25/11/2024 | 13:44 GMT+7, Hà Nội

Năm học \"COVID-19\" đầy thử thách

Cập nhật lúc: 22/06/2021, 06:20

Năm học 2020 - 2021 đang đi đến những khoảng thời gian cuối cùng. Đây là năm học mà ngành giáo dục tiếp tục chịu ảnh hưởng của hai làn sóng COVID-19...

Đảm bảo kế hoạch năm học

Theo PGS. TS. Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), trong thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 vào đúng thời điểm các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên đang chuẩn bị kết thúc năm học, các địa phương đã chủ động, kịp thời chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học để vừa bảo đảm phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa hoàn thành năm học 2020 - 2021.

Học sinh Hà Nội hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trong điều kiện dịch COVID-19. Ảnh: Lê Phú.
Học sinh Hà Nội hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trong điều kiện dịch COVID-19. Ảnh: Lê Phú.

Đến nay, học sinh, lớp 12 đã hoàn thành chương trình và đang tập trung ôn thi tốt nghiệp; hầu hết các địa phương trong cả nước bảo đảm hoàn thành năm học trước ngày 31/5/2021 theo khung kế hoạch thời gian năm học 2020 - 2021 của Bộ GD&ĐT.

Bộ GD&ĐT đánh giá cao sự chủ động của các địa phương. Đối với giáo dục mầm non, địa phương không tổ chức dạy học trực tuyến cho trẻ mà thực hiện việc hỗ trợ, hướng dẫn cha mẹ chăm sóc, giáo dục trẻ ở nhà; tập trung chỉ đạo hoàn thành chương trình năm học đối với học sinh lớp 1 để kịp thời tổ chức đánh giá 1 năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

“Bộ GD&ĐT yêu cầu địa phương tổ chức tốt cho học sinh lớp 12 ôn thi tốt nghiệp theo hướng kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, cơ sở giáo dục; đặc biệt quan tâm, động viên, hỗ trợ các học sinh thuộc đối tượng F1, F2 đang phải thực hiện cách li theo quy định được tham gia ôn thi bằng hình thức trực tuyến; rà soát, xác định rõ từng đối tượng học sinh và xây dựng các kịch bản cụ thể để bảo đảm an toàn cho mọi đối tượng học sinh tham gia kì thi tốt nghiệp THPT năm 2021 trong điều kiện có dịch bệnh COVID-19”, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.

Theo ghi nhận, các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở nhiều địa phương đã phải tổ chức sớm hơn so với kế hoạch. Ở một số địa phương đã điều chỉnh thời gian làm bài thi phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19.

Học sinh cả nước học online vì dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN
Học sinh cả nước học online vì dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN

Với kỳ thi tốt nghiệp THPT, PGS TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết: “Bộ GD&ĐT và các địa phương vẫn tiếp tục chuẩn bị để tổ chức kỳ thi theo đúng kế hoạch vào ngày 7 và 8/7. Nhưng đến gần mốc thời gian này, nếu còn nơi phải phong tỏa, hay thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để phòng chống dịch COVID-19 thì đợt thi vào ngày 7 và 8/7 sẽ chỉ tổ chức cho những nơi an toàn và cho những thí sinh không thuộc diện F0, F1, F2”.

Năm học 2020 - 2021, giáo dục đại học cũng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Trong những đợt dịch, các trường đại học đều tổ chức học trực tuyến trên nền tảng đã xây dựng trước đó. Đây cũng là năm học đầu tiên Bộ GD&ĐT cho phép các trường đại học được phép đánh giá với học phần học trực tuyến.

Tổ chức tổng kết trực tuyến

Năm học 2020 - 2021 cũng là lần đầu tiên, nhiều địa phương trên cả nước phải cho kết thúc năm học sớm hơn so với dự kiến và tổ chức tổng kết năm học bằng hình thức trực tuyến. UBND tỉnh Phú Thọ yêu cầu các trường học trên địa bàn không tổ chức lễ tổng kết năm học, các hoạt động tri ân và trưởng thành cho học sinh lớp 9, lớp 12, hoạt động liên hoan, chia tay... tập trung đông người.

Theo ông Phùng Quốc Lập, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phú Thọ: Sở cho phép các trường linh hoạt cách tổ chức theo hình thức trực tuyến. Các trường được yêu cầu thông báo kết quả học tập, rèn luyện của học sinh; tổ chức tuyên dương, khen thưởng bằng các hình thức phù hợp, như: Trực tuyến, hoặc chia nhỏ theo đơn vị lớp hoặc đại diện... bảo đảm các quy định phòng chống COVID-19.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức chấm báo cáo khoa học của sinh viên bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: Hoài Thương
Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức chấm báo cáo khoa học của sinh viên bằng hình thức trực tuyến. Ảnh: Hoài Thương

Các trường học vùng tâm dịch Bắc Giang cũng không tổ chức tổng kết năm học trực tiếp. Một số trường có điều kiện, giáo viên sử dụng nền tảng học trực tuyến để tổ chức tổng kết năm học. Các nhà trường sử dụng linh hoạt các nền tảng số để thông báo kết quả học tập của học sinh về gia đình. Có những nơi, việc tổ chức tổng kết năm học vẫn ở chế độ... chờ. Hà Nội cho học sinh toàn thành phố nghỉ hè sớm 14 ngày so với kế hoạch năm học. Sở cũng quy định, các cơ sở giáo dục sẽ thực hiện nhiệm vụ năm học 2020 - 2021 còn lại vào thời gian nghỉ hè khi tình hình dịch bệnh ổn định, học sinh có thể đến trường học tập.

Các trường học ở Hà Nội đang đợi kế hoạch, hướng dẫn về lễ tổng kết năm học 2021 - 2022. Đến nay, năm học 2020 - 2021 vẫn chưa thể tổng kết ở các cấp học. Việc tuyển sinh các cấp học có nơi hoàn thiện, có nơi chưa. Việc tuyển sinh đại học vẫn phụ thuộc diễn biến dịch COVID-19. Ngành giáo dục vẫn đang thực hiện những ưu tiên về thi cử, tuyển sinh, thực hiện triển khai chương trình sách giáo khoa mới trong bối cảnh dịch.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, nhìn nhận lại năm học vừa qua, có thể thấy, với kinh nghiệm của năm 2020 và sẵn có các văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến mà Bộ GD&ĐT đã ban hành khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trở lại, các địa phương, nhà trường đã chủ động xây dựng phương án để kích hoạt học trực tuyến khi học sinh không đến trường để hoàn thành năm học. Đây cũng là kinh nghiệm quý báu để ngành giáo dục xây dựng các kịch bản chủ động với những diễn biến bất thường, trong những năm tiếp theo.

Nguồn: https://ngaynay.vn/nam-hoc-covid-19-day-thu-thach-post109028.html