18/01/2025 | 15:01 GMT+7, Hà Nội

Thị trường nội địa: “Điểm tựa” của doanh nghiệp

Cập nhật lúc: 23/04/2020, 21:12

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường thế giới đình trệ do các nước thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch thì thị trường nội địa dù có sự suy giảm sức mua vẫn là "mảnh đất" tiềm năng...

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường thế giới đình trệ do các nước thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch thì thị trường nội địa dù có sự suy giảm sức mua vẫn là "mảnh đất" tiềm năng cần được các doanh nghiệp khai thác tối đa. Bên cạnh sự chủ động của doanh nghiệp, rất cần có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường ngay trên “sân nhà”, tạo “điểm tựa” để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh.

Các siêu thị, cửa hàng tiện ích là một trong những kênh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước quan trọng, giúp ổn định thị trường. Trong ảnh: Khách mua hàng tại Siêu thị Big C trên đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy). Ảnh: Nguyễn Quang

Đầu ra ngay “sân nhà”

Dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 1-2020 đến nay đang ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động thương mại của Việt Nam. Theo Bộ Công Thương, tính chung quý I-2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 115,34 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tại Hà Nội, hầu hết các chỉ tiêu tăng trưởng đều thấp hơn kế hoạch. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 2,7 tỷ USD, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, thị trường nội địa đã trở thành "đầu ra" cho hàng hóa, nông sản của nhiều doanh nghiệp. Theo đại diện siêu thị VinMart, nhà bán lẻ này hiện đang kết nối với 1.200 nhà cung ứng nên bảo đảm đầy đủ hàng hóa cho 134 siêu thị VinMart và 2.900 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc. Suốt mấy tháng qua, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nguồn hàng của VinMart tại Hà Nội luôn dồi dào, chủ yếu là các sản phẩm sản xuất trong nước.

Sự đứt gãy nguồn cung sản phẩm nhập khẩu cũng là cơ hội của không ít doanh nghiệp trong nước vươn lên, mà Công ty TNHH Hoàng Phát (huyện Thạch Thất, Hà Nội) là một ví dụ. Theo Phó Giám đốc công ty Nguyễn Duy Khiêm, khi các mặt hàng đồ gỗ như cũi trẻ em, ghế ăn trẻ em… nhập khẩu từ Trung Quốc bị gián đoạn, doanh nghiệp đã chuyển đổi sang sản xuất sản phẩm này cung ứng cho thị trường nội địa. Không chỉ tạo việc làm trước mắt cho lao động, doanh nghiệp đang nghiên cứu để có bước phát triển lâu dài tại thị trường trong nước.

Giám đốc Công ty TNHH In bao bì Hoàng Mai (huyện Thanh Trì, Hà Nội) Trịnh Thị Hồng Nhung cũng cho biết, khi dịch bệnh khiến thị trường xuất khẩu đình trệ, thì thị trường nội địa chính là giải pháp được doanh nghiệp tính tới để tìm đầu ra cho sản phẩm, duy trì sản xuất kinh doanh.

Dẫn số liệu thống kê lĩnh vực thương mại nội địa của Hà Nội đạt mức tăng trưởng là 7,4% trong quý I-2020, cao hơn mức tăng chung của cả nước là 4,7%, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nhận định, đây là dư địa phát triển của địa phương và đóng góp cho phát triển kinh tế chung của cả nước.

Khai thác tiềm năng tại chỗ để phát triển

Nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ xuất khẩu chuyển đổi sang các mặt hàng cung ứng cho thị trường nội địa. Ảnh: Mạnh Hùng

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, khi thị trường quốc tế chưa thể phục hồi thì mở cửa thị trường nội địa sẽ là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và là gói kích thích kinh tế lớn nhất, có hiệu quả nhất. Tuy nhiên, đi đôi với mở cửa thị trường trong nước, cần thêm gói kích cầu tiêu dùng.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, muốn kích thích tiêu dùng, sản xuất trong thời gian tới, các bộ, ngành có thể tính tới phương án giảm thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng thiết yếu. Thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã đề xuất giảm hàng loạt thuế, phí cho nhiều loại hàng hóa, dịch vụ.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, Sở đã có kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội liên kết tạo các chuỗi sản xuất - phân phối; kết nối cung - cầu, kết nối giao thương giữa thành phố Hà Nội với các tỉnh, thành phố... "Trong bối cảnh dịch bệnh, cách ly xã hội, Sở đã phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử tổ chức các hoạt động kinh doanh trực tuyến, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, kết nối với các doanh nghiệp có hệ thống phân phối đa quốc gia", bà Trần Thị Phương Lan cho biết.

Đồng tình với giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, giải pháp kích cầu quan trọng là các doanh nghiệp cần bảo đảm chất lượng hàng hóa, tăng cường khâu chế biến, mẫu mã, giảm giá và tăng ưu đãi cho khách hàng. “Đây là cơ hội để chúng ta thay đổi nhận thức, phải coi thị trường trong nước quan trọng như thị trường nước ngoài. Cần thay đổi cách làm mang đồ ngon, đồ đẹp đi xuất khẩu trong khi hàng hóa tiêu thụ trong nước lại kém chất lượng hơn”, ông Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.

Đánh giá về nhu cầu thị trường Hà Nội, ông Nguyễn Minh Phong cho rằng với 10 triệu dân, sức mua của thị trường Hà Nội rất lớn. Hơn thế, Hà Nội còn giữ vai trò là một trung tâm kinh tế, thương mại lớn, đặc biệt là trong khâu lưu chuyển hàng hóa nên cần dành nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống thương mại nhằm tiếp cận địa bàn nông thôn, một thị trường tiềm năng nhưng chưa được khai thác đúng mức.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội - CTCP (Hapro) Vũ Thanh Sơn cũng cho rằng, thị trường nội địa nói chung, Hà Nội nói riêng là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp và còn nhiều dư địa phát triển. Hapro chủ trương phát triển hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích bám theo khu vực dân cư và khu vực ngoại thành. Thị trường nông thôn được coi là thị trường chiến lược trong thời gian tới.

Về thương mại nội địa, trong đó có vùng nông thôn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, thành phố sẽ tăng cường lĩnh vực này, học tập kinh nghiệm nhiều nước dùng xe bán tải làm thành các trạm bán hàng lưu động… Còn Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đặt vấn đề thu hút các nhà đầu tư phát triển kho lạnh bảo quản, góp phần làm tăng giá trị hàng hóa, tạo dựng chuỗi liên kết cho các hộ sản xuất nông nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Rõ ràng thị trường nội địa là giải pháp giúp doanh nghiệp đứng vững trong khó khăn. Thời điểm này rất cần đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; tạo ra mối liên kết giữa các doanh nghiệp, các địa phương để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Doanh nghiệp biến “nguy” thành “cơ” bằng cách tăng chất lượng, mẫu mã, giảm giá hàng hóa. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu đưa thị trường nội địa thành đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là tiền đề vững chắc giúp doanh nghiệp vươn ra thị trường quốc tế khi dịch Covid-19 qua đi.