22/11/2024 | 20:27 GMT+7, Hà Nội

Nam Định: Tạo nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững

Cập nhật lúc: 03/03/2024, 14:29

Tạo nguồn lực cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ để hướng tới xây dựng bền vững nông nghiệp, nông thôn … là hướng đầu tư luôn được tỉnh Nam Định ưu tiên.

Nam Định là tỉnh có 72km bờ biển, 89 nghìn ha đất canh tác phù sa màu mỡ và trên 17 nghìn ha đất có mặt nước để nuôi trồng thủy sản… nên có nhiều điều kiện để phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi theo quy trình công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ.

Trong đó, sản xuất lúa, rau màu; chăn nuôi lợn, gà; nuôi tôm, cá… là những loại cây trồng, vật nuôi được áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ ngày càng hoàn thiện. Để đáp ứng những đòi hỏi của một nền nông nghiệp tiên tiến, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững,

Máy cấy trên cánh đồng lớn ở Ý Yên (Nam Định).

Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản; hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP; phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tích tụ, tập trung ruộng đất làm cánh đồng lớn; chính sách ưu đãi thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại ở nông thôn... Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh đầu tư đối tác công tư; tạo môi trường thuận lợi để động viên doanh nghiệp đầu tư phát triển dịch vụ kinh doanh và chế biến nông sản.

Đến nay, thông qua các chương trình, hình thức đào tạo nghề cho nông dân, Nam Định đã đào tạo được hơn 12 nghìn lao động nông nghiệp; trong đó có hơn 600 lao động sau đào tạo đã có sản phẩm được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu. Đã có 84 HTX ngành nông nghiệp áp dụng quy trình sản xuất chung; 20 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; 64 HTX đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp; 43 HTX với 83 sản phẩm thuộc sở hữu của HTX được công nhận sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3 sao trở lên; 30 HTX đầu tư máy móc, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản…

Toàn tỉnh Nam Định có trên 100 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có một số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, thủy sản như: Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên); Công ty TNHH Chăn nuôi Phú Lộc (Xuân Trường); Công ty TNHH Nuôi trồng và chế biến thủy sản Liên Phong (Giao Thủy)… Nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp được đầu tư về kỹ thuật công nghệ có hàm lượng khoa học công nghệ cao đã khẳng định được vị trí trên thị trường trong và ngoài nước như: ngao sạch Lenger, gạo sạch Toản Xuân, chả cá Hùng Vương; nước mắm Ninh Cơ; giò 7 phút Nam Phát; sứa Tân Long…

Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường liên kết và chuyển giao công nghệ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp; nâng cao năng lực tiếp thu, làm chủ công nghệ của doanh nghiệp, HTX và người dân. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, tạo việc làm mới góp phần tăng thu nhập cho lao động nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Từng bước đưa mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh. Hỗ trợ doanh nghiệp khai thác, tận dụng tốt các cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước tham gia các Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, nhất là các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/nam-dinh-tao-nguon-luc-cho-phat-trien-nong-nghiep-nong-thon-ben-vung-85768.html