10 sự kiện nổi bật của thị trường BĐS 2021
Cập nhật lúc: 31/12/2021, 15:45
Cập nhật lúc: 31/12/2021, 15:45
Reatimes xin điểm lại những vấn đề, sự kiện bất động sản nổi bật nhất trong năm 2021.
Sự ra đời và phát triển mạnh mẽ của công nghệ BĐS
Khi dịch Covid-19 đã, đang và vẫn đang tác động tiêu cực đến thị trường thì việc áp dụng công nghệ, chuyển đổi số được xem là giải pháp cần thiết giúp thị trường bất động sản phát triển linh hoạt và bền vững.
Thực tế, trước đó, bất động sản là lĩnh vực có những bước chuyển đổi số khá chậm so với các lĩnh vực khác, một phần là do phần lớn các thông tin thị trường không được công bố rộng rãi và lưu trữ theo quy trình đồng bộ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, các giải pháp đột phá từ những doanh nghiệp bất động sản đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong ngành bất động sản. Những mô hình, sản phẩm, dịch vụ và giải pháp mới được xây dựng dựa trên công nghệ đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam.
Đặc biệt, đại dịch đã làm bùng nổ các hình thức bán online bất động sản. Các doanh nghiệp bất động sản từ chủ đầu tư đến sàn môi giới đều đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ vào kinh doanh bất động sản. Thị trường bất động sản dần làm quen với các nền tảng thông tin bất động sản trực tuyến, hoạt động xem nhà thông qua công nghệ thực tế ảo (VR).
Các giải pháp smarthome, công nghệ nhà “không chạm” hay thậm chí là một nền giao dịch bất động sản với toàn bộ hành trình giao dịch đều được thực hiện online... Đây được coi là giải pháp hữu hiệu nhất ở thời điểm dịch bệnh vô cùng phức tạp.
VNREA tổ chức các hội thảo tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS
Theo thông tin từ cuộc họp báo định kỳ của Chính phủ, từ đầu tháng 11/2021, một số địa phương sẽ triển khai đón khách du lịch quốc tế. Đây là giai đoạn 1 mang tính thí điểm nhằm tiến tới giai đoạn 3 mở cửa lại hoàn toàn với thị trường khách du lịch quốc tế.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, nếu như nhiều địa phương nước ta xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì với rất nhiều địa phương, đô thị lớn của nước ta bất động sản cũng đóng vai trò rất quan trọng với nền kinh tế cả nước. Bắt nhịp cùng ngành du lịch, thị trường bất động sản du lịch cũng đang được các dự báo sẽ khởi sắc.
Cùng với sự khởi sắc, thị trường bất động sản du lịch cũng được nhìn nhận đang có nhiều rào cản vướng mắc liên quan đến chính sách pháp luật như: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Hướng đến tháo gỡ câu chuyện này, ngày 16/11, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) phối hợp với Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề: “Chính sách, pháp luật về bất động sản du lịch – Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam”.
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Xây dựng, Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh; các Đại biểu Quốc hội; các đối tác quốc tế: Hiệp Hội Bất động sản Hoa Kỳ (NAR); Hiệp hội Bất động sản Singapore; Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham); Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham); Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam (AusCham); Trung tâm Nghiên cứu Bất động sản Thái Lan; Hiệp hội Môi giới Bất động sản Indonesia…; cùng hơn 50 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản, kinh tế, tài chính, pháp lý… trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường bất động sản phục hồi hậu Covid-19, nhận thấy còn nhiều trở ngại và lực cản đang kìm hãm sự phát triển của thị trường và doanh nghiệp, nhất là về chính sách, pháp lý và tài chính, được sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Xây dựng, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức Hội thảo: “Một số kiến nghị và giải pháp tháo gỡ khó khăn để phục hồi thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay”.
Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) và Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) là đơn vị tổ chức Hội thảo. Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên - Môi trường và lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương; Hiệp hội Bất động sản; các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực kinh tế, bất động sản, pháp lý như: TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia; ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội...
