Ngày "đèn đỏ" được nghỉ làm thêm 30 phút: Mừng hay lo?
Cập nhật lúc: 05/11/2015, 21:49
Cập nhật lúc: 05/11/2015, 21:49
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ, có hiệu lực từ ngày 15/11.
Theo khoản 2 điều 7, lao động nữ trong thời gian "đèn đỏ" được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 3 ngày trong một tháng. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
Đối với lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Nghị định quy định rõ, người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động.
Chính phủ cũng khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Nghị định quy định khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành.
Bác sĩ sản phụ khoa – nam khoa Nguyễn Bá Hưng cho hay, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ lặp lại theo tháng, mỗi kỳ kéo dài từ 3-7 ngày. Đây là giai đoạn mệt mỏi, khó chịu nhất của phụ nữ, thậm chí nhiều người bị đau dữ dội, không thể làm gì. Do đó, giai đoạn này, chị em nên được nghỉ ngơi.
Đồng quan điểm, thạc sĩ, lương y đa khoa Vũ Quốc Trung cũng cho rằng có hai yếu tố khiến chị em cần được quan tâm hơn trong ngày “đèn đỏ” bao gồm vấn đề vệ sinh cá nhân – tức họ cần có thêm thời gian để làm việc này và vấn đề sức khỏe.
Theo quan điểm của các chuyên gia, tăng thời gian nghỉ cho chị em thêm 30 phút một ngày trong giai đoạn "đèn đỏ" là một sự quan tâm và hỗ trợ tốt cho họ.
PGS-TS Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cho rằng: Việc dành ra 30 phút cho lao động nữ là cần thiết, vì những ngày này chị em cần phải thay băng vệ sinh. Nếu không được đảm bảo vệ sinh, không được thay băng vệ sinh phù hợp kịp thời sẽ dễ dẫn đến viêm nhiễm đường sinh sản; gây nhiễm trùng nhiễm độc do vi khuẩn. Do vậy, việc bố trí thời gian như vậy sẽ đảm bảo tốt hơn cho sức khỏe phụ nữ, đặc biệt trong môi trường và điều kiện phải làm việc liên tục theo ca kíp".
Ngoài ra, cùng với việc dành quỹ thời gian "ưu đãi" cho chị em cũng phải cân nhắc bố trí khu vệ sinh, nguồn nước sạch...", bà Hồng nói thêm.
Một số ý kiến đưa ra cho rằng thời buổi hiện nay, vấn đề này cũng tương đối thoáng nên chuyện quan tâm tới chị em phụ nữ thời kỳ “đèn dỏ” là vô cùng thực tế.
“Tôi thấy chuyện đèn đỏ tới nay đã là chủ đề bình thường rồi, đau, mệt thì nói ra thôi, chả ngại Sếp Nam Sếp Nữ gì hết, lớn hết rồi có còn phải con nít đâu, đã làm sếp thì dân trí thức cả, có ăn có học có hiểu biết, chẳng có gì khó nói, mà mấy cái lặt vặt này thì bào với bộ phậm chấm công, chứ có cái gì mà phải tới Sếp mới dc. các anh các chị cứ làm quá vấn đề lên chi. Trình bày một cách bình thường thoải mái chẳng ai cười vào mặt quý vị đâu.
Thà có quy định vậy đỡ hơn cho chị em phụ nữ, chứ ko thì tới ngày cũng phải xin nghỉ thôi, đứng ngồi cũng khó chịu thì làm việc thế nào được”
"Những ngày đèn đỏ, chị em phụ nữ nào cũng mệt mỏi, đau bụng, đau lưng. Chuyện này hầu như chỉ âm thầm chị em biết với nhau thì nay được pháp luật quy định rõ ràng. Đây là một sự cảm thông sâu sắc, bảo vệ nữ quyền, mình rất ủng hộ".
Không chỉ có chị em, mà anh em cũng rất ủng hộ quy định này. Anh Quang Đại nhìn nhận, quy định của Chính phủ rất nhân văn, chia sẻ được vấn đề sức khỏe của lao động nữ khi tới kỳ. Nếu không có chính sách này, nhiều phụ nữ đến tháng vẫn tự xin nghỉ.
Đã có những công ty còn áp dụng luật này từ trước khi chính phủ đưa ra quy định.
"Cty mình đã áp dụng luật này từ lâu, vì là 1 công ty dược, nên vấn đề sức khỏe được quan tâm đúng mực. Luật này được thông báo rõ ràng vào ngày học hội nhập công ty.
Mỗi khi nhân viên cần nghỉ vào ngày đèn đỏ, chỉ cần nhắn với sếp, sau đó làm một giấy ra cổng với lý do bệnh, là công ty hiểu. Sếp mình là nam, chỉ hơn mình 2 tuổi, đều chưa lập gia đình và không có bất kỳ sự khó khăn nào đối với mình. Mọi người hãy đón nhận tin này như một tin vui, hứng khởi chứ không phải nghi ngại".
Tuy nhiên cũng có người cho rằng, nếu áp dụng những quy định này vậy liệu những người "mãn kinh" cũng xin nghỉ phép thì sao? Làm sao để chứng minh được rằng mình vẫn trong thời kỳ đèn đỏ"?
Dù còn nhiều ý kiến trái chiều khác nhau được đưa ra, song không thể phủ nhận quy định này của chính phủ hết sức cần thiết và có lợi, đảm bảo sức khỏe cho chị em phụ nữ. Tuy nhiên, cũng cần có những cách làm và quy định cụ thể đối với từng công ty, từng doanh nghiệp sao cho phù hợp và thiết thực./.
Một số chính sách dành cho lao động nữ1. Người sử dụng lao động bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ Y tế. 2. Lao động nữ được khám sức khỏe định kỳ,khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành. 3. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 03 ngày trong một tháng. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. 4. Khi nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. 5. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động. |
01:48, 30/10/2015
07:20, 27/10/2015
08:20, 19/10/2015
22:44, 01/08/2015