19/01/2025 | 19:18 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Đẩy mạnh các giải pháp xây dựng cụm công nghiệp

Cập nhật lúc: 07/04/2022, 18:42

Để ngành công nghiệp Thủ đô phát triển hiệu quả, bền vững, TP Hà Nội đã đưa ra những giải pháp cụ thể giúp tháo gỡ khó khăn trong triển khai đầu tư xây dựng cụm công nghiệp.

Nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc triển khai bị chậm

Trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 70 cụm công nghiệp hoạt động, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Các cụm công nghiệp này hoạt động tại 17 quận, huyện và thị xã với tổng diện tích theo quy hoạch là hơn 1,6 nghìn ha, trong đó, có hơn 1,3 nghìn ha được đầu tư xây dựng hạ tầng, hoạt động ổn định.

Việc có thêm nhiều cụm công nghiệp ra đời sẽ thu hút làn sóng đầu tư mới trong sản xuất công nghiệp, tạo đột phá trong lĩnh vực này, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nhanh và bền vững. (ảnh: Cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng, huyện Phú Xuyên)
Việc có thêm nhiều cụm công nghiệp ra đời sẽ thu hút làn sóng đầu tư mới trong sản xuất công nghiệp, tạo đột phá trong lĩnh vực này, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô nhanh và bền vững. (ảnh: Cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng, huyện Phú Xuyên)

Để ngành công nghiệp Thủ đô phát triển bền vững, hiệu quả, thành động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, thời gian qua, TP Hà Nội đã và đang đầu tư, xây dựng các cụm công nghiệp hiện đại.

Theo đó, từ năm 2018-2020, TP Hà Nội đã có quyết định thành lập 43 cụm công nghiệp. Trong đó, năm 2020, có 25 cụm công nghiệp, tổng diện tích 497,4 ha được thành lập, triển khai đầu tư khá thuận lợi do những vướng mắc về quy hoạch, đất đai đã được các sở, ngành tham mưu UBND TP giải quyết.

Các cụm công nghiệp đã thu hút khoảng hơn 3,8 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho 60 nghìn lao động, nộp ngân sách Nhà nước khoảng 1.100 tỷ đồng/năm.

Sự hình thành các cụm công nghiệp đã giúp di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư, đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất, đồng thời góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm trong khu dân cư như trước đây.

Sự phát triển mạnh mẽ và những đóng góp to lớn của các cụm công nghiệp là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, quá trình phát triển các cụm công nghiệp tại Hà Nội còn tồn tại không ít những thách thức, bất cập.

Theo số liệu báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, năm 2021, TP Hà Nội giao kế hoạch khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 43 cụm công nghiệp. Tuy nhiên, mới có cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng và cụm công nghiệp làng nghề Phú Túc (huyện Phú Xuyên) được khởi công, còn lại hầu hết đều chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là theo quy định, có trên 10ha đất lúa phải trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương chuyển đổi, trong khi đó đến nay mới có 2/20 cụm có văn bản chấp thuận chủ trương.

Ngoài ra, còn có khó khăn do việc quy chủ, xác minh nguồn gốc đất, một số hộ xây dựng công trình trên đất nông nghiệp chưa được xử lý nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án…

Tháo gỡ từng “nút thắt”, thúc đẩy xây dựng các cụm công nghiệp

Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, lãnh đạo TP Hà Nội đã đưa ra những giải pháp cụ thể giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai đầu tư xây dựng cụm công nghiệp.

Theo đó, ngày 16-3-2022, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 85/KH-UBND về quản lý, đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội năm 2022. Mục tiêu đặt ra là tạo bứt phá mạnh mẽ trong phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, từ đó hoàn thành các chỉ tiêu trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025".

Tiếp đó, ngày 17-3-2022, UBND TP Hà Nội tiếp tục ban hành Kế hoạch số 89/KH-UBND về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn chậm tiến độ trên địa bàn.

Theo đó, với 43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2018-2020 (năm 2021, mới có 2/43 cụm công nghiệp được khởi công). Để có thể khởi công 41 cụm công nghiệp còn lại theo đúng tiến độ đề ra, các cấp, ngành, địa phương của TP cần thực hiện tốt Kế hoạch số 89/KH-UBND của UBND TP Hà Nội về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn chậm tiến độ trên địa bàn.

Trong đó, tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo để tháo gỡ từng "nút thắt" đang ảnh hưởng đến tiến độ khởi công xây dựng các dự án cụm công nghiệp, phù hợp với điều kiện thực tế.

Một số cụm công nghiệp có tính đặc thù, còn khó khăn, vướng mắc có thể được xem xét xác định thời gian khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt, yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chịu trách nhiệm toàn diện trước thành phố về triển khai kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn tối thiểu 50% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính…

Theo đại diện Sở Công Thương Hà Nội, thực hiện kế hoạch của TP Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội đang triển khai các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ khởi công các dự án. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là Sở Công Thương sẽ phối hợp với Sở TN&MT hoàn thiện hồ sơ để UBND TP Hà Nội trình Thủ tướng Chính phủ xin chuyển đổi đất lúa; cùng với đó là hoàn thiện ngay việc cấp giấy phép xây dựng với các cụm công nghiệp đủ điều kiện…

Đồng thời đôn đốc các chủ đầu tư, địa phương xin điều chỉnh, gia hạn tiến độ thực hiện dự án đối với các cụm công nghiệp đã hết hạn; lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án; báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Về phía các địa phương, cùng với việc phối hợp tháo gỡ từng vướng mắc hiện hữu, cần đẩy nhanh việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các cụm công nghiệp theo thẩm quyền; cấp phép xây dựng đối với cụm công nghiệp đã đủ điều kiện, không được gây khó khăn cho chủ đầu tư. Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân có đất bị thu hồi xây dựng các cụm công nghiệp đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ theo quy định.

Theo Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 17-3-2022 của UBND TP Hà Nội về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm về đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp còn chậm tiến độ trên địa bàn. TP yêu cầu nhanh chóng hoàn thiện thủ tục, điều kiện để phấn đấu khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật 41 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập giai đoạn 2019-2020 trong năm 2022. Một số cụm công nghiệp có tính đặc thù, còn khó khăn, vướng mắc có thể được xem xét xác định thời gian khởi công xây dựng hạ tầng kỹ thuật phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt, yêu cầu lãnh đạo các sở, ban, ngành và chủ tịch UBND huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chịu trách nhiệm toàn diện trước thành phố về triển khai kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao; thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, rút ngắn tối thiểu 50% thời gian thực hiện các thủ tục hành chính…

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-day-manh-cac-giai-phap-xay-dung-cum-cong-nghiep-284174.html