18/01/2025 | 17:59 GMT+7, Hà Nội

Nguồn vốn nhàn rỗi ngày càng lớn vì không phải “chi” bảo hiểm tiền gửi

Cập nhật lúc: 22/07/2019, 20:00

Được biết hầu hết nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi tại Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ...

fgg

Tính đến cuối tháng 6/2019, ở Việt Nam có 1.282 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Ảnh minh họa

Hơn 52.000 tỷ đồng vốn nhàn rỗi tại DIV

Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV) vừa công bố một số thông tin về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, nổi bật với việc không phải chi trả tiền bảo hiểm từ đầu năm đến nay, nhờ đó nguồn vốn nhàn rỗi quy mô ngày càng lớn.

Cụ thể, tổng số phí bảo hiểm tiền gửi trong 6 tháng đầu năm 2019 mà DIV thực thu là hơn 3.500 tỷ đồng, tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt hơn 100% kế hoạch 6 tháng đầu năm và bằng 50% kế hoạch cả năm 2019.

Theo đánh giá của DIV, các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đã thực hiện nghiêm túc việc tính và nộp phí theo quy định.

Tính đến cuối tháng 6/2019, ở Việt Nam có 1.282 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; trong đó có 95 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 01 ngân hàng hợp tác xã, 1.182 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô.

Cũng theo báo cáo của DIV, tính đến ngày 20/6/2019, tổng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi của tổ chức này được đầu tư lên tới hơn 52.000 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm 2018.

DIV cho biết, hầu hết nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đó đã được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ và đây là quy định hiện hành.

Cũng theo báo cáo trên, doanh thu từ hoạt động đầu tư năm 2019 đến ngày 20/6 của DIV đã tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2018.

Vì sao bảo hiểm tiền gửi chỉ trả tối đa 75 triệu đồng?

Trước câu hỏi băn khoăn của Đại biểu Bùi Xuân Thống (Đồng Nai) là với hạn mức chi trả tối đa 75 triệu đồng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có đủ khả năng chi trả và bảo vệ quyền lợi cho hơn 87% người gửi tiền. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản trả lời cụ thể cho đại biểu và thông tin tới người dân.

Theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước lý giải chi tiết về cơ sở đưa ra con số hạn mức 75 triệu đồng bảo hiểm tiền gửi có thể chi trả cho người gửi tiền.

Cụ thể, 4 cơ sở để đưa ra con số này là Năng lực tài chính của tổ chức bảo hiểm tiền gửi; thực trạng tình hình kinh tế vĩ mô ở Việt Nam; quy mô tiền gửi; thông lệ, chuẩn mực quốc tế.

Thống đốc cho biết, theo thông lệ quốc tế và khuyến nghị của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi nên có giới hạn, đáng tin cậy và bảo hiểm cho phần lớn người gửi tiền (bảo vệ toàn bộ 90 - 95% người gửi tiền). Tuy nhiên, phải đảm bảo có một tỷ lệ đáng kể giá trị tiền gửi tuân theo kỷ luật thị trường (nghĩa là chịu rủi ro theo biến động thị trường).

"Do đó, số tiền được bảo hiểm tiền gửi không tính theo tỷ lệ giá trị tiền gửi của người gửi tiền, mà tính theo số tiền cụ thể. Với hạn mức 75 triệu đồng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam có khả năng bảo vệ toàn bộ được 87,32% số lượng người gửi tiền (theo số liệu tính toán tại tháng 6/2016). Hạn mức này khá gần với khuyến nghị của Hiệp hội bảo hiểm tiền gửi quốc tế", Thống đốc nói.

Để nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm lên trên mức 75 triệu đồng thì cần phải nâng cao năng lực tài chính của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thông qua tăng phí bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, việc điều chỉnh tăng phí, theo Thống đốc, vẫn còn không ít khó khăn, tăng thêm gánh nặng cho tổ chức tín dụng, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

"Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét trình Thủ tướng điều chỉnh tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi khi điều kiện cho phép", Thống đốc khẳng định.

Ngoài việc được nhận bảo hiểm tiền gửi chi trả theo hạn mức quy định, khi phá sản người gửi tiền còn có thể được nhận lại tiền gửi theo thứ tự phân chia tài sản quy định tại khoản 1 Điều 101 Luật Phá sản.

Thống đốc nhấn mạnh, quan điểm, mục tiêu xuyên suốt trong chỉ đạo của Đảng, Nhà nước là phải đảm bảo quyền và lợi ích người gửi tiền:

"Do đó, trong bất cứ trường hợp nào, phương án xử lý các tổ chức tín dụng đều phải đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu là đảm bảo an toàn hệ thống, củng cố lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, không gây đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát. Quan điểm này cũng đã được thể hiện rõ trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng vừa được Quốc hội thông qua"./.

Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/nguon-von-nhan-roi-ngay-cang-lon-vi-khong-phai-chi-bao-hiem-tien-gui-37760.html