Sau các hội thảo, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có báo cáo kiến nghị gửi Bộ Xây dựng, Chính phủ, Quốc hội cùng các cơ quan có liên quan để góp phần tháo gỡ vướng mắc, rào cản cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Hộ chiếu vaccine và những kỳ vọng phục hồi thị trường BĐS du lịch nghỉ dưỡng
Năm 2020 và 2021 thực sự là 2 năm đáng quên của thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Giao dịch đóng băng và số lượng nguồn cung ra ngoài thị trường sụt giảm mạnh, Sự nghi ngờ về tiềm năng của dòng sản phẩm rất hot vào những năm 2016 - 2018 lên cao, đặc biệt dịch bệnh lan nhanh không chỉ xảy ra ở Việt nam mà ở cả các quốc gia khác trên thế giới.
Với độ dài bờ biển hơn 3.000km, Việt Nam có đầy đủ cơ sở để có thể phát triển mạnh về dòng sản phẩm này và tương lai khi các quỹ đất trung tâm hạn chế các chủ đầu tư đã và đang tìm các vị trí đẹp ở các bờ biển để phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Trước những tiềm năng lớn, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng rất cần những chiến lược để hồi phục trong bối cảnh dịch.
Theo đó, việc chấp nhận đón khách du lịch có “hộ chiếu vắc-xin” được xem như bước chuyển quan trọng trong chiến lược “sống chung” với Covid-19 và nhanh chóng giúp ngành công nghiệp du lịch, nghỉ dưỡng hồi sinh.
Ngày 20/11/2021, Phú Quốc thí điểm thành công “hộ chiếu vắc-xin” nhằm từng bước phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế, khôi phục lại các hoạt động du lịch và ngành kinh tế, dịch vụ có liên quan, và sau lần thí điểm này gần 200 chuyến bay tiếp theo đã được book kín, điều này có tác động tích cực lên thị trường nghỉ dưỡng vốn đã đóng băng sau nhiều scandal về pháp lý, vận hành và cú "knockout" mang tên Covid-19.
Sau Phú Quốc, một số địa phương như Khánh Hoà, Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng cũng lên phương án đề xuất thí điểm "hộ chiếu vắc-xin" để đón khách du lịch nhằm khôi phục thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng của địa phương.
Sốt đất nền trên diện rộng
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hiện tượng giá đất tăng xuất hiện tại nhiều địa phương và tạo ra những cơn sóng sốt đất khó tin.
Những tháng đầu năm 2021, thị trường bất động sản Việt Nam chứng kiến hàng loạt cơn sốt đất trải rộng trên nhiều tỉnh thành như: Hà Nội (các huyện Đông Anh, Đan Phượng, Thạch Thất), Hải Phòng (huyện Thủy Nguyên), Bắc Ninh (thị xã Từ Sơn), Ninh Bình (huyện Gia Viễn), Thanh Hóa (huyện Quảng Xương), Bình Phước (huyện Hớn Quảng), TP.HCM (TP. Thủ Đức)... Giá đất tại các địa phương bị “thổi” lên khá cao.
Đơn cử, tại Hà Nội, bình quân giá đất các huyện, thị xã như Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên tăng khoảng 20 - 30%, cá biệt Ba Vì tăng tới 45%.
Đáng chú ý, cụm từ sân bay Hớn Quản-Tecnic gây sốt không chỉ giới đầu tư ở TP.HCM, Bình Dương Đồng Nai mà còn cả các nhà đầu tư đến từ phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng… hàng chục xe ô tô nối tiếp nhau về Bình Phước tạo ra cơn sốt chưa từng xảy ra, giá đất tăng lên hàng giờ, hàng ngày và kéo theo các nhà đầu tư đi về đây săn lùng cả đất rừng, nông nghiệp chờ cơ hội tăng giá.
