19/04/2024 | 06:39 GMT+7, Hà Nội

Người dân tin tân Chủ tịch tỉnh sẽ mang lại sự phát triển vững mạnh cho Hà Nam

Cập nhật lúc: 28/10/2020, 09:23

Với sự tín nhiệm, HĐND tỉnh Hà Nam đã bầu ông Trương Quốc Huy làm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam. Người dân cũng kỳ vọng tân Chủ tịch sẽ mang đến sự phát triển bứt phá cho địa phương.

Sáng ngày 6/10/2020, HĐND tỉnh Hà Nam đã họp phiên chuyên đề kiện toàn một số chức danh do HĐND tỉnh bầu. Tại phiên họp này, các đại biểu đã bầu ông Trương Quốc Huy làm Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, bầu ông Nguyễn Anh Chức vào chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh và bầu các ông Đặng Thanh Sơn, Bùi Văn Hoàng làm Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Theo đó, kỳ họp đã nhất trí miễn nhiệm chức Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 đối với ông Nguyễn Xuân Đông do nghỉ công tác. Miễn nhiệm chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh đối với bà Đinh Thị Lụa do chuyển công tác làm Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Hà Nam.

Phát biểu ngay sau khi trúng cử chức danh Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông Trương Quốc Huy cảm ơn sự tín nhiệm, tin tưởng của các vị đại biểu HĐND tỉnh đối với cá nhân mình.

Để hoàn thành nhiệm vụ trên cương vị mới, tân Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, cộng tác chặt chẽ của các thành viên UBND tỉnh, chính quyền các cấp, đặc biệt, trân trọng và đặt niềm tin vào sự giám sát, phối hợp, ủng hộ của HĐND, MTTQ tỉnh, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội và các cơ quan thông tin đại chúng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Anh N.T.An, sinh sống tại TP Phủ Lý (Hà Nam) chia sẻ: “Người dân chúng tôi hy vọng ông Trương Quốc Huy sẽ tạo ra những bước “chuyển mình” mới trong chính sách an ninh xã hội và kinh tế đô thị trong thời gian tới. Hà Nam là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ phía Nam của Thủ đô Hà Nội, còn nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, xã hội, tạo công ăn việc làm cho bà con.”

Đồng quan điểm, chị T.P.Thảo cho biết: “Người dân mong rằng tân Chủ tịch tỉnh Hà Nam có thể đưa ra những chính sách giúp cái thiện đời sống của người dân, thêm nhiều tiện ích công cộng như các công viên. Đồng thời phát triển Hà Nam thêm giàu mạnh, mở thêm nhiều trung tâm thương mại, dịch vụ giải trí... đây đều là những thứ mà tại Hà Nam không có nhiều.”

Được biết, trong buổi làm việc hồi đầu năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có kết luận chính nhằm tạo động lực thúc đẩy cho sự phát triển của tỉnh này, trong đó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Đó cũng chính là những điều mà ông Trương Quốc Huy phải làm được khi ngồi trên chiếc “ghế nóng” “Chủ tịch tỉnh”.


Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong thời gian tới, Hà Nam tập trung triển khai thực hiên đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng XII, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ, Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XIX và Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, cùng với cả nước phấn đấu hoàn thành vượt mức các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2020, tạo nền tảng vững chắc cho những năm tiếp theo.

Hà Nam phải phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong tăng trưởng kinh tế cao (luôn ở mức 2 con số), xác định tâm thế đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển đất nước. Tiếp tục phát huy tốt tiềm năng lợi thế là cửa ngõ của thủ đô Hà Nội, đồng thời có những đột phá, quyết liệt, đổi mới tư duy, sáng tạo trong lãnh đạo để sánh bước với các tỉnh trong khu vực. Năm 2020 và thời gian tới, tỉnh Hà Nam phải tự cân đối ngân sách và có đóng góp về ngân sách Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ về thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Nam hồi đầu năm 2020.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Hà Nam đẩy mạnh công nghiệp hoá nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển chuỗi liên kết giá trị trong tất các các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi; các cơ chế, chính sách chuyển đổi cây trồng, tích tụ ruộng đất, phát triển các Hợp tác xã, các mô hình sản xuất hiệu quả để nhân rộng, nâng cao chất lượng, giá trị tăng trưởng ngành nông nghiệp. Tập trung các giải pháp có hiệu quả nâng cao thu nhập cho người dân, giảm dần sự cách biệt giữa khu vực thành thị và nông thôn. Phấn đấu trở thành tỉnh nông thôn mới trong năm 2020.

