Ngày thứ 16 thực hiện cách ly xã hội: Quyết liệt hơn nữa trong xử lý vi phạm
Cập nhật lúc: 17/04/2020, 12:51
Cập nhật lúc: 17/04/2020, 12:51
Bước sang ngày thứ 16 cũng là ngày đầu tiên trong thực hiện giai đoạn 2 của cách ly xã hội, người dân ra đường trong buổi sáng 16-4 rất đông và những vi phạm ở khu vực nội thành vẫn chưa giảm; trong khi ngoại thành, việc thực hiện còn chưa đồng đều. Thực tế này cho thấy, để duy trì nghiêm quy định về cách ly xã hội, việc xử lý vi phạm vẫn đòi hỏi phải sát sao và quyết liệt hơn nữa.
Ý thức kém, vi phạm nhiều
Ngày 16-4, mật độ giao thông trên nhiều tuyến phố ở nội thành vẫn cao. Các tuyến Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật, Thanh Niên, Yên Phụ, Nghi Tàm, Nguyễn Trãi, Tây Sơn, Giải Phóng, Nguyễn Xiển, Lê Văn Lương, nút giao thông Chương Dương... lượng người, phương tiện tham gia giao thông khá đông. Khu vực quanh hồ Tây rải rác vẫn có người đi tập thể dục hoặc ngồi ngắm cảnh, chỉ khi cán bộ trật tự phường nhắc mới chịu về. Điều này cho thấy, người dân ý thức những việc được làm và không được làm, nhưng chưa tự giác thực hiện.
Trước tình trạng vi phạm vẫn tăng, chính quyền cơ sở đã đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý. Tuy nhiên, khi lực lượng kiểm tra rời đi, vi phạm lại tái diễn. Cụ thể, tại vườn hoa tại ngõ 1 phố Ngọc Lâm (phường Ngọc Lâm, quận Long Biên) vẫn có người tập thể dục; cửa hàng sửa xe máy vẫn rửa xe ở vị trí khó quan sát (dưới lối lên xuống chân cầu Chương Dương) để tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Ở quận Hà Đông, việc tụm đông mua bán, chuyện trò vẫn diễn ra phổ biến ở chợ tạm, chợ “cóc”. Thời điểm 9h30, tại chợ Vạn Phúc, người dân chưa chú ý giữ khoảng cách.
Tại quận Ba Đình nhiều vi phạm cũng diễn ra hàng loạt, như: Một dãy hàng ăn ở phố Kim Mã giáp cổng Trường Lê Duẩn mở cửa từ sớm; nhiều cơ sở dán ni lông xe máy trên phố Cao Bá Quát (phường Điện Biên); cửa hàng tại số 14 đường Lê Duẩn vẫn hoạt động. Tại phố Hòe Nhai (phường Nguyễn Trung Trực), nhiều hộ buôn bán thực phẩm lấn chiếm lòng, lề đường.
Tại quận Cầu Giấy, ở nút giao Nguyễn Chánh - Mạc Thái Tổ hay trục đường Nguyễn Chánh, có người bán xôi, hàng rong trên vỉa hè nhưng không bị xử lý. Vi phạm cũng diễn ra công khai trên tuyến đường Hồ Tùng Mậu, gồm cửa hàng ở các số: 18, 72, 84, 186...
Tại chợ Thái Hà, phường Trung Liệt (quận Đống Đa), người đi chợ chưa giữ khoảng cách. Còn ở quận Tây Hồ, dọc đường An Dương, các tuyến ngõ ngách quanh chợ Yên Phụ, hàng rong và nhiều người bày hàng hóa lấn vỉa hè, lòng đường...
Việc không chấp hành cách ly xã hội còn diễn ra trên địa bàn các phường Mai Động, Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai): Số 47, 49 phố Lĩnh Nam; các phường Thanh Nhàn, Bạch Mai, Nguyễn Du... (quận Hai Bà Trưng) hay tại cửa hàng ở số 35 phố Nam Đồng, phường Phương Liên (quận Đống Đa)...