Kịch bản sốt đất tiếp tục lặp lại vào cuối năm khi từ giữa tháng 11/2021 xảy ra tình trạng sốt đất ở khu vực vùng ven và lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, giá đất lại rục rịch dậy sóng. Báo cáo từ Bộ Xây dựng cũng khẳng định, giá đất các tỉnh như Hòa Bình tăng 46%; Bắc Giang, Bắc Ninh tăng 20%; Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên là 26%...
Sự trỗi dậy của BĐS vùng ven
Trào lưu “bỏ phố về quê” hay “bỏ phố lên rừng” xuất hiện từ vài năm trước, tuy nhiên đến khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xu hướng này mới bùng nổ, nhiều người ở thành thị đổ về các tỉnh lân cận để tìm mua đất làm nhà vườn.
Theo đó, thị trường bất động sản cũng chứng kiến xu hướng mới của các nhà đầu tư và đầu tư nhỏ lẻ dịch chuyển về vùng ven. Các nhà đầu tư và cả các hộ gia đình có nhu cầu mua để ở đã có xu hướng giãn ra các vùng quê, các vùng đồi núi để tìm mua những mảnh đất nông nghiệp, đất thổ cư với giá rẻ để có thể định cư hoặc với mục đích đầu tư lâu dài.
Những điểm sáng trong trào lưu này có thể kể đến như: Lâm Đồng, Hoà Bình… với dòng tiền kỷ lục được đổ vào đầu tư, khiến đất nông nghiệp bỗng dưng đắt hàng, tăng giá trong thời gian vừa qua. Đơn cử như, đất nông nghiệp ở các khu vực gần TP.HCM như Biên Hòa, Nhơn Trạch (Đồng Nai), đều lên rất cao, khoảng 2 - 2,5 tỷ đồng/m2.
Tương tự, những khu đất có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tại khu vực ven Hà Nội như tại Ba Vì, Hòa Lạc, Sóc Sơn, Quốc Oai, Sơn Tây, Xuân Mai… vẫn được nhiều người quan tâm, tìm kiếm thông tin để mua. Giá đất ven đô làm homestay trong quý III/2021 cũng ghi nhận tăng 7% so với thời điểm trước dịch.
BĐS Công nghiệp tỏa sáng trong bối cảnh Covid-19
Theo ghi nhận từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài phức tạp, một số khu công nghiệp tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương… trở thành ổ dịch phức tạp, thậm chí một số nhà máy phải tạm đóng cửa, gây không ít lo ngại về kịch bản bất động sản công nghiệp có thể diễn biến theo chiều hướng xấu. Song thực tế, làn sóng dịch Covid-19 không làm thay đổi sức nóng của bất động sản công nghiệp. Phân khúc này vẫn ghi nhận nhiều chỉ số tích cực và tiếp tục là phân khúc hấp dẫn.
Tỷ lệ lấp đầy ở khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc khá cao: Tại Bắc Ninh lên đến 95%, Hà Nội là 90%, Hưng Yên là 89%, Hải Phòng là 73%. Ở phía Nam, tỷ lệ lấp đầy tại TP.HCM là 88%, Bình Dương 99%, Đồng Nai 94%...
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản công nghiệp cũng chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ về nguồn cầu tại nhiều tỉnh, thành phố, tiêu biểu như: Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang… những nơi vẫn còn nhiều quỹ đất lớn để phát triển.
Báo cáo từ Bộ kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, tính đến tháng 9/2021, cả nước có có 563 Khu công nghiệp nằm trong Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 210,9 nghìn ha, chiếm khoảng 0,6% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước và 4,1% tổng diện tích đất phi nông nghiệp trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2016 - 2020.
Trong đó có 397 khu công nghiệp đã được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 122,9 nghìn ha. Diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 82,6 nghìn ha, chiếm khoảng 67,2% diện tích đất tự nhiên.
Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các khu công nghiệp đạt khoảng 43,3 nghìn ha. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2021, các khu công nghiệp thuê trên cả nước đã cho thuê thêm khoảng 520ha so với cuối năm 2020.
Doanh nghiệp BĐS ồ ạt phát hành trái phiếu
Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam vừa công bố báo cáo Trái phiếu doanh nghiệp phát hành tháng 11, trong đó doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản dẫn đầu về giá trị với 8.476 tỷ đồng, chiếm 42% tổng giá trị phát hành của tháng. Đáng chú ý có khoảng 59% trái phiếu phát hành bảo đảm bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm.
Luỹ kế 11 tháng đầu năm, nhóm bất động sản cũng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 187.160 tỷ đồng, chiếm 38%, trong đó có khoảng 30% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu, tỷ lệ này có xu hướng tăng lên so với tháng trước. Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 4,5 - 13%/năm.
Đợt phát hành có giá trị lớn nhất đến từ Công ty CP Vinhomes 2.090 tỷ đồng với trái phiếu phát hành ra công chúng có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 9,2%/năm cho 4 kỳ đầu tiên và thả nổi ở các kỳ sau với lãi suất tham chiếu là lãi suất tiết kiệm tiền đồng 12 tháng của 4 ngân hàng Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV.
Hay trong quý III/2021, các doanh nghiệp có giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn có thể kể đến như Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova (6.885 tỷ đồng), Công ty CP Osaka Garden (6.800 tỷ đồng)…
Mới nhất, hồi đầu tháng 11/2021, lần đầu tiên Công ty CP Crystal Bay phát hành thành công 4,5 triệu trái phiếu mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, thu về 450 tỷ đồng. Lô trái phiếu có kỳ hạn 3 năm từ 5/11/2021 đến 5/11/2024 với lãi suất cố định 9,5%/năm.
Sự sôi động trên thị trường trái phiếu bất động sản năm 2021 cho thấy nhu cầu vốn dài hạn cho các dự án là rất lớn trong bối cảnh tiếp cận vốn vay ngân hàng không hề dễ.
Giới chuyên gia cũng nhận định, trái phiếu bất động sản là một kênh đầu tư của cả cá nhân và tổ chức với mức lãi suất tương đối hấp dẫn nhất là trong bối cảnh nguồn vốn từ ngân hàng đang thắt chặt và những khó khăn từ dịch Covid-19. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam đã huy động vốn qua kênh trái phiếu quá nhiều, trong khi thị trường trái phiếu Việt Nam chưa trưởng thành; chưa có cơ quan độc lập đánh giá xếp hạng tín nhiệm trái phiếu; thông tin tới nhà đầu tư chưa minh bạch, rõ ràng sẽ dẫn đến rất nhiều rủi ro.
Giá nhà 2021 liên tục tăng
Năm 2021, thị trường bất động sản xuất hiện nhiều căn hộ, dự án có giá cao kỷ lục. Đáng chú ý, có cả hiện tượng chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại giá vừa túi tiền “đẩy giá” lên thành nhà trung cấp.
Nhu cầu nhà ở lớn trong khi nguồn cung quỹ đất ngày một hạn hẹp cùng với những tác động tiêu cực sau mỗi đợt “sốt nóng” đã đẩy giá bất động sản ở các thành phố liên tục tăng cao.
Ngay cả trong thời điểm dịch bệnh kéo dài, giá bất động sản cũng không hề có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí còn tăng không ngừng qua các kỳ thống kê.
Cụ thể, quý I/2021, Bộ Xây dựng nhận xét, giá căn hộ chung cư tại các địa phương có xu hướng tăng đều theo tháng. Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội tăng do khan hiếm nguồn cung. Mức tăng giá bình quân khoảng 5 - 10% so với quý cuối năm ngoái.
