phá nhưng điều này khiến các học sinh khác ngán ngẩm, thầy cô lo lắng và phụ huynh thì ngỡ ngàng.

Nhiều giáo viên cho biết, vài ngày gần đây, khi đọc được thông tin về phần mềm Zoom, họ lo nơm nớp khi dạy. Cũng có giáo viên dùng máy tính cá nhân hay điện thoại để dạy online, nếu bị hack thì rất có thể các hacker sẽ vào được điện thoại hay email của họ.

Ngoài nỗi lo bị hack nick, theo thầy Đặng Danh Hướng, giáo viên trường THPT Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai), dạy học online cũng có nhiều nỗi lo. Bên cạnh việc khó kiểm soát thì nhiều học sinh vừa học vừa đùa nghịch, thậm chí nhiều em nhờ người học hộ hay vẽ bậy vào bài giảng…

Em Trần Thùy Linh đang học lớp 10 trường THPT Nguyễn Gia Thiều chia sẻ: “Dù lớp mình chưa bị quấy rối trong khi học online nhưng khi xem những clip của lớp học bị hack và thành viên đăng tải không liên quan khiến mình thấy bất bình. Mình nghĩ, đang trong mạch dạy và học, thầy cô phải dừng lại xử lý gây ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài của học sinh. Bên cạnh đó, nội dung clip đăng tải phản cảm, mình nghĩ cần xử lý nghiêm những trường hợp này”.

Chưa thể kiểm soát triệt để

Nhiều giáo viên cho biết, dạy và học online còn gặp nhiều khó khăn do chính bản thân giáo viên cũng chưa làm chủ được công nghệ, tốc độ đường truyền chưa ổn định… Tuy nhiên, các thầy cô đã phải khắc phục khó khăn, từng bước tăng cường quản lý, bảo mật lớp học bằng cách tìm hiểu và tắt chức năng vẽ trên màn hình chung; kêu gọi phụ huynh hỗ trợ giám sát con trong giờ học; thay đổi liên tục tên đăng nhập và mật khẩu, yêu cầu học sinh tắt micro, camera để tránh ồn ào trong giờ học. Chỉ khi nào thầy cô cho phép học sinh nào phát biểu thì em đó mới được bật tiếng…

Được biết, đến nay, ngoài việc kích tài khoản gây rối ra khỏi lớp, thay đổi ID/Password thì thầy cô chưa có biện pháp nào để xử lý triệt để vụ việc.

Theo thầy Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên), phần mềm học trực tuyến miễn phí Zoom được sở GD&ĐT Hà Nội giới thiệu, hiện Sở còn đưa thêm một số phần mềm học online khác như: VNPT-elening, Office 365 và đang tập huấn cho các trường nhằm chuyển đổi dần. Để hạn chế việc phá rối trong lớp học online, trường THPT Nguyễn Gia Thiều đã ra quy định đối với học sinh như: Phải dùng tên thật trong suốt quá trình học, tắt, bật micro, camera theo hướng dẫn của thầy cô, không hỏi những nội dung không liên quan đến bài học, học sinh chụp lại vở sau khi kết thúc bài giảng…

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, đối với phần mềm tin học miễn phí ở trên mạng hiện nay, khả năng bảo mật hạn chế nên có thể bị hack, không an toàn cho học sinh và cả giáo viên.

Các trường lựa chọn phần mềm để giảng dạy online phải hết sức chú ý điều này. Hiện ở trong nước có nhiều nhà mạng, server tốt, các trường cũng nên quan tâm để có thể lựa chọn được dịch vụ chất lượng cao, vừa an toàn cho học sinh, vừa đảm bảo chất lượng giảng dạy.