18/01/2025 | 19:57 GMT+7, Hà Nội

Nghi vấn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc bán tràn lan trong siêu thị Big C Thăng Long

Cập nhật lúc: 23/09/2018, 07:00

Mặt hàng tại Big C thường được người tiêu dùng lựa chọn bởi niềm tin về chất lượng, nguồn gốc rõ ràng nhưng bằng cách nào đó, những mặt hàng mỹ phẩm không rõ xuất xứ vẫn đang được bày bán công khai, ảnh hưởng đến quyền lợi, đe doạ sức khoẻ người tiêu dùng.

Mỹ phẩm được bày trong tủ kính sang trọng nhưng không hề có tem nhãn phụ

Tâm lý người tiêu dùng luôn lựa chọn những cơ sở uy tín để mua hàng ngoài lý do sản phẩm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng mà còn là “niềm tin” khi lựa chọn mua hàng. Tuy nhiên, một số chủ cửa hàng tại Big C (chi nhánh 222 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã lợi dụng tâm lý này và bằng nhiều cách khác nhau để “tuồn”mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đủ điều kiện lưu hành trên thị trường vào Big C tiêu thụ.

Ghi nhận thực trạng tại tầng 1-2 siêu thị Big C Thăng Long đang bày bán, kinh doanh nhiều mặt hàng đa dạng khác nhau từ ăn uống, thời trang, mỹ phẩm, điện thoại…

 

Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, chưa đủ điều kiện lưu thông trên thị trường đang được bày bán công khai tại siêu thị Big C .

Trong vai một khách hàng, PV tìm đến gian hàng mỹ phẩm tại tầng 2 của Big C để mua hàng. Theo quan sát, những mỹ phẩm tại đây được trưng bày trong những tủ kính sang trọng và bắt mắt, đa dạng về chủng loại, chủ yếu là sữa rửa mặt, son, kem nền…Tuy nhiên, trên bao bì sản phẩm những loại mỹ phẩm được bày bán tại đây lại không có những thông tin như tem phụ đề tiếng Việt, tên cơ quan công bố sản phẩm, tên đơn vị xuất nhập khẩu… theo như quy định của pháp luật mà chỉ có những dòng chữ in tiếng nước ngoài. Dù vậy, nhân viên tư vấn không cần “liếc” qua sản phẩm nhưng vẫn có thể tư vấn một cách trôi chảy về công dụng, thành phần… như thể được “lập trình” sẵn.

Cầm trên tay mẫu sản phẩm “sữa rửa mặt” được nhân viên quảng cáo là hàng “Made in Korea”, “hàng chính hãng”, khi PV tỏ ra lo lắng về chất lượng và nguồn gốc của sản phẩm, nhân viên nhanh nhảu trấn an: “Anh yên tâm, hàng này là hàng chính hãng, được nhập khẩu từ Hàn Quốc, sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên nên có thể hoàn toàn yên tâm về chất lượng”.

Khi PV đề nghị cung cấp hoá đơn giá trị gia tăng, nhân viên cửa hàng lại không cung cấp được mà chỉ đưa ra… hoá đơn quầy (hoá đơn bán lẻ) dù trước đó “chắc nịch” cam kết “hàng chính hãng nhập khẩu”, “giá sản phẩm đã bao gồm VAT”.


Trên bao bì sản phẩm những loại mỹ phẩm được bày bán tại đây không hề có những thông tin như tem phụ đề tiếng Việt, tên cơ quan công bố sản phẩm, tên đơn vị xuất nhập khẩu… 

Như vậy, thực chất những lời cam kết trước đó cũng chỉ là nói “suông”. Người tiêu dùng đặt ra nghi vấn về chất lượng sản phẩm và cho rằng, phải chăng đây là chiêu các gian hàng này lợi dụng uy tín của Big C để lấy lòng tin, trà trộn hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc để kinh doanh kiếm lời?

Theo quy định của pháp luật, những sản phẩm mỹ phẩm nếu muốn đưa ra thị trường kinh doanh, được nhập từ nước ngoài bắt buộc phải có tem phụ đề tiếng việt để người tiêu dùng nhận biết những thành phần và hướng dẫn cách sử dụng. Ngoài ra, tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường chỉ được phép đưa mỹ phẩm lưu thông khi được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Những gian hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc “núp” dưới “bóng lớn” Big C để kiếm lời?

Theo tìm hiểu của PV, những quầy bán hàng mỹ phẩm này ngoài khu vực tự chọn, không phải của siêu thị mà họ chỉ thuê lại mặt bằng. Trong hợp đồng cho thuê mặt bằng quy định yêu cầu bên kinh doanh phải cung ứng sản phẩm chất lượng, nguồn gốc rõ ràng. Nếu vi phạm, các quầy hàng đó sẽ tự chịu trách nhiệm về chất lượng và khiếu nại với khách hàng.

Tuy nhiên, sự việc này đã diễn ra trong thời gian dài nhưng phía siêu thị Big C dường như không có phương án xử lý, chấm dứt hợp đồng với những chủ cửa hàng bày bán, kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc trên.

Thay vào đó, những chủ cửa hàng này vẫn “núp” dưới cái “bóng lớn” Big C để kiếm lời từ những mặt hàng thiếu thông tin về sản phẩm và chất lượng. Trường hợp nếu có sự cố xảy ra, khách hàng lại là người chịu thiệt, không biết khiếu nại ai để giải quyết.

Việc một số chủ cửa hàng “lợi dụng” danh tiếng Big C để đưa hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an toàn, sức khoẻ và quyền lợi người tiêu dùng. Bên cạnh đó là ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của siêu thị Big C.

Theo Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại thì hàng hoá, dịch vụ kinh doanh tại siêu thị, trung tâm thương mại phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, có nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, thương nhân kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của siêu thị, Trung tâm thương mại.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về vụ việc.