Đồng thời, chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, tăng tỷ lệ công nghiệp sạch, thu hút nhà đầu tư lớn có giá trị gia tăng cao vào đầu tư phát triển. Quan tâm phát triển du lịch, dịch vụ, đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng khu du lịch Tam Chúc. Thực hiện tốt quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, khu đô thị vệ tinh, khu y tế chất lượng cao, khu đô thị Đại học Nam Cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, quy hoạch khai thác vật liệu xây dựng. Đặc biệt chú trọng xây dựng đô thị văn minh, hiện đại gắn với nông thôn mới bền vững.

Bên cạnh đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư nhất là các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ thực hiện mục tiêu đưa Hà Nam trở thành trung tâm chất lượng cao cấp vùng về y tế.

Tăng cường xã hội hóa, thực hiện đa dạng hóa các hình thức đầu tư; huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, bảo đảm liên kết vùng, tạo động lực phát triển mạnh thương mại - dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ về y tế, giáo dục đào tạo, du lịch, logistic. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp; khu du lịch Tam Chúc, cơ sở II của Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Lão khoa… sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Hà Nam cũng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. Thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.

Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng, trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Cải thiện hiệu quả chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính của tỉnh.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Công ty TNHH Xây dựng Huy Long (trụ sở tại Trần Hưng Đạo, Phủ Lý, Hà Nam) trúng liên tục 6 gói thầu trên địa bàn huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam do Ủy ban nhân dân các xã làm chủ đầu tư. Các gói thầu này có tỉ lệ tiết kiệm thấp bất thường, chưa đạt 1%, (Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉ lệ tiết kiệm trung bình khi đấu thầu qua mạng năm 2019 là 5,4%). Trong đó, 5 gói thầu công ty Huy Long trúng độc lập và 1 gói thầu liên danh với Công ty TNHH Vận tải Thương mại Việt Linh.

Cụ thể, 3 gói thầu do Ủy ban nhân dân xã Nguyên Lý làm chủ đầu tư gồm: Gói thầu thi công xây dựng dự án Xây dựng Nhà lớp học 6 phòng trường mầm non xã Nguyên Lý. Giá dự toán 6.323.880.000 VNĐ, giá trúng thầu 6.315.185.000 VNĐ, thực hiện trong 200 ngày (gói số 1).

Trụ sở Ủy ban nhân dân xã Nguyên Lý.

Gói thầu thi công dự án Nâng cấp, cải tạo tuyến đường GTNT xã Nguyên Lý, tuyến từ đê Đại Hà ra khu chăn nuôi bò sữa tập trung. Giá dự toán 2.094.845.000VNĐ giá trúng thầu 2.085.618.000 VNĐ, thực hiện trong 80 ngày (gói số 2).

Gói thầu thi công dự án Nâng cấp, cải tạo đường GTNT xã Nguyên Lý, tuyến từ cống ba cửa đến Đức Lý. Giá dự toán 5.257.456.000 VNĐ giá trúng thầu 5.246.099.000 VNĐ, thực hiện trong 130 ngày (gói số 3).

Gói thầu do Ủy ban nhân dân xã Nhân Đạo làm chủ đầu tư là gói thi công xây dựng công trình thuộc dự án Cải tạo, nâng cấp đường GTNG xã Nhân Đạo: Tuyến từ cống Ông Mỹ đi Miến Nghè và tuyến từ ĐX.01 đi cống Ông Hồng. Giá dự toán 5.529.281.000VNĐ, giá trúng thầu 5.520.644.000VNĐ, thực hiện trong 140 ngày (gói số 4).

Gói thầu do Ủy ban nhân dân xã Phú Phúc làm chủ đầu tư là gói thầu thi công xây dựng công trình dự án Xây dựng các hạng mục phụ trợ trụ sở làm việc UBND xã Phú Phúc. Giá dự toán 4.049.607.000 VNĐ, giá trúng thầu 4.042.540.000 VNĐ, thực hiện trong 200 ngày (gói số 5).

Gói thầu thi công xây dựng công trình dự án Xây dựng các hạng mục phụ trợ trụ sở làm việc UBND xã Phú Phúc được giao cho đơn vị trúng thầu sát giá là Công ty TNHH Xây dựng Huy Long.