Còn tại quận Nam Từ Liêm, vi phạm có thể nhận thấy tại: Số 52A, 84, 144 đường Mỹ Đình, cửa hàng số 25 và số 3 phố Nguyễn Cơ Thạch (phường Mỹ Đình 2)… Tại quận Bắc Từ Liêm, có thể điểm danh các điểm vi phạm như: Điểm bán hàng rong ngay Nghĩa trang Mai Dịch; số nhà 85, 113 đường Phan Bá Vành (phường Cổ Nhuế 1)...; các số nhà: 323, 351, 367, 449, 466, 478 phố Hoàng Công Chất (phường Phú Diễn).
Trong khi đó, tại khu vực ngoại thành, việc thực hiện cách ly xã hội cũng chưa đồng đều giữa các địa phương. Một số địa phương thực hiện khá tốt như tại xã Cao Dương (huyện Thanh Oai); xã Hà Hồi (huyện Thường Tín), các tuyến đường đều vắng bóng người. Tương tự, tuyến đường từ thị trấn Sóc Sơn về xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) khá vắng phương tiện lưu thông, các cửa hàng vẫn đóng cửa. Việc người dân chấp hành nghiêm cách ly xã hội cũng được thấy rõ tại một số xã, thị trấn của huyện Thạch Thất như: Liên Quan, Phú Kim, Canh Nậu, Dị Nậu, Thạch Xá… Hay một số địa phương của huyện Mỹ Đức, như: Phúc Lâm, Bột Xuyên, Mỹ Thành, Tuy Lai, An Mỹ, Hồng Sơn và thị trấn Quốc Oai (huyện Quốc Oai)...
Tuy nhiên, vẫn còn địa phương chưa thực hiện nghiêm như tại xã Ba Thá (xã Viên An, huyện Ứng Hòa) vẫn có cửa hàng bán đồ nội thất mở cửa. Tại huyện Gia Lâm, vẫn có một số cửa hàng kinh doanh trà sữa, sửa chữa máy phát điện, máy hàn trên đường Ngô Xuân Quảng, đường Kiến Thành hoạt động. Tại chợ Tó (xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh) vẫn có nhiều người không giữ khoảng cách theo quy định.
Đáng chú ý, ở chợ đầu mối nông sản xã Tiền Phong, người dân buôn bán rất đông nhưng không giữ khoảng cách theo quy định. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chủ tịch UBND xã Tiền Phong Vũ Thị Hoàng Hợp cho biết, chợ có khoảng 100 tiểu thương, lực lượng chức năng thường xuyên nhắc nhở và đã xử lý một số trường hợp vi phạm...
Tình trạng người dân không giữ khoảng cách theo quy định còn thấy rõ tại chợ Đông Phương Yên và một số chợ dân sinh của thị trấn Xuân Mai (huyện Chương Mỹ). Ngoài ra, một số cửa hàng điện thoại và thời trang vẫn mở cửa đón khách.
Xử lý nghiêm vi phạm
Trước tình trạng vi phạm vẫn tăng, chính quyền cơ sở đã có nhiều giải pháp thiết thực. Một trong những địa bàn có mật độ tập trung đông người, nhiều giao dịch mua bán là chợ Đồng Xuân (phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm), các chốt trực nhắc nhở người đi chợ giữ khoảng cách, việc sát khuẩn tay được thực hiện nghiêm. Phố Nguyễn Thiện Thuật đã được kẻ vạch sơn để người mua - người bán giữ khoảng cách.
Trao đổi về tình hình giao thông qua nút giao thông Chương Dương, Thiếu tá Nguyễn Cao Cường, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông số 1 (Công an thành phố Hà Nội), làm nhiệm vụ tại Trạm kiểm soát y tế Bắc Chương Dương cho biết: “Sáng 16-4, người dân lưu thông trên đường đông hơn những ngày trước. Chúng tôi cho dừng xe kiểm tra y tế liên tục nhưng cũng chỉ được một phần nhỏ so với lượng người và xe lưu thông qua cầu”.
