22/11/2024 | 04:22 GMT+7, Hà Nội

Nghệ An: 6 trung tâm đô thị tạo động lực dẫn dắt phát triển

Cập nhật lúc: 21/02/2024, 14:23

Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hứa hẹn sẽ đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với vùng đất quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC, TẠO KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN MỚI

Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên cơ sở kế thừa những thành tựu quan trọng của giai đoạn trước, kết quả phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay, nhất là thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài; đồng thời bám sát các Nghị quyết, định hướng, chỉ đạo mới của Trung ương, các quy hoạch cấp quốc gia để tích hợp theo hướng thống nhất, đồng bộ.

Tiến hành lập quy hoạch trong điều kiện các quy định, hướng dẫn lập quy hoạch tỉnh đang tiếp tục được hoàn chỉnh; các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tỉnh Nghệ An gặp phải không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự quan tâm, hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh, Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã hoàn thành theo kế hoạch đề ra và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1059 ngày 14/9/2023.

Nội dung Quy hoạch tỉnh đã được cập nhật thống nhất, cụ thể hóa các mục tiêu, quan điểm, định hướng phát triển tỉnh Nghệ An theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị. Trong đó, mục tiêu tổng quát, cốt lõi, xuyên suốt được đặt ra là: Phấn đấu đến năm 2030, Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ trên một số lĩnh vực có thế mạnh. Tầm nhìn đến năm 2050, là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, văn minh và hiện đại.

Một góc TP. Vinh (Ảnh: Thu Huyền)

Quan điểm xuyên suốt của quy hoạch tỉnh là kiên định mục tiêu phát triển bền vững; phát triển toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, quyết tâm tạo đột phá ở một số ngành, lĩnh vực, khu vực trọng điểm, trong đó tập trung phát triển nhanh khu vực đồng bằng và ven biển để hình thành các động lực tăng trưởng mới, tác động lan tỏa thúc đẩy phát triển bền vững khu vực miền Tây.

Các phương án, định hướng phát triển, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Quy hoạch tỉnh Nghệ An đều hướng đến mục tiêu phát triển 2 khu vực động lực tăng trưởng chính là TP. Vinh mở rộng và Khu kinh tế Đông Nam mở rộng.

Quy hoạch tỉnh đặt ra 3 đột phá chiến lược. Thứ nhất, hoàn thiện đồng bộ thể chế, chính sách; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh mang tính cạnh tranh vượt trội gắn với cải cách hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành. Thứ hai, tập trung đầu tư, tạo bước đột phá về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển; trong đó, phát triển mạnh hạ tầng giao thông chiến lược, tạo sự kết nối, lan tỏa phát triển. Thứ ba, phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với phát huy giá trị văn hóa, con người xứ Nghệ; tập trung giáo dục và đào tạo, thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế gắn với 4 tuyến giao thông huyết mạch; phát triển 5 lĩnh vực trụ cột gồm: Công nghiệp; thương mại, dịch vụ; du lịch; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đồng thời, xây dựng 6 trung tâm đô thị tạo động lực dẫn dắt phát triển gồm: TP. Vinh mở rộng là đô thị trung tâm; phát triển thị xã Thái Hòa gắn với Nghĩa Đàn trở thành đô thị động lực, trung tâm vùng phía Tây Bắc; phát triển thị xã Hoàng Mai gắn với Quỳnh Lưu trở thành đô thị trung tâm vùng Nam Thanh Hóa - Bắc Nghệ An, cực tăng trưởng phía Bắc của tỉnh. Xây dựng huyện Con Cuông theo hướng đô thị sinh thái, động lực thúc đẩy phát triển của tiểu vùng Tây Nam; nâng cấp đô thị Diễn Châu với chức năng đô thị trung tâm vùng phía Đông; xây dựng đô thị Đô Lương đóng vai trò là điểm kết nối, liên kết giữa các huyện phía Tây với thành phố Vinh, Khu kinh tế Đông Nam và khu vực ven biển của tỉnh.

TẠO SỰ CHUYỂN BIẾN MẠNH MẼ, THỰC CHẤT VỀ MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ

Phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An đến năm 2040 diễn ra ngày 12/1/2024, ông Thái Thanh Quý, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An chia sẻ, tỉnh nhận thức sâu sắc rằng, công bố Quy hoạch mới là bước khởi đầu, chặng đường thực hiện quy hoạch còn rất dài. Đây là nhiệm vụ rất to lớn, bên cạnh nhiều yếu tố thuận lợi còn có không ít thách thức.

Tuy nhiên, với sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, đồng chí Thái Thanh Quý nhấn mạnh, Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An sẽ không ngừng nỗ lực, đoàn kết, đồng sức, đồng lòng quyết tâm đưa tỉnh Nghệ An phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng với sự quan tâm, kỳ vọng của Trung ương, của cả nước dành cho quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh; trước mắt, hướng tới thực hiện thành công các mục tiêu vào năm 2030, đây cũng là dấu mốc kỷ niệm 1.000 năm danh xưng Nghệ An.

“Có thể nói, khát vọng phát triển Nghệ An luôn được hun đúc qua nhiều thời kỳ, khát vọng ấy càng mạnh mẽ và thôi thúc hơn vào thời điểm này. Thời điểm mà nhiều người cho rằng Nghệ An đang có “thiên thời, địa lợi và nhân hòa” để tỉnh phát triển nhanh, mạnh, đột phá, bền vững. Thời điểm mà tỉnh Nghệ An cũng nhận thức sâu sắc rằng, nếu không tận dụng để tiến nhanh lên, không tự vượt lên thì tỉnh sẽ lỡ cơ hội phát triển”, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng khẳng định, tỉnh cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực, đoàn kết, năng động, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành; hỗ trợ, đồng hành, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ; nâng cao đạo đức công vụ, lấy lợi ích, hạnh phúc và sự hài lòng của người dân là thước đo của sự phát triển; quyết tâm thực hiện cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới.

Trước mắt trong năm 2024, tỉnh Nghệ An sẽ tập trung hoàn thành công tác xây dựng và phê duyệt quy hoạch vùng huyện; thực hiện 5 chương trình, đề án trọng tâm, bao gồm: Đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam; Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh; Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025; Chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh đến năm 2030 gắn với Đề án phân loại đô thị trên địa bàn tỉnh; hoàn thành Đề án bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù để sớm trình Chính phủ, Quốc hội.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 dự án hạ tầng giao thông chiến lược là Cảng nước sâu Cửa Lò và nâng cấp, mở rộng cảng hàng không quốc tế Vinh. Tập trung triển khai dự án điện khí LNG Quỳnh Lập và các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp trong Khu kinh tế Đông Nam.

Năm 2023, tỉnh Nghệ An đã thu hút được hơn 1,6 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tăng gần 67% so với năm 2022, đứng thứ 8 các tỉnh, thành phố trên cả nước về thu hút đầu tư; trong đó kết nối cung cấp 8.000 lao động cho các doanh nghiệp FDI và năm 2024 dự kiến tăng lên 15.000 - 20.000 lao động. Tại Hội nghị công bố Quy hoạch, tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 6 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 9.550 tỷ đồng được đầu tư vào Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An. Đây là những dự án quan trọng đầu tiên để cụ thể hóa quy hoạch đã được phê duyệt.

Nguồn: https://reatimes.vn/nghe-an-6-trung-tam-do-thi-tao-dong-luc-dan-dat-phat-trien-202240217195759139.htm