27/01/2025 | 11:19 GMT+7, Hà Nội

Năm 2022, “cò” đất hết cửa tạo “sóng”?

Cập nhật lúc: 04/01/2022, 06:18

Một số chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản nhận định, các cơn “sốt” đất sẽ khó xuất hiện trong năm 2022.

Năm 2021, thị trường bất động sản Việt Nam có rất nhiều biến động, trong đó, vấn đề “nóng” nhất chính là hiện tượng “sốt” đất xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Đã có thời điểm, các địa phương không có thế mạnh về bất động sản như Quảng Trị, Bình Phước hay Phú Thọ cũng xuất hiện các đợt “sốt” đất, với mức tăng gấp đôi, gấp ba chỉ trong vài ngày.

Ngay sau các cơn “sốt” đất bất thường trong năm 2021, rất nhiều ý kiến đánh giá đây chỉ là chiêu trò “thổi giá” đất nhằm đầu cơ, trục lợi, gây tình trạng “sốt ảo”, tạo nhiều bức xúc trong dư luận, làm méo mó thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước và gây thiệt hại cho người dân và xã hội.

Tuy nhiên, một số chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản nhận định, các cơn “sốt” đất sẽ khó lòng xuất hiện trong năm 2022. Thứ nhất, các nhà đầu tư đã có sự cảnh giác, sau hàng loạt vụ việc liên quan tới các cơn “sốt” đất ảo xuất hiện.

Năm 2022,“cò đất hết cửa tạo sóng?
Năm 2022,“cò đất hết cửa tạo sóng?

Thứ hai, Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng đã có nhiều giải pháp mạnh tay, để ngăn chặn triệt để tình trạng này. Điều này sẽ khiến giới “cò” đất hết cửa tạo “sóng”.

Chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định, về cơ bản giai đoạn khó khăn nhất của thị trường đã qua, khả năng năm 2022 sẽ lạc quan hơn khi các hoạt động kinh tế phục hồi trở lại.

Ông nhấn mạnh, "sóng" bất động sản khó đứng yên, sẽ nhấp nhô nhưng biên độ lớn hay nhỏ thì khác nhau. Năm 2021 được đánh giá là biên độ tương đối lớn do quy hoạch, xuất hiện thông tin đồn thổi, thổi giá.

Tuy nhiên sang năm 2022, những vấn đề này kỳ vọng được kiểm soát tốt hơn. Trong khi đó các nhà đầu tư cũng ngày càng thông thái hơn…Do đó, thị trường trong năm tới có thể vẫn xuất hiện một số đợt điều chỉnh giá nhà đất nhưng không mạnh và không đột biến như các năm trước đó.

Đồng tình với quan điểm này,  ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty Tư vấn kinh doanh hội nhập Toàn Cầu (GIBC) đánh giá, năm 2022 chủ yếu có vấn đề nổi cộm là gỡ vướng pháp lý cho các chủ đầu tư. Tín hiệu để tạo ra một cơn sốt ở góc độ đầu tư vào năm sau tôi thấy không rõ ràng. Do đó sẽ khó xảy ra những cơn sốt do đầu cơ thổi giá, bơm giá,..

Ông cũng cho biết, các đợt tạm gọi là "sốt giá" đầu năm 2021 là do các thông tin về thị trường, nguồn cung, quy hoạch, sự thay đổi của điều kiện hạ tầng,...

“Những lý do này đều đã được gợi mở trong năm 2021. Đơn cử như kế hoạch phát triển hạ tầng hiện nay đã được công bố và trong năm 2022 rất khó có những điểm nóng để tạo ra sốt đất”, ông Nghĩa dự đoán. 

Trong khi đó, TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng nhận định, nguồn cung trên thị trường sụt giảm mạnh bởi dịch bệnh và chính sách chưa được tháo gỡ triệt để. Trong khi đó, nhu cầu về bất động sản lớn nhưng do ảnh hưởng bởi dịch nên giao dịch trên thị trường thường xuyên đối mặt với tình trạng đứt gãy, gián đoạn.

Rõ ràng, với kịch bản nguồn cung sản phẩm còn tiếp tục khan hiếm, lực cầu vẫn tốt, cộng hưởng lực đỡ từ nhà đầu tư F0, sự nóng lên của thị trường bất động sản trong giai đoạn tới như dự báo nhiều khả năng là có cơ sở.

"Sang năm 2022, xu hướng giá bất động sản có thể tiếp tục tăng ở mức cao vì nguồn cung yếu do thủ tục đầu tư vẫn chưa được tháo gỡ triệt để và lực cầu đang được duy trì, thậm chí có thể mạnh hơn", ông Đính nhận định.

Nguồn: https://congluan.vn/nam-2022-co-dat-het-cua-tao-song-post175576.html