18/01/2025 | 17:49 GMT+7, Hà Nội

Lắng nghe và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ

Cập nhật lúc: 23/04/2020, 20:45

Sau bài phản ánh “Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến trong mùa dịch: Hiệu quả nhân đôi” của Báo Tuổi trẻ Thủ đô được đăng tải, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ...

Sau bài phản ánh “Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến trong mùa dịch: Hiệu quả nhân đôi” của Báo Tuổi trẻ Thủ đô được đăng tải, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh triển khai và tăng cường hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Đây là việc làm thể hiện tinh thần Chính phủ lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.

 Lấy người dân làm trung tâm phục vụ

Ngày 22/4, Văn phòng Chính phủ có thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường hướng dẫn, đẩy mạnh dụng dịch vụ công trực tuyến.

Thông báo nêu rõ: Vừa qua, Báo Tuổi trẻ Thủ đô có bài viết: “Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến trong mùa dịch: Hiệu quả được nhân đôi” phản ánh trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiệu quả được nhân đôi; giúp người dân hạn chế đi lại khi thực hiện các thủ tục hành chính, giảm tải được lượng giấy phải sử dụng khi làm hồ sơ, tiết kiệm được chi phí lưu trữ... đem lại sự thuận tiện nhất cho người dân. Do vậy cần tăng cường hướng dẫn, đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Cán bộ giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến cho người dân qua Cổng dịch vụ công

Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh triển khai và tăng cường hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Trong những năm gần đây, công tác cải cách thủ tục hành chính luôn được Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện. Trong đó, việc xây dựng Chính phủ điện tử mà trọng tâm là xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia có thể nói là bước đi rất quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính khi kết nối các dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương lên một địa chỉ duy nhất, giúp người dân và doanh nghiệp thuận tiện khi giao dịch.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc triển khai Cổng dịch vụ công quốc gia là một nhiệm vụ lớn trong triển khai Chính phủ điện tử, giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện giao dịch với các cơ quan nhà nước thuận tiện, dễ dàng hơn.

Thông báo ý kiến Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh và tăng cường hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Mục tiêu là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, từ đó đưa các dịch vụ công từ các Bộ, ngành tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia với tinh thần tạo ra sự minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp một cách tốt nhất; trở thành hệ thống hoàn chỉnh quan trọng kết nối Chính phủ với người dân và doanh nghiệp; thể hiện tinh thần phục vụ của Chính phủ.

Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến của người dân, doanh nghiệp sẽ không còn phụ thuộc vào thời gian, địa giới hành chính.

“Trong bối cảnh phòng, chống đại dịch toàn cầu hiện nay, trọng tâm của công tác cải cách thủ tục hành chính là tăng cường hình thức giao dịch trực tuyến để giảm tối đa sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân thực hiện thủ tục hành chính với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước và chính những người thực hiện với nhau.

Việc này cũng cắt giảm được tối đa những thủ tục không thực sự cần thiết, đơn giản hóa thủ tục hành chính hơn nữa theo hướng chỉ đạo của Thủ tướng là tái cấu trúc quy trình, nghiệp vụ, thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu để cắt giảm, đơn giản hồ sơ, giấy tờ, trình tự, thủ tục không cần thiết, cũng như tiếp tục thực hiện chuyển mạnh sang hậu kiểm.

Đặc biệt, những thủ tục liên quan tới kinh tế, đầu tư, thương mại cần phải được tạo thuận lợi tối đa để người dân, doanh nghiệp dồn sức sản xuất, kinh doanh hoặc chuyển hướng sản xuất, kinh doanh kịp thời. Đây là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Tăng cường giao dịch trực tuyến

Trên thực thế, hiệu quả từ dịch vụ công trực tuyến tới nay khó đong đếm hết. Trong thời gian cách ly xã hội để phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, hầu hết các cơ quan, chính quyền đều chuyển sang hoạt động giải quyết các thủ tục hành chính thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, thành phố. Bởi vậy, việc thực hiện các thủ tục hành chính thông qua Cổng dịch vụ công trực tuyến được người dân quan tâm, lựa chọn nhiều hơn trong thời gian này.

Việc đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến giúp người dân, doanh nghiệp không phải đến trụ sở cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp, tiếp xúc trực tiếp với cán bộ giải quyết mà chỉ cần lập một tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia là có thể giải quyết thủ tục hành chính, có thể sử dụng dịch vụ công ở nhiều Bộ, ngành, địa phương khác nhau.

Trên thực tế, đã có nhiều trường hợp người dân sinh sống, học tập hoặc làm việc ở Hà Nội nhưng có thể làm thủ tục đổi, cấp mới giấy phép lái xe, điều chỉnh thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế ở các địa phương khác mà không phải về tận nơi như trước. Doanh nghiệp một lúc, một lần có thể thực hiện xong thủ tục thông báo hoạt động khuyến mại đến 63 địa phương. 

Chị Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc Công ty TNHH OmniPR chia sẻ: “Tôi thấy chỉ đạo của Thủ tướng rất sát sao. Nhờ có dịch vụ công trực tuyến, doanh nghiệp thực hiện các thủ tục về đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm... dễ dàng và thuận tiện hơn rất nhiều. Thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển dịch vụ công trực tuyến là tất yếu, giúp chúng ta bắt kịp với xu thế toàn cầu. Đặc biệt, trong mùa dịch Covid-19 thì đây là dịp để "kéo" người dân đến với dịch vụ công trực tuyến, vừa đáp ứng phòng chống dịch lại còn tiết kiệm nguồn lực”.

Với những hiệu quả đạt được từ việc sử dụng dịch vụ, người dân, doanh nghiệp kỳ vọng dịch vụ công trực tuyến được mở rộng hơn nữa khi còn rất nhiều người dân chưa biết đến các thủ tục này.

Chị Đặng Thị Nga (ở Long Biên, Hà Nội) cho biết: “Trước đó, tôi rất ít khi sử dụng các dịch vụ công qua mạng, thường đến trực tiếp cơ quan chức năng để làm. Từ ngày dịch bệnh, hạn chế đi lại, tiếp xúc đông người, tôi và nhiều người dân khác cũng đã thử sử dụng các dịch vụ công trực tuyến và thấy rất thuận tiện, đơn giản, không quá phức tạp. Tôi nói thật lòng, điều này còn giúp giảm cả nhũng nhiễu, quan liêu nữa”.

Việc hưởng ứng của cá nhân, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp giúp phát huy tối đa lợi thế từ các dịch vụ công trực tuyến mà Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan, địa phương triển khai thời gian qua, bảo đảm những yêu cầu thiết yếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm do dịch Covid-19 gây ra.