18/01/2025 | 12:12 GMT+7, Hà Nội

Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam: Chung tay biến "nguy" thành "cơ"

Cập nhật lúc: 01/05/2020, 10:23

Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam, chung tay cùng doanh nghiệp biến "nguy" thành "cơ", hướng tới mục tiêu đưa thị trường nội địa thành đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế hậu Covid-19.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Covid-19 đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, Chính phủ và nhân dân cũng đang "căng mình" để kiểm soát dịch, phục hồi kinh tế.  

Hiện tại, theo thống kê của Forbes, 65% người tiêu dùng đang trì hoãn các khoản mua sắm và kế hoạch du lịch, 27% đang tiết kiệm nhiều hơn thông thường và 26% dự kiến sẽ tiết kiệm nhiều hơn trong tương lai. Điều này gián tiếp ảnh hưởng đến các doanh nghiệp tiêu dùng nói riêng và các doanh nghiệp nói chung khi tỷ lệ mua giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Đẩy mạnh vận động "Người Việt dùng hàng Việt" là cấp thiết trong giai đoạn này để chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước.

Chính vì vậy, trong thời điểm này, việc đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trở nên cấp thiết hơn trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Mỗi người tiêu dùng chung tay sẽ là cơ hội biến những khó khăn, thách thức thành lợi thế, biến "nguy" thành "cơ", hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi để ổn định tình hình kinh tế – xã hội tại từng địa phương.

Niềm tin hàng Việt

Theo thống kê tại các siêu thị, chợ truyền thống, các mặt hàng trong nước hiện chiếm từ 80 – 90%, cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức và lựa chọn của người dân khi tin tưởng các mặt hàng nội địa chất lượng cao, giá cả phù hợp thay vì hàng ngoại nhập đắt đỏ, đặc biệt trong thời điểm dịch bệnh hiện nay khi việc chi tiêu càng được người dân thắt chặt.  

Trong tình hình dịch hiện nay, thực hiện việc hạn chế ra ngoài nếu không có việc cần thiết, gia đình chị A.V. (Hà Nội) dù 1 tuần chỉ đi chợ/siêu thị từ 1 - 2 lần nhưng vẫn yên tâm vào việc cung ứng hàng hóa, không tích trữ thực phẩm.

"Do ảnh hưởng của dịch, các mặt hàng nhập ngoại cũng bị gián đoạn nên tôi chuyển sang dùng toàn bộ hàng Việt, chất lượng tốt, giá phù hợp hơn. Các mặt hàng thiết yếu, sản phẩm của các doanh nghiệp nội địa cũng luôn được cung ứng đầy đủ, không bị tình trạng khan hàng, thổi giá", chị A.V. nói.

Người tiêu dùng hiện dành nhiều ưu tiên cho các sản phẩm trong nước.

"Thời điểm kinh tế khó khăn, gia đình tôi cũng lựa chọn các sản phẩm nội địa từ đồ gia dụng cho đến các vật dụng thiết yếu bởi giá thành phù hợp, mọi chế độ bảo hành cũng thuận lợi hơn so với việc dùng các mặt hàng ngoại trong giai đoạn này" - là chia sẻ của anh Đ.N (Hà Nội).

Theo ghi nhận của PV, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh song các mặt hàng, phần lớn là hàng Việt Nam không biến động về giá, không có tình trạng khan hiếm hàng tại các siêu thị nên người dân cảm thấy rất yên tâm để mua sắm. Tại thành thị, người tiêu dùng có thói quen mua sắm tại hệ thống các siêu thị như Vinmart, BigC, Co.opmart, Hapro..., còn ở những vùng nông thôn, người dân lại sử dụng chính sản phẩm sạch của địa phương mình.

Chung tay biến "nguy" thành "cơ"

Đối diện với dịch Covid-19, xã hội nhận thức sâu sắc hơn về tầm quan trọng của thị trường trong nước. Với quy mô dân số gần 100 triệu người và sự dần trưởng thành lớn mạnh của tầng lớp trung lưu, nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng nhanh và được thúc đẩy bởi tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đó chính là những điểm tựa vững chắc và là nguồn tài nguyên lớn nhất cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế trước những thách thức bất khả kháng của ngoại cảnh như thiên tai, dịch bệnh.

Người Việt dùng hàng Việt là chung tay biến "nguy" thành "cơ" trong tâm dịch Covid-19

“Hơn lúc nào hết, giờ cần đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” vì đây chính là hành động thiết thực nhất để hậu thuẫn cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết vấn đề tồn kho hàng hóa" - là chia sẻ của Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trước thực trạng hiện tại.

Ở góc độ quản lý Nhà nước thuộc các Bộ Ban ngành, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, các Sở Công Thương nói riêng cũng đẩy mạnh công tác tích cực thông tin, tuyên truyền về cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tuyên truyền người dân không hoang mang trước dịch bệnh; hỗ trợ các doanh nghiệp khảo sát thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu; tăng cường công tác quản lý thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng… Qua đó, giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, phát triển mạng lưới phân phối, kích cầu hàng nội địa.

Đưa hàng Việt đến với người Việt sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước và kích cầu hàng nội địa

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải từng nhiều lần khẳng định, các doanh nghiệp Việt Nam luôn phát huy hết năng lực sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngay tại thị trường trong nước. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến khó lường, việc kích cầu tiêu dùng thông qua các cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Đây cũng là một trong những giải pháp mà Bộ Công Thương đang tích cực triển khai nhằm tăng cường kết nối, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm Việt Nam qua các kênh thương mại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống…

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nói chung đang đứng trước cuộc cạnh tranh gay gắt, thách thức cũng sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước sát cánh, cùng sự chung tay hỗ trợ từ phía các ban ngành và thay đổi tích cực từ hành vi mua sắm người tiêu dùng, hàng Việt Nam sẽ thực sự được tin dùng và phát triển.

“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” - sẽ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong tiêu thụ hàng trong nước, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời dịch Covid-19.