Sang quý II/2021, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, giá giao dịch tại hầu hết địa phương vẫn có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm 2020. Nguồn cung vẫn tập trung chủ yếu là nhà ở trung cấp và cao cấp, nguồn cung nhà ở xã hội và giá thấp còn rất hạn chế. Trong đó, giá giao dịch căn hộ chung cư bình quân, đặc biệt tại Hà Nội vẫn tăng khoảng 5 - 7% so với quý I.
Sang quý III/2021, số lượng giao dịch giảm nhưng giá vẫn tiếp tục tăng. Do ảnh hưởng của Covid-19 nghiêm trọng trong quý này với việc giãn cách toàn thành phố trong vòng 2 tháng, số lượng căn bán được giảm mạnh song giá bán căn hộ vẫn tăng. Số liệu đưa ra cho thấy, giá bán sơ cấp trung bình căn hộ đạt 1.650 USD/m2, tăng 9,3%, chủ yếu do sự bổ sung các dự án chất lượng cao vào giỏ hàng sơ cấp trong khi các dự án giá thấp đã bán hết. Dự kiến đến hết năm 2021, giá nhà vẫn không giảm.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhiều lần chia sẻ trong các hội thảo, toạ đàm là một trong những nguyên nhân tăng giá căn hộ đến từ việc khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao. Cùng với đó, giá nhà tại các địa phương, khu vực tăng có thể do nguyên nhân khác như điều chỉnh địa giới hành chính, quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng…
Nghị định 49/2021/NĐ-CP về nhà ở xã hội và chiến lược phát triển nhà ở công nhân, nhà ở giá rẻ
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thể hiện sự nỗ lực trong việc tạo dựng nhà ở xã hội cho các đối tượng có thu nhập thấp, gặp khó khăn về chỗ ở trong xã hội, một trong số đó không thể không nhắc tới việc ban hành Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Sau hơn 5 năm triển khai, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP đã đạt nhiều kết quả quan trọng, khẳng định chủ trương đúng đắn của Nhà nước về an sinh xã hội, đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Mặc dù mang lại không ít kết quả tích cực, tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tế thì Nghị định này vẫn tồn tại một số bất cập, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ với pháp luật liên quan, cũng như phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước.
Chính vì vậy, ngày 01/4/2021 Nghị định 49/2021/NĐ-CP được ban hành và hiệu lực ngay từ ngày ký với nhiều điểm mới nhằm khắc phục, giải quyết những tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình thực thi Nghị định 100/2015/NĐ-CP, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư tham gia xây dựng dự án nhà ở xã hội và người mua nhà.
Điển hình là các nội dung như: Quy định cụ thể về trình tự, thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, khắc phục quy định về cách tính quỹ đất 20%, bổ sung quy định tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội và điều chỉnh về chính sách vay vốn ưu đãi…
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, điều nuối tiếc nhất của Nghị định 49/2021/NĐ-CP ra đời vẫn chưa xử lý triệt để bất cập về quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị. Nghị định 49/2021/NĐ-CP có quy định về việc dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có diện tích từ 2ha/5ha (trước kia là 10ha) trở lên phải dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội, điều này đã dẫn đến nhiều tranh cãi cũng như những bất cập, khó khăn.
Đối với chủ đầu tư, việc buộc phải dành 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội sẽ khiến cho kiến trúc, cảnh quan, không gian chung của cả dự án không đồng bộ, thiếu mỹ quan, giảm phần nào sức hút của dự án theo từng phân khúc khách hàng chủ đầu tư hướng đến.
Với người mua nhà ở xã hội, tính “xã hội” sẽ bị giảm đi rất nhiều nếu họ mua nhà ở xã hội trong các dự án có 20% tổng diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội, rõ ràng với dự án nhà ở thương mại, khu đô thị ở phân khúc cao hơn nhu cầu của họ, các vấn đề về thuế, phí dịch vụ khi sinh sống sẽ là một gánh nặng không nhỏ cho họ trong quá trình sinh sống tại dự án…
Bên cạnh câu chuyện nhà ở xã hội thì dịch Covid-19 cũng nảy sinh những bất cập về nhà ở giá rẻ, nhà cho công nhân, người lao động định cư tại các thành phố lớn. Dịch bệnh khiến các khu công nghiệp trở thành ổ dịch lớn buộc phải phong tỏa, cách ly trong thời gian dài.
