24/11/2024 | 20:13 GMT+7, Hà Nội

Nhiều doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Cập nhật lúc: 01/01/2021, 10:36

Điểm nhấn trong năm 2020 là vốn đầu tư điều chỉnh đạt trên 6,4 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2019, mặc dù số lượt dự án đăng ký điều chỉnh giảm 17,5%.

Nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia vào 19 ngành, lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 20/12, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết dưới tác động của đại dịch Covid-19, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong năm 2020 tuy giảm so với năm 2019, nhưng mức độ giảm đã được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang dần hồi phục và duy trì tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh và mở rộng dự án.

Điểm nhấn trong năm 2020 là vốn đầu tư điều chỉnh đạt trên 6,4 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2019, mặc dù số lượt dự án đăng ký điều chỉnh giảm 17,5%.

Tuy nhiên, số dự án đăng ký cấp mới giảm đến 35%, tổng số vốn cũng giảm 12,5%, còn 14,6 tỷ USD. Trong bối cảnh này, các nhà đầu tư nước ngoài có 6.141 lượt góp vốn mua cổ phần với tổng giá trị 7,5 tỷ USD, giảm 51,7%.

Như vậy, tính đến nay, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,53 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2019.

Một số dự án lớn được đầu tư trong năm 2020 có thể kể đến như Dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm Nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD; Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam Việt Nam (Thái Lan) tại Bà Rịa - Vũng Tàu, điều chỉnh tăng vốn đầu tư 1,386 tỷ USD; Dự án Khu trung tâm đô thị Tây hồ Tây (Hàn Quốc) tại Hà Nội, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 774 triệu USD…

Nhiều doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư tại Việt Nam
Nhiều doanh nghiệp FDI mở rộng đầu tư tại Việt Nam

Ngoài ra, còn có thể kể đến Dự án Pegatron Việt Nam (Đài Loan), vốn đầu tư 481 triệu USD, ở Hải Phòng; Dự án Nhà máy Sản xuất lốp xe Radian Jinyu (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD ở Tây Ninh…

Đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia vào 19 ngành, lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 13,6 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Cũng do tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong năm 2020 giảm nhẹ so với năm 2019. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 19,98 tỷ USD, bằng 98% so với cùng kỳ năm 2020 (cùng kỳ tăng 6,7%).

Song, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang dần hồi phục và duy trì tốt hoạt động sản xuất - kinh doanh và mở rộng dự án. Quan trọng hơn, hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.

Theo chuyên gia nhận định thì dòng vốn FDI sẽ đến Việt Nam nhiều hơn vì Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn, với dân số gần 100 triệu người, tầng lớp trung lưu đang tăng với sức tiêu dùng mạnh mẽ.

Số liệu từ Bộ cho thấy, đã có gần 300 doanh nghiệp từ các nước trên thế giới có kế hoạch mở rộng đầu tư/đầu tư mới hoặc đang nghiên cứu, tìm hiểu đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, hơn 60 tập đoàn, doanh nghiệp đã có kết quả bước đầu trong triển khai đầu tư mới/mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Theo một báo cáo của Goldman Sachs, nhiều công ty Mỹ cho biết Việt Nam và Ấn Độ là những điểm đến được đề cập nhiều nhất trong kế hoạch dịch chuyển cơ sở sản xuất. Gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ tài chính cho 15 công ty chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam, mở đường cho làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản. Phần lớn các doanh nghiệp chuyển sang Việt Nam sản xuất thiết bị y tế; các doanh nghiệp còn lại sản xuất thiết bị bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hòa không khí hoặc mô-đun nguồn...

Nhận định về dòng vốn FDI vào Việt Nam trong 2021, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường cho rằng, dòng vốn FDI sẽ đến Việt Nam nhiều hơn vì Việt Nam là thị trường rất hấp dẫn, với dân số gần 100 triệu người, tầng lớp trung lưu đang tăng với sức tiêu dùng mạnh mẽ.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang cải thiện đáng kể môi trường đầu tư. Sang năm 2021, đầu tư sẽ được đẩy mạnh nhờ cải thiện giải ngân đầu tư công, hoạt động sản xuất tiếp tục chuyển hướng từ Trung Quốc sang Việt Nam; kỳ vọng sẽ thu được nhiều lợi ích từ các FTA đặc biệt là từ Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu đi vào thực hiện và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với hy vọng sẽ ký kết RCEP trước năm 2021. 

Nguồn: https://reatimes.vn/nhieu-doanh-nghiep-fdi-mo-rong-dau-tu-tai-viet-nam-1609302333330.html