Trụ sở Uỷ ban Nhân dân xã Phúc Phú.

Gói thầu do Ủy ban nhân dân xã Hợp Lý làm chủ đầu tư là gói thầu thi công xây dựng công trình thuộc dự án Cải tạo, nâng cấp đường GTNT xã Hợp Lý, tuyến ĐX.02 từ ngã tư Dũng Kim đến quán Ông Bảo. Giá dự toán 1.381.099.000VNĐ, giá trúng thầu 1.374.297.000VNĐ, thực hiện trong 90 ngày (gói số 6).

Mặc dù trúng nhiều gói thầu nhưng hầu hết, tại các gói thầu này đều đã lộ diện nhiều sai phạm như vi phạm quy định về đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu lên Hệ thống đấu thầu quốc gia. Cụ thể, tại Điều 9, Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT quy định về việc đăng tải kế hoạch lựa chọn nhà thầu: “Thông tin về kế hoạch lựa chọn nhà thầu được đăng tải trên Hệ thống trong 7 ngày làm việc kể từ ngày văn bản này được phê duyệt”, thế nhưng tại gói thầu số 1, quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu được ký ngày 31/10/2019 nhưng đến ngày 23/12/2019 mới được đăng tải trên hệ thống mạng. Lỗi này xảy ra ở cả các gói thầu số 4, 5.

Tương tự, tại Điều 17, Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT quy định: “Bên mời thầu đăng tải kết quả lựa chọn nhà thầu lên hệ thống trong trong 7 ngày làm việc kể từ ngày văn bản này được phê duyệt”, thế nhưng tại gói thầu số 1, Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu được ký ngày 31/01/2020, nhưng đến ngày 12/02/2020 mới được đăng tải lên hệ thống. Việc tương tự này cũng xảy ra ở gói thầu số 3.

Đồng thời, trong 6 gói thầu trên có các gói thầu mà Công ty TNHH Xây dựng Huy Long kê khai danh sách các nhân sự chủ chốt trong hồ sơ dự thầu (HSDT) nhưng lại trùng với các gói thầu khác có cùng thời gian thực hiện. Cụ thể, các nhân sự được kê khai trong HSDT trùng nhau là Trần Xuân Hiển, Trần Nhữ Vinh, Dương Văn Huynh, Nguyễn Viết Ngọ, Nguyễn Xuân Tâm. Ngoài ra, nhà thầu này còn có dấu hiệu kê khai trùng các máy móc, thiết bị trong HSDT.

Theo đó, hành vi này đã vi phạm quy định tại Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: “Nhà thầu không được kê khai những nhân sự, máy móc thiết bị đã huy động cho gói thầu khác có thời gian làm việc trùng với thời gian thực hiện gói thầu này. Trường hợp kê khai không trung thực thì nhà thầu sẽ bị đánh giá là gian lận”.

Tương tự như vụ việc Công ty TNHH Xây dựng Huy Long liên tiếp trúng thầu các gói thầu của UBND huyện Lý Nhân, tại Hà Nam còn có Công ty TNHH An Dương chỉ trong 1 ngày (07/02/2020) đã trúng 3 gói thầu Thi công xây dựng công trình, một 'kỳ tích' hiếm thấy trong hoạt động đấu thầu.

Cụ thể, tại gói thầu “Nâng cấp, cải tạo, kiên cố hóa kênh tưới tiêu trạm bơm xóm 17, xóm 19 xã Chính Lý”, Công ty TNHH An Dương đã trúng với giá là 8.536.162.000 đồng. Tìm hiểu được biết, giá gói thầu là 8.544.895.000 đồng. Như vậy, qua hoạt động đấu thầu, chỉ vỏn vẹn khoảng 8 triệu đồng được tiết kiệm cho nguồn vốn đầu tư công tại gói thầu hơn 8,5 tỉ đồng này. (Quyết định phê duyện số 10/QĐ-UBND).

Liệu tân Chủ tịch có xoá bỏ được những "nghi vấn" trong việc đấu thầu tại địa phương?

