Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam “vượt bão” qua đại dịch COVID-19
Cập nhật lúc: 20/04/2022, 06:15
Cập nhật lúc: 20/04/2022, 06:15
Trong năm 2021, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Trong nước, chuỗi cung ứng cũng bị gián đoạn bởi các chính sách, quy định về giãn cách, phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ còn phải đối mặt với tình trạng giá nguyên vật liệu đầu vào leo thang, trong khi số lượng đơn hàng lại giảm đáng kể.
Các quy định về hạn chế đi lại quốc tế và trong nước cũng làm giảm cơ hội tiếp cận trực tiếp với khách hàng. Cùng với đó, khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện đầu vào, đồng thời, xu hướng thị trường khó dự đoán… khiến doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không thể lập kế hoạch dài hạn.
Trong khi đó, xu hướng làm việc trực tuyến chưa phù hợp và thích nghi với môi trường làm việc và nhân công tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói riêng và ngành sản xuất nói chung, bởi chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất vẫn còn khá mới mẻ.
Tuy vậy, theo đánh giá của Cục Công nghiệp, năm 2021 vẫn có một số điểm sáng trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Vai trò của các công ty đa quốc gia, các tập đoàn sản xuất ngày càng lớn mạnh và tác động đến kinh tế toàn cầu.
Từ năm 2017, căng thẳng thương mại Trung – Mỹ đã tạo ra xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang nước thứ ba, trong đó có Việt Nam. Từ giữa năm 2018 đến nay, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, đã nhận được thêm nhiều hợp đồng, ngay cả trong 2 năm Covid-19 vừa qua.
Xu hướng này đã mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia, được thử sức ở thị trường rộng lớn hơn.
Theo Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), có khoảng 5-10% doanh nghiệp sản xuất linh kiện cơ khí và khuôn nhựa đang là nhà cung cấp cấp I, chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM đã mở rộng sản xuất, đầu tư dây chuyền mới hoặc mở nhà máy mới trong hai năm qua.
Khảo sát của VASI cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tận dụng tốt cơ hội do dịch Covid-109 mang lại và cho rằng trong thời gian tới họ sẽ nhận được nhiều đơn hàng hơn nhờ làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc. Hầu hết doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đều sẵn sàng nguồn lực và phương án tài chính để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nước ngoài.
Theo đánh giá của Cục Công nghiệp, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu vừa là thách thức song cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Do hàng nhập khẩu cả qua đường tiểu ngạch lẫn chính ngạch bị hạn chế, các khách hàng có xu hướng tìm nguồn cung trong nước tăng lên.
Chính vì thế, doanh nghiệp Việt Nam có đôi chút lợi thế khi vẫn duy trì được các dịch vụ hỗ trợ, cung ứng hàng hóa… tới những khách hàng trước đây chủ yếu sử dụng nguồn cung từ nước ngoài.
Dịch Covid-19 cũng góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tích cực tìm kiếm các giải pháp công nghệ trong nước để phát triển hệ thống vận hành online linh hoạt, giúp cho quá trình phát triển khách hàng và xuất khẩu thuận tiện hơn, việc trao đổi chỉ cần qua trực tuyến, quá trình đánh giá ngắn và nhanh hơn.
Cùng với đó, một điểm đáng lưu ý, bối cảnh khó khăn của dịch Covid-19 cũng đã thúc đẩy một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển thêm các sản phẩm mới phục vụ công tác phòng chống dịch.
Trải qua những khó khăn do dịch bệnh, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tạo dựng được văn hóa doanh nghiệp, có được sự đồng lòng, quyết tâm của các cán bộ công nhân viên trong việc tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch và đồng hành cùng chủ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Ngoài ra, các gói hỗ trợ của Chính phủ trong việc duy trì chi phí lãi vay và tỷ giá ổn định cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, nhờ đó duy trì được việc làm và thu nhập ổn định cho người lao động.
Theo đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực, mặc dù các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tận dụng được cơ hội trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, song vẫn tồn tại một số thách thức cần có sự hỗ trợ của chính sách để giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ duy trì được cơ hội, lợi thế của mình.
Một trong những thách thức lớn nhất, chính là khả năng tiếp cận cận thị trường, khách hàng, tiếp cận vốn vay và các chương trình hỗ trợ của Chính phủ; về xu hướng chuyển đổi số diễn ra chậm trong lĩnh vực sản xuất, thiếu sự quan tâm, sát sao về phát triển các hoạt động tuyên truyền, bề nổi như hiện nay; và về khả năng tiếp cận nguồn cung nguyên liệu, đặc biệt là nguyên liệu trong nước để tránh rủi ro về đứt gãy chuỗi cung ứng như thời gian vừa qua.
Năm 2021, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 4,82% so với năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,37%, ngành sản xuất phân phối điện tăng 5,24%, ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4%... Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của toàn ngành công nghiệp, đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển...
Nguồn: https://congluan.vn/nganh-cong-nghiep-ho-tro-viet-nam-vuot-bao-qua-dai-dich-covid-19-post188257.html
18:42, 07/04/2022
07:00, 02/04/2022
09:18, 30/03/2022
06:15, 21/03/2022