18/01/2025 | 14:51 GMT+7, Hà Nội

Nghe, ghi âm cuộc gọi trái pháp luật bị phạt tới 20 triệu đồng

Cập nhật lúc: 21/03/2020, 15:03

Hành vi nghe, ghi âm cuộc gọi, thu giữ thư, điện báo, điện tín trái pháp luật; thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu...

Hành vi nghe, ghi âm cuộc gọi, thu giữ thư, điện báo, điện tín trái pháp luật; thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Ảnh minh hoạ.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 15/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2020.

Theo báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, theo quy định này, mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức (trừ Điều 106 nghị định này). Trường hợp cá nhân vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt của tổ chức.

Theo đó, hành vi nghe, ghi âm cuộc đàm thoại, thu giữ thư, điện báo, điện tín trái pháp luật bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Hành vi thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm quảng cáo, tuyên truyền hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bị cấm phạt 10 - 20 triệu đồng.

Hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự phạt 10 - 20 triệu đồng.

Mức phạt 10 - 20 triệu đồng cũng được áp dụng với hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Hành vi không đảm bảo bí mật thông tin riêng chuyển qua mạng viễn thông công cộng hoặc tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng.

Hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc, dâm ô, đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc bị phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng.

Được biết, ở một số quốc gia, việc ghi âm cuộc gọi còn có thể bị phạt tù. Theo báo VNEXpress, ở Mỹ pháp luật đặc biệt nghiêm khắc trong quy định về ghi âm hội thoại. Mấu chốt để có thể ghi âm hợp pháp nằm ở "sự ưng thuận" của người tham gia, tức là liệu một người có thể ghi âm mà không để đối phương biết?

Vấn đề ở chỗ, cần xác định cuộc hội thoại có được bảo vệ bởi quyền riêng tư không? Giả sử địa điểm gặp mặt không diễn ra ở địa điểm riêng tư mà ở nơi công cộng thì cuộc hội thoại khó có thể nhận được sự bảo vệ từ pháp luật.

Trong trường hợp cuộc hội thoại được pháp luật bảo vệ, quy định của tiểu bang và liên bang lại có sự khác biệt. Điều 2511 tiết 18 về Luật Hình sự của Bộ luật Liên bang 2016 chỉ yêu cầu sự ưng thuận đơn phương, tức người tham gia vào cuộc hội thoại có quyền ghi âm mà không cần sự đồng ý của những người còn lại. Nếu không phải người tham gia câu chuyện, một người chỉ có quyền ghi âm nếu ít nhất một bên tham gia biết được về việc ghi âm. Ngoài ra, luật còn quy định cấm ghi âm vì mục đích tội phạm…