Tiếp tục tại gói thầu thuộc dự án “Nâng cấp, cải tạo, kiên cố hóa kênh tưới tiêu trạm bơm Quang Trung xã Văn Lý”, nhà thầu An Dương cũng trúng với giá rất sát. Cụ thể, giá trúng thầu là 8.539.154.000 đồng và giá gói thầu 8.545.721.000 đồng. Một gói thầu hơn 8,5 tỷ chỉ tiết kiệm 'tượng trưng' khoảng 6 triệu đồng theo Quyết định số 05/QĐ-UBND.

Gói thầu thuộc dự án “Nâng cấp, cải tạo tuyến đường GTNT xã Văn Lý, tuyến đường từ đường ĐT.492 (nhà ông Cương) đến ĐX.07 (nhà ông Thắng)” cũng diễn ra tình trạng tương tự. Theo đó, giá trúng thầu của doanh nghiệp này là 1.976.668.000 đồng và giá gói thầu là 1.983.335.000 đồng theo Quyết định (PDKQ) số 08/QĐ-UBND.

Trước đó một ngày, Công ty TNHH An Dương cũng được 'xướng danh' tại gói thầu: Thi công xây dựng công trình thuộc dự án “Xây dựng trụ sở làm việc Đảng ủy - HĐND - UBND trị trấn Vĩnh Trụ (mở rộng) tại xã Đồng Lý”. Theo phản ánh, gói thầu này có giá là 8.187.370.000 đồng và giá trúng của nhà thầu An Dương là 8.179.926.000 đồng theo Quyết định số 1409/QĐ-UBND ngày 06/02/2020.

Chỉ 3 ngày sau, ngày 03/02/2020, Công ty TNHH An Dương tiếp tục trúng 2 Gói thầu Thi công xây dựng công trình thuộc dự án “Cải tạo, nâng cấp đường GTNT xã Công Lý đoạn từ đường ĐT.492 đi xóm 4 (giai đoạn 2)”, với giá trúng là 3.786.756.000 đồng và giá gói thầu là 3.793.871.000 đồng. (Quyết định số 03/QĐ-UBND).Một gói thầu cũng được trúng rất sát giá khác cũng đang được dư luận quan tâm đó là gói thầu xây dựng “Nhà lớp học 8 phòng trường mầm non trung tâm xã Nhân Khang”. Giá gói thầu này là 7.796.216.000 đồng và giá trúng của nhà thầu An Dương là 7.787.685.000 đồng.

Trước đó, vào năm 2019, Ban Quản lý dự án huyện Lý Nhân tổ chức đấu thầu gói thầu: Thi công xây dựng công trình (bao gồm cả chi phí hạng mục chung), trong dự án Đầu tư hệ thống chiếu sáng một số tuyến đường trên địa bàn thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, giá gói thầu là 7.698.285.000 đồng, giá trúng thầu 7.695.773.623 đồng, thời gian thực hiện hợp đồng này là 120 ngày. Tiết kiệm khoảng 2,5 triệu đồng/gói thầu hơn 7,6 tỷ đồng.

Tại gói thầu này, Liên danh Công ty TNHH xây dựng Hưng Mỹ và Công ty TNHH An Dương là đơn vị trúng thầu theo Quyết định số 2618/QĐ-UBND được Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân là bà Ngụy Thị Tuyết Lan ký ngày 22/05/2019.

Đến ngày 06/6/2019, lãnh đạo UBND huyện Lý Nhân cũng ký quyết định lựa chọn nhà thầu gói thầu Thi công xây dựng công trình (bao gồm cả chi phí hạng mục chung), nằm trong dự án Xây dựng nhà lớp học 6 phòng 2 tầng Trường mầm non trung tâm xã Nhân Đạo, huyện Lý Nhân với giá gói thầu 7.283.076.000 đồng. Công ty TNHH An Dương cũng trúng thầu với giá 7.277.633.000 đồng, tiết kiệm khoảng 5 triệu đồng.

Chỉ sau 1 ngày lựa chọn nhà trúng thầu dự án trên, tức ngày 07/06/2019, bà Ngụy Thị Tuyết Lan, Chủ tịch UBND huyện Lý Nhân tiếp tục ký Quyết định về việc Phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu số 3014/QĐ-UBND cho gói thầu: Thi công xây dựng công trình (bao gồm cả chi phí hạng mục chung), nằm trong dự án Cải tạo, sửa chữa các khối nhà làm việc UBND huyện Lý Nhân, với giá của gói thầu là 8.236.721.000 đồng. Giá trúng thầu 8.231.295.000. Tiết kiệm cho ngân sách chỉ hơn 5 triệu đồng.

