21/11/2024 | 16:43 GMT+7, Hà Nội

Muốn giải bài toán tín dụng đen cần phát triển cho vay tiêu dùng

Cập nhật lúc: 06/03/2019, 00:56

“Để giải quyết tín dụng đen thì giải pháp quan trọng đầu tiên là phải tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân và doanh nghiệp”, chuyên gia Cấn Văn Lực nhận định.

Theo nguồn tin từ Bộ Công an, từ năm 2015-2018, toàn quốc đã xảy ra hơn 7.600 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen. Trong đó có nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm, hủy hoại tài sản khiến nhiều người bàng hoàng.

Những con số về tín dụng đen được công bố càng trở nên nhức nhối khi những ngày đầu năm 2019, những thông tin liên quan đến đường dây cho vay nặng lãi Nam Long liên tục được công bố.

7 đối tượng cầm đầu băng nhóm tín dụng đen Nam Long bị bắt giữ

Đáng chú ý nhất là việc đường dây cho vay “chợ đen” này có mức lãi suất lên tới hơn 1.000%/năm. Điều này có nghĩa là, chỉ sau 1 năm, tiền lãi mà khách hàng phải trả cao gấp hơn 10 lần tiền vốn vay ban đầu.

Không những vậy, hàng loạt hệ lụy nhãn tiền đi kèm mà công ty này không ngần ngại áp dụng đối với cả khách hàng và nhân viên của mình khi không trả tiền đúng hạn như đe dọa, khủng bố tinh thần, đánh đập, thậm chí là tra tấn đến chết khiến nhiều người không khỏi rùng mình.

Chỉ riêng một mình Nam Long đã có “doanh thu” khủng lên tới 500 tỷ đồng trong khi cả nước có tới hàng nghìn tụ điểm có