Theo đó nhiều công nhân, người lao động, phải “giam mình” trong những phòng trọ chật chội, thu nhập bị đứt quãng do không được làm việc. Sau thời gian dài giãn cách, không còn trụ vững, hàng loạt lao động “bỏ phố về quê”. Theo ước tính của Tổng Cục Thống kê, có ít nhất 1,3 triệu lao động đã “hồi hương” trong và sau làn sóng Covid-19 lần thứ 4.
Trong bối cảnh này, việc đặt ra mục tiêu “Xây 1 triệu nhà ở giá rẻ cho công nhân, người thu nhập thấp” của lãnh đạo TP.HCM là điểm sáng cho thấy sự quyết liệt của chính quyền thành phố trong việc giải bài toán an sinh xã hội cho người thu nhập thấp.
Như vậy việc ban hành quy định mới về nhà ở xã hội đầu năm và những chủ trương, mục tiêu về nhà ở công nhân, nhà ở giá rẻ cuối năm sau cuộc đại di cư của làn sóng Covid-19 lần thứ 4 càng cho thấy mục tiêu phát triển nhà ở xã hội và những chính sách thiết thực cho nhà ở công nhân là mục tiêu trọng tâm trong thời gian tới. Bởi chỉ khi có nơi an cư ổn định với chất lượng sống tốt, những người ở các địa phương mới có cơ hội đóng góp, học tập, làm việc, cống hiến cho sự phát triển của thành phố lớn, xa hơn và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
M&A BĐS diễn ra mạnh mẽ
Tác động của Covid-19 đã tạo ra cơ hội mới để các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mở cuộc săn lùng các dự án và xuất hiện ngày càng nhiều những thương vụ sang nhượng quỹ đất quy mô lớn, nói không nhầm thì sau rất lâu thị trường mới có cơn kìm giá để các thương vụ liên tục xảy ra đan xen trong các đợt dịch Covid-19.
Thay vì trước đây các cuộc M&A diễn ra mạnh ở nhóm các đối tác nước ngoài thâu tóm các khu đất vàng, đất ven biển của Việt Nam thì "gió đã đổi chiều" trong cuộc đua M&A 2021 với sự trỗi dậy rất mạnh mẽ của nhóm các doanh nghiệp trong nước với hàng loạt vụ thâu tóm đất có giá trị.
Điển hình là, Vinhome hoàn tất thương vụ thâu tóm Khu đô Thị Đại An 300ha tại Hưng Yên; Nam Long mua lại 100% dự án Izumi Đồng Nai từ Kepple Land; Masterise Home nhận chuyển nhượng dự án 7ha tại Vinhome Grand Park; Phát Đạt Group hoàn tất chuyển nhượng Bình Dương Tower…
Theo các chuyên gia, đến thời điểm hiện tại, thị trường còn khá cẩn trọng, nhưng các hoạt động M&A tại Việt Nam đang có vị thế tốt để phục hồi. Sức cầu bị dồn nén có khả năng sẽ đưa thị trường M&A bật trở lại khi niềm tin tiêu dùng và niềm tin của các nhà đầu tư được cải thiện với các thông tin mới về việc phát triển vắc-xin ngừa và thuốc điều trị Covid-19. Năm 2022 dù còn nhiều khó khăn, thách thức đón chờ trước mắt, nhưng hoạt động M&A sẽ bùng nổ.
Nguồn: https://reatimes.vn/10-su-kien-noi-bat-cua-thi-truong-bat-dong-san-2021-20201224000009129.html
06:04, 24/12/2021
10:51, 13/12/2021
08:15, 09/12/2021