Ngoài ra, tháng 7/2020 mới đây UBND TP Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu số 02 Sự nghiệp thị chính. Gói thầu số 02 là công tác duy tu bảo dưỡng, phát triển cây xanh, công viên; công tác nạo vét, duy trì hệ thống thoát nước; công tác trông coi, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa các trạm bơm và duy trì hệ thống chiếu sáng công cộng trên địa bàn TP Phủ Lý.

Theo đó, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam trúng thầu với giá 97,731 tỷ đồng (giá gói thầu là 98,346 tỷ đồng, tiết kiệm đạt 0,6%); thời gian thực hiện hợp đồng là 36 tháng, loại hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh.

Gói thầu số 02 thuộc Dự án Cung cấp sản phẩm dịch vụ công trên địa bàn thành phố Phủ Lý, sử dụng ngân sách nhà nước, được đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ. Có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu nhưng 2 nhà thầu bị loại ở bước đánh giá về kỹ thuật, gồm: Công ty CP Quản lý công trình đô thị Bắc Giang, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên.

Theo tìm hiểu, tháng 6/2016, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam đã trúng một gói thầu cung cấp sản phẩm dịch vụ công tương tự với gói thầu vừa trúng tại UBND TP. Phủ Lý (thời gian thực hiện hợp đồng 3 năm: 2016, 2017, 2018). Trong vòng hơn 4 năm qua, Công ty được công bố trúng 15 gói thầu, tất cả đều nằm trên địa bàn tỉnh Hà Nam, trong đó có nhiều gói thầu dịch vụ công ích của UBND TP. Phủ Lý.

Trước khi nhậm chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, ông Trương Quốc Huy từng đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, trong thời điểm này ông Huy từng bị “tố” vì nghi vấn làm khó, o ép doanh nghiệp.

Theo nhiều thông tin đăng tải trên trên nhiều báo và tạp chí như Thời báo Doanh nhân (tbdn.com.vn), Nhà báo và Công luận (congluan.vn), Đời sống và Pháp luật (doisongvaphapluat.com)... năm 2019, ông Vũ Quang Khải - Giám đốc Công ty TNHH Quang Khải đã tố cáo ông Trương Quốc Huy, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn, thời điểm đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam có “sân sau” liên quan đến hoạt động của công ty mà ông từng làm Tổng Giám đốc.

Cụ thể, từ năm 2015, khi còn là TGĐ Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn (gọi tắt là Vicem Bút Sơn), ông Trương Quốc Huy kí hợp đồng cho thuê cầu cảng với Công ty TNHH Quang Khải (gọi tắt là Cty Quang Khải) do ông Vũ Quang Khải làm Giám đốc. Theo nội dung hợp đồng, công ty Quang Khải được thuê hai cầu cảng bê tông cốt thép tại cảng Bút Sơn để thực hiện việc bốc xếp vật tư hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh của Vicem Bút Sơn. Hợp đồng hết hạn vào 31/12/2018 và khi một trong hai bên không có nhu cầu thuê cầu cảng thì phải thông báo cho bên kia trước 6 tháng để hai bên tiến hành giải quyết các vấn đề liên quan đến hợp đồng.

Ông Trương Quốc Huy từng làm Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Vicem Bút Sơn

Khoảng một năm sau, ông Huy rời khỏi vị trí TGĐ Vicem Bút Sơn để đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam. Hoạt động kinh doanh của công ty Quang Khải tại cảng Bút Sơn vẫn diễn ra bình thường cho đến tháng 10/2018 là thời điểm chuẩn bị chấm dứt hợp đồng thuê cầu cảng cảng Bút Sơn. Lúc này, công ty Quang Khải làm đơn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam và Vicem Bút Sơn xin gia hạn hợp đồng với lý do đã đầu tư khoảng 40 tỷ đồng vào trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh cầu cảng và doanh nghiệp đang hoạt động ổn định.

