18/01/2025 | 20:22 GMT+7, Hà Nội

Chuẩn bị tâm thế sống chung, an toàn với dịch Covid-19

Cập nhật lúc: 23/04/2020, 17:24

Hôm nay (22/4) là ngày cuối cùng Hà Nội thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Dư luận đang trông ngóng chỉ đạo tiếp theo từ Chính phủ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế...

Hôm nay (22/4) là ngày cuối cùng Hà Nội thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Dư luận đang trông ngóng chỉ đạo tiếp theo từ Chính phủ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, dù có tiếp tục thực hiện lệnh cách ly xã hội nữa hay không thì người dân cũng phải sẵn sàng sống chung với Covid-19 nhưng phải tuyệt đối đảm bảo an toàn.    

Nhiều tín hiệu tích cực

Hơn 2 tháng qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 là vấn đề được người dân khắp nơi trên thế giới, đặc biệt tại Việt Nam quan tâm. Bởi lẽ, Covid-19 đã làm đảo lộn cuộc sống của các tầng lớp từ người lớn đến trẻ em và gây thiệt hại năng nề về kinh tế.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã quyết định áp dụng việc cách ly xã hội toàn quốc trong vòng nửa tháng (1/4 – 15/4). Sau ngày 15/4, nhiều nơi trên cả nước đã được gỡ bỏ lệnh cách ly, riêng đối với một số địa phương có nguy cơ cao như Hà Nội, TP.HCM… sẽ tiếp tục thực hiện cách ly thêm tuần. Đến hết ngày 22/4, tùy thuộc tình hình Chính phủ sẽ có quyết định mới về việc thực hiện cách ly, các bước để thực hiện nới lỏng cách ly ở một số địa phương.

Gần một tuần nay Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc mới Covid-19. (Ảnh:K.Tiến)

Sau thời gian thực hiện cách ly xã hội, có thể thấy tình hình dịch bệnh ở nước ta đang có sự chuyển biến tích cực. Sáng 22/4, Bộ Y tế cho biết sau ca thứ 268 được công bố vào sáng 16/4, đến nay đã bước sang ngày thứ 6 Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 mới.

Đến thời điểm này, Việt Nam là một trong 3 quốc gia có trên 200 người mắc Covid-19 mà không có trường hợp tử vong. Cả nước đã có tổng cộng 216/268 bệnh nhân mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh. Riêng tại Hà Nội, đã 7 ngày qua (từ ngày 15/4 đến nay), Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới. Các ổ dịch tại thôn Hạ Lôi, Bệnh viện Bạch Mai… cơ bản đã được kiểm soát.

Tuy nhiên, trước đó, tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 với 63 địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh: Dịch bệnh chắc chắn còn kéo dài. Dù sẽ có từng nơi, từng thời điểm lắng xuống, nhưng chỉ tới khi nào có thuốc đặc trị hoặc có vaccine thì mới có thể coi là cơ bản hết dịch được.

Theo Phó Thủ tướng, điểm này rất quan trọng vì chúng ta không thể đóng kín cửa một mình, dù hạn chế nhưng vẫn phải có giao lưu để đảm bảo “mục tiêu kép”. Thời gian đó chắc chắn không tính bằng tuần mà phải tính ít nhất bằng tháng. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục chống dịch, tuyệt đối không được chủ quan, không để dịch lan rộng nhưng đồng thời cũng phải ổn định và phát triển.

Trong mục tiêu kép đó, vẫn phải quán triệt mục tiêu tuyệt đối là phải kiểm soát được dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan. Một nước đang phát triển như Việt Nam mà nhiều người lây nhiễm như các nước phương Tây thì chắc chắn tỷ lệ tử vong sẽ cao hơn.

Sống chung, an toàn với dịch

Chiều 20/4, báo cáo tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid -19, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định, Hà Nội đã kiểm soát tốt dịch bệnh và đề xuất đến 22/4 nếu không có ca mắc mới, Hà Nội được điều chỉnh ra khỏi nhóm các tỉnh thành có nguy cơ cao và giảm mức độ giãn cách xã hội.

Một quán trà đá trên đường Phạm Văn Đồng vẫn vô tư mở cửa trong chiều 21/4. (Ảnh:K.Tiến)

Đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, sau khi thông tin được đưa ra, nhiều người dân trên địa bàn Hà Nội bắt đầu trở nên chủ quan, lơ là hơn trong công tác phòng, chống dịch. Vào những giờ cao điểm, trên các tuyến đường Thủ đô đã tấp nập người và xe. Nhiều hàng quán không thiết yếu như quán ăn, giải khát, bán hàng quần áo đã rục rịch mở cửa trở lại.

Ngay sau đó, đã có rất nhiều ý kiến phản ánh, không đồng tình về việc người dân chủ quan, lơ là trong thời điểm này. Bà Nguyễn Thị Lan, chủ một cửa hàng ăn tại quận Bắc Từ Liêm, cho rằng, khi nào còn chưa có quyết định mới của Chính phủ thì mọi người vẫn nên nghiêm túc thực hiện lệnh cách ly xã hội.

“Bản thân tôi cũng mở quán ăn, đã đóng cửa khoảng 1 tháng trước. Tôi cũng rất mong tháo bỏ lệnh giãn cách xã hội, tuy nhiên theo tôi việc nới lỏng cần phải được thực hiện từ từ. Dù chưa biết quyết định của Chính phủ và Thành phố như thế nào, nhưng tôi cũng tự chuẩn bị các phương án để nếu có mở cửa thì vẫn đảm bảo an toàn cho chính mình cũng như cho khách hàng”, bà Lan cho biết.

Nhiều cửa hàng thực phẩm  chủ động treo biển đề nghị khách hàng giữ khoảng cách an toàn để phòng chống dịch Covid-19

Còn ông Phạm Văn Hà (Bí thư chi bộ Khu dân cư số 9, phường Thổ Quan, quận Đống Đa) thì bày tỏ: “Tôi mong rằng nếu trong ngày hôm nay, Hà Nội và một số địa phương khác nếu có thông báo nới lỏng lệnh cách ly thì mong bà con cũng không nên chủ quan mà tràn ra đường một lúc, rồi nhộn nhịp mở lại các hoạt động kinh doanh không cần thiết. Thời gian vừa qua, chúng ta đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch. Hi vọng trong thời gian sắp tới, mọi người cũng nên chú ý nâng cao nhận thức, tiếp tục chủ động phòng chống dịch”.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, trên thực tế hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp và kéo dài, không thể khẳng định sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng đã hết.

Do vậy, bên cạnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch do Chính phủ quy định, người dân cần tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch như hiện nay: đeo khẩu trang; rửa tay với xà phòng/dung dịch sát khuẩn thường xuyên; tránh tiếp xúc, giao tiếp gần dưới 2m; không tập trung đông người; không đi ra khỏi nhà khi không cần thiết. Đặc biệt là những người có bệnh lý nền và người già cần phải thực hiện khai báo y tế.