Về những vi phạm bán hàng dưới chân đường sắt trên cao, phố Kim Mã (quận Ba Đình), Trưởng Công an phường Ngọc Khánh Nguyễn Đức Quý cho biết, lực lượng chức năng đã kiểm tra, nhắc nhở, tạm giữ đồ của cửa hàng vi phạm. Công an phường sẽ tiếp tục xuống địa điểm phóng viên nêu để kiểm tra, nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Trao đổi với Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Trung Trực Nguyễn Trịnh Tuyết Thanh được biết, phường đã lập chốt kiểm soát dịch bệnh, tuyên truyền tại hai đầu phố Hòe Nhai và cử lực lượng ứng trực tại chỗ để giãn cách người dân; với các hộ kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, phường cũng kiên quyết xử lý.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng) Hoàng Thị Tuyết Lan: Từ ngày 1-4 đến nay, UBND phường đã gửi thông báo, ký cam kết ngừng buôn bán đến 115 cơ sở kinh doanh. Các lực lượng chức năng của phường phối hợp với lực lượng công an liên tục tuần tra 2 lần/ngày. UBND phường đã lập chốt tuyên truyền kết hợp xử lý tại ngõ 37 Lê Thanh Nghị. Qua kiểm tra, chốt đã xử phạt 21 trường hợp vi phạm quy định về phòng dịch.
Với thực tế nêu trên cho thấy, lực lượng chức năng đã nỗ lực trong rà soát, kiểm tra và xử lý vi phạm. Đặc biệt, với những vi phạm được Báo Hànộimới nêu, nhiều địa phương đã nghiêm túc tiếp thu và xử lý.
Như với phản ánh của Báo Hànộimới đăng ngày 15-4 về các cửa hàng kinh doanh trên địa bàn vẫn hoạt động, Chủ tịch UBND phường Nam Đồng (quận Đống Đa) Ngô Tiến Ngọc cho biết, phường đã chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra ngay và xử lý vi phạm. Hay với thông tin Báo Hànộimới phản ánh ngày 15-4 về họp chợ “cóc” tại ngõ 64 Kim Giang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) Trần Thị Nga cho biết, đây là địa bàn giáp ranh giữa phường Kim Giang (quận Thanh Xuân) và Đại Kim (quận Hoàng Mai). Song dù là địa bàn phường nào thì việc họp chợ đông, không thực hiện yêu cầu cách ly xã hội đều phải chấn chỉnh. UBND phường đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải thực hiện cách ly xã hội.
Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định để Hà Nội kéo dài thời gian thực hiện cách ly xã hội đã chứng minh tầm quan trọng của giải pháp này trong phòng, chống dịch. Tuy nhiên, vì sao nhiều vi phạm rất dễ phát hiện nhưng vẫn ngang nhiên diễn ra mà không bị xử lý? Điều này cho thấy chính quyền cơ sở phải tăng cường thực thi trách nhiệm, cần giao địa bàn kiểm tra, kiểm soát cụ thể theo hướng rõ người, rõ việc bởi nếu không chủ động, việc xử lý sẽ vẫn chỉ là “chạy theo” hay nằm ở phần ngọn. Khi đó, việc cách ly xã hội sẽ không hiệu quả như yêu cầu đặt ra.
Xử phạt 7.401 trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch Covid-19
Tính đến 17h ngày 16-4, báo cáo của 30 quận, huyện, thị xã từ ngày 1-4 đến nay cho thấy, các địa phương đã xử phạt tổng cộng 7.401 trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19 với các lỗi chủ yếu là do mở cửa bán các mặt hàng không thiết yếu, không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ra ngoài đường không có lý do cấp thiết…
Tính chung 12 quận, số trường hợp bị xử phạt lên tới 4.629. Những địa phương có số liệu xử phạt cao nhất là các quận: Đống Đa, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hà Đông; các huyện: Thanh Trì, Đan Phượng, Phúc Thọ, Thường Tín… Các địa phương có số xử phạt thấp, gồm: Ba Vì (37 trường hợp), Mỹ Đức (40 trường hợp), Gia Lâm (44 trường hợp)…
12:46, 17/04/2020
12:25, 17/04/2020
11:59, 17/04/2020