18/01/2025 | 14:42 GMT+7, Hà Nội

Nhân viên ngân hàng chật vật tìm khách vay mua bất động sản

Cập nhật lúc: 01/09/2020, 06:00

Cuộc tìm kiếm khách hàng vay vốn thế chấp bằng bất động sản của những nhân viên ngân hàng đang ngày càng trở nên chật vật, dù lãi suất ưu đãi, cách thức vay đơn giản…


Đã gần hết tháng 8 nhưng Ngọc - nhân viên kinh doanh của một ngân hàng tư nhân nước ngoài tại Việt Nam vẫn chưa hoàn thành 50% chỉ tiêu đặt ra về số lượng khách hàng vay vốn.

Đối tượng mà Ngọc nhắm tới là những khách hàng vay mua bất động sản như chung cư, nhà phố, đất nền, đất thổ cư. Dù phía ngân hàng đưa ra hàng loạt chương trình ưu đãi như lãi suất chỉ 7%/năm đầu tiên và biên độ lãi suất dao động khoảng 3% trong những năm tiếp theo, không mất phí trả trước,... nhưng khách hàng vẫn không mấy mặn mà.

Ngọc kể: “Tháng này khả năng cao là sẽ không hoàn thành chỉ tiêu. Tôi cũng đã kết nối với các sàn giao dịch bất động sản nhưng tìm khách vay rất khó. Vì ngay đến cả các sàn, khách mua đi bán lại cũng thấp. Ngân hàng hiện tôi đang làm trước đó chỉ hướng tới khách hàng là doanh nghiệp lớn. Nhưng khi kinh tế khó khăn, ngân hàng buộc phải gia tăng các chương trình cho khách lẻ. Thực tế, chỉ cho vay mua bất động sản là có thể đảm bảo được nguồn lợi nhuận ít ỏi về cho ngân hàng”.

Tương tự như Ngọc, Nhật Anh - nhân viên tín dụng của một ngân hàng tư nhân khác cũng thường xuyên đăng tải thông tin tìm khách vay mua bất động sản. Chương trình ưu đãi của ngân hàng này cũng rất hấp dẫn về thủ tục vay vốn, miễn giảm tiền thẩm định giá và lãi suất thấp.

Trước đó, Thông tư 22 chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2020 đã khiến nhiều chuyên gia cho rằng, những khoản cho vay bất động sản sẽ được siết lại. Thực tế, nhiều nhân viên ngân hàng cho biết, quy định này không ảnh hưởng đến chỉ tiêu được giao.

Nhật Anh tiết lộ, lợi nhuận của phía ngân hàng càng cần đến từ khoản vay mua bất động sản của khách hàng vì khoản vay tín dụng rủi ro còn lớn hơn. Đây vẫn là tệp khách hàng tiềm năng nhất. Tiêu chí duy nhất mà các nhân viên tín dụng tìm kiếm là khả năng trả nợ của khách hàng.

(Ảnh minh họa).

“Chỉ cần khách hàng có lịch sử trả nợ tốt, thu nhập không bị tác động lớn bởi Covid-19, nhân viên sẽ hỗ trợ hoàn toàn về các thủ tục giấy tờ hợp lý”, Nhật Anh tiết lộ. Thế nên, chỉ cần có tiềm lực khả năng trả nợ, những nhân viên ngân hàng hoàn toàn có thể tạo ra các giấy tờ hợp lý hỗ trợ cho khách hàng.

Theo TS. Đinh Thế Hiển, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay bất động sản nhưng trong bối cảnh thị trường đang chịu tác động mạnh bởi dịch bệnh Covid-19, lo ngại về cuộc khủng hoảng kéo dài xảy ra khiến tâm lý của các nhà đầu tư trở nên thận trọng, không sử dụng đòn bẩy tài chính. Tình trạng này khiến nhân viên ngân hàng chật vật trong tìm khách vay.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư bỏ vốn vào bất động sản sẽ không có nhu cầu sử dụng đòn bẩy tài chính và chủ yếu sử dụng vốn tự có. Sự đoán định về tương lai của nền kinh tế khó xác định khiến các nhà đầu tư rất cẩn trọng trong bỏ vốn. 

Trước đó, TS. Đinh Thế Hiển cũng từng đưa ra lời khuyên rằng, các nhà đầu tư cần dự trù được khả năng trả nợ để vay vốn và mức vay ngân hàng nên ở ngưỡng dưới 50%.