Theo thông tin đăng tải trên Nông nghiệp Việt Nam, ngày 13/11/2018, ông Trương Quốc Huy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam đã gọi điện yêu cầu ông Vũ Quang Khải lên phòng làm việc và chuyển tải “thông điệp”: công ty Quang Khải nên dừng hoạt động kinh doanh tại cầu cảng Bút Sơn để nhường chỗ cho người thân của ông Huy làm. Toàn bộ thiết bị mà công ty Quang Khải đã đầu tư, ông Huy giao nhiệm vụ cho ông Hùng - Phó TGĐ Vicem Bút Sơn và ông Quý (là em rể ông Huy) tiến hành thỏa thuận mua lại.

Sau đó, ngày 28/11/2018, ông Hùng và ông Huy có buổi làm việc để thống nhất việc mua bán nhưng không đạt được thỏa thuận nên ông Huy tiếp tục “gọi” ông Khải đến phòng làm việc để thỏa thuận cùng ông Hùng và ông Quý về giá trị tài sản công ty Quang Khải đã đầu tư.

Trao đổi với báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Vũ Quang Khải cho biết, tất cả nguồn nguyên liệu nhập vào Vicem Bút Sơn đều phải thông qua dịch vụ cầu cảng của công ty Quang Khải nên ông nắm giữ sổ sách chi tiết đến từng lô hàng. Vì vậy, việc ông Huy cố ép ông bỏ hoạt động kinh doanh tại cầu cảng không chỉ đơn thuần là tranh mối làm ăn mà còn nhằm che giấu những “phi vụ” nhập nguyên liệu đầu vào của Vicem Bút Sơn thông qua các doanh nghiệp “sân sau”. Ông Trương Quốc Huy khi làm Tổng GĐ Vicem Bút Sơn bị nghi vấn đứng sau nhiều công ty chuyên cung cấp vật tư cho nhà máy, gồm: 1. Công ty TNHH vận tải Phúc Vinh, địa chỉ: Lô E, đường N5 Khu CN Hòa Xá, xã Mĩ Xá, TP Nam Định; 2. Công TNHH thương mại vận tải Linh Trang, địa chỉ: Số 2 Bến Thóc, TP Nam Định; 3. Cty TNHH thương mại Đầu tư vận tải Hà Anh, địa chỉ: Số 10 Bến Thóc, TP Nam Định.

Theo thống kê sổ sách của ông Khải thì lượng vật tư cung cấp vào nhà máy của các công ty “sân sau” này tính đến ngày 31/12/2018 lên tới 575 ngàn tấn. Trong đó: than 309 ngàn tấn; thạch cao 77 ngàn tấn; xỷ 187 ngàn tấn. Nhiều hợp đồng có bút tích của ông Trương Quốc Huy khi còn là Tổng GĐ, Ví dụ: Ngày 07/12/2015, ông Huy đại diện Vicem Bút Sơn kí hợp đồng mua xỷ lò cao phục vụ sản xuất với Cty TNHH Thương mại và Xây lắp Xuân Lộc Phát, địa chỉ tại số nhà 42, đường Quang Sơn, TP Tam Điệp, Ninh Bình, do ông Châu Thành Chân làm GĐ. Nhưng, đến tháng 8/2016, Cty Xuân Lộc Phát không được bán xỷ lò cao trực tiếp vào Nhà máy Xi măng Bút Sơn nữa mà phải bán qua công ty TNHH TM Vận tải Linh Trang.

Tương tự, các công ty: Phúc Vinh, Hà Anh cũng độc quyền bao tiêu nguyên liệu đầu vào cho Vicem Bút Sơn. Hóa đơn nguyên liệu than đầu vào của Cty Phúc Vinh có giá chưa tới 1,3 triệu đồng/tấn, nhưng được bán cho Vicem Bút Sơn với giá gần 1,9 triệu đồng/tấn, chênh lệch tới gần 600 ngàn đồng/tấn. Như vậy, với 309 ngàn tấn than và 77 ngàn tấn thạch cao được mua bán qua các công ty trung gian sẽ thất thoát lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Sau khi kiểm tra nội dung đơn tố cáo, bà Lê Thị Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy (UBKTTU) Hà Nam trả lời ông Khải bằng miệng rằng đã xem xét các vấn đề trong đơn và kết luận “chưa đủ căn cứ”.

UBKTTU Hà Nam trả lời bằng văn bản nhưng văn bản đó có đóng dấu “MẬT” vào công văn trả lời ông Khải.

Không đồng ý với cách trả lời bằng miệng và kết quả xác minh của UBKTTW Hà Nam, ông Khải tiếp tục có văn bản đề nghị trả lời đơn tố cáo bằng văn bản. Lần này, UBKTTU Hà Nam trả lời bằng văn bản nhưng văn bản đó có đóng dấu “MẬT”, khiến ông rất ngỡ ngàng. UBKTTW Hà Nam giải thích, việc đóng dấu “MẬT” vào văn bản trả lời nội dung tố cáo là dựa theo các căn cứ: Điều 5 Thông tư số 33/2015/TT- BCA ngày 20/7/2015 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 33/2002/NĐ- CP, ngày 28/3/2002 quy định chi tiết thi hành pháp lệnh Bảo vệ bí mật Nhà nước; Hướng dẫn số 03- HD/UBKTTW, ngày 20/11/2017 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn xác định độ mật văn bản; Thực hiện nguyên tắc đảm bảo bí mật cho người tố cáo theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Giải thích trên, khiến ông Khải thêm bức xúc: “Đó chỉ là việc làm không minh bạch và dấu hiệu bao che cho cán bộ bị tố cáo, vì bản thân tôi khi tố cáo đã công khai thông tin bản thân và nội dung tố cáo không chỉ với lãnh đạo tỉnh Hà Nam mà cả trên báo chí. Tôi hoàn toàn không yêu cầu giữ bí mật việc tố cáo. Ngoài ra, Điều 5 Thông tư số 33/2015- BCA ngày 20 tháng 7 năm 2015 của Bộ Công an là để hướng dẫn bảo vệ bí mật Nhà nước chứ đâu phải bảo vệ người tố cáo, bảo vệ cá nhân bị tố cáo, trong khi đơn đã tố đích danh ông Trương Quốc Huy. Vì vậy, viện dẫn các căn cứ này là không phù hợp”?

Hơn nữa, với văn bản trả lời công dân có đóng dấu “MẬT”, dù không đồng ý với nội dung trả lời đó, nhưng nếu muốn tố cáo tiếp lên cấp cao hơn, thì người tố cáo cũng không thể cung cấp kèm theo kết quả của cơ quan đã giải quyết tố cáo là UBKTTW Hà Nam. Điều này khác nào thách đố công dân tố cáo tới cơ quan cấp cao hơn? Vì vậy, ông Khải cho biết, không chấp nhận cách giải thích của UBKTTW Hà Nam và sẽ tiếp tục có đơn gửi Tỉnh ủy Hà Nam, cơ quan chức năng Trung ương để đề nghị giải thích việc UBKTTW Hà Nam đóng dấu “MẬT” vào văn bản trả lời tố cáo và làm rõ: Ông Trương Quốc Huy có vi phạm Điều 8 Quy định 47 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về 19 điều đảng viên không được làm hay không?”

Hiện tại, dù cho vụ việc này vẫn chưa có kết quả rõ ràng, thế nhưng cũng đủ khiến nhiều người nghi vấn về những khuất tất đằng sau. Liệu trong tương lai, có xảy ra trường hợp các doanh nghiệp được cho là “thân tín” của ông Trương Quốc Huy liên tiếp trúng các gói thầu quan trọng trên địa bàn tỉnh Hà Nam?

Tỉnh Hà Nam được thành lập năm 1890 từ việc hợp nhất một số đơn vị hành chính của 2 tỉnh Hà Nội và Nam Định. Cụ thể, Nghị định số 569 ra ngày 20 tháng 10 năm 1890 (2) của Toàn quyền Đông Dương đã quyết định thành lập tỉnh mới mang tên Hà Nam, trên cơ sở sáp nhập phủ Liêm Bình (gồm các huyện Nam Xang, Thanh Liêm, Bình Lục) cùng 17 xã của huyện Vụ Bản và Thượng Nguyên (Nam Định) nhập vào Phủ Lý Nhân cùng hai tổng Mộc Hoàn và Chuyên Nghiệp của huyện Phú Xuyên thuộc tỉnh Hà Nội.

Từ khi thành lập đến nay, trải qua 118 năm, địa danh và địa giới hành chính của tỉnh đã có nhiều thay đổi. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tỉnh thuộc liên khu III. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chỉ đạo kháng chiến của hai tỉnh Nam Định và Hà Nam, tháng 5/1953, Trung ương quyết định cắt các huyện phía Bắc tỉnh Nam Định gồm Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và 7 xã phía Bắc Nghĩa Hưng nhập vào tỉnh Hà Nam; chuyển châu Lạc Thuỷ về tỉnh Hoà Bình.

Tháng 4/1956, sau giảm tô và cải cách ruộng đất, 3 huyện Ý Yên, Vụ Bản, Mỹ Lộc và 7 xã của Nghĩa Hưng sát nhập trở lại tỉnh Nam Định. Năm 1956, tỉnh Hà Nam và Nam Định sát nhập thành tỉnh Nam Hà. Đầu năm 1976, Nam Hà sáp nhập với tỉnh Ninh Bình thành tỉnh Hà Nam Ninh. Năm 1992, tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình lại chia tách như cũ. Ngày 1/1/1997, tỉnh Hà Nam được tái lập, gồm các huyện Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân, Duy Tiên, Kim Bảng và thị xã Phủ Lý.

Nằm trên trục giao thông quan trọng xuyên Bắc - Nam, trên địa bàn tỉnh có Quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam chạy qua với chiều dài gần 50km và các tuyến đường giao thông quan trọng khác như: Quốc lộ 21, Quốc lộ 21B, Quốc lộ 38. Hơn 4.000 km đường bộ bao gồm các đường Quốc lộ, tỉnh lộ cùng các tuyến giao thông liên huyện, liên xã, thị trấn đã được rải nhựa hoặc bê tông hóa. Hơn 200 km đường thủy có luồng lạch đi lại thuận tiện với 42 cầu đường đã được xây dựng kiên cố và hàng nghìn km đường giao thông nông thôn tạo thành một mạng lưới giao thông khép kín, tạo điều kiện thuận lợi về đi lại và vận chuyển hàng hóa cho các phương tiện cơ giới. Từ thành phố Phủ Lý có thể đi tới các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng một cách nhanh chóng và thuận tiện.

Vị trí chiến lược quan trọng cùng hệ thống giao thông thủy, bộ, sắt tạo cho Hà Nam lợi thế rất lớn trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật với các tỉnh trong vùng và cả nước, đặc biệt là với thủ đô Hà Nội và vùng trọng điểm phát triển kinh tế Bắc bộ.

Tốc độ tăng trưởng bình quân Hà Nam giai đoạn 2016-2019 đạt 11,3%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân cả nước; thu ngân sách tăng cao, bình quân tăng 28,7%/năm. Năm 2019, kinh tế tỉnh Hà Nam có những bước phát triển khá toàn diện: Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 62,2 triệu đồng/người, gấp 1,6 lần so với năm 2015; thu ngân sách nhà nước đạt 9.516 tỷ đồng, vượt tổng chi ngân sách địa phương.

Khu du lịch Tam Chúc, điểm sáng trong ngành du lịch ở Hà Nam.

Công nghiệp - xây dựng và dịch vụ chiếm tỷ trọng 90,8% trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp giảm còn 9,2%. Du lịch ước đạt 2,88 triệu lượt khách. Thu hút đầu tư đạt kết quả tốt, nằm trong nhóm 10 tỉnh đứng đầu về thu hút vốn FDI. Chương trình phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, đến nay, Hà Nam là một trong 8 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (98/98 xã); 4/6 huyện, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...

Một số dự án lớn mà tỉnh Hà Nam đang thực hiện có thể kể đến như: Đầu tư, xây dựng khu du lịch Tam Chúc; khu đô thị Đại học Nam Cao; đầu tư xây dựng cơ sở II của Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Lão khoa…

Bên cạnh đó, Hà Nam đã quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến 2035, bao gồm: Vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp huyện Lý Nhân và Bình Lục; Vùng nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái huyện Kim Bảng; Vùng nông nghiệp đô thị sinh thái TP. Phủ Lý. Hà Nam cũng đã quy hoạch một số khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gồm huyện Lý Nhân 2 khu 358 ha; huyện Bình Lục một khu 121 ha; TP. Phủ Lý một khu 123 ha; huyện Thanh Liêm một khu chăn nuôi bò sữa tập trung 500 ha...

Có thể thấy, Hà Nam là mảnh đất với nhiều tiềm năng, nhiều cơ hội để đổi mới, phát triển. Mong rằng ở cương vị tân Chủ tịch tỉnh Hà Nam - ông Trương Quốc Huy có thể hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, công nghiệp và du lịch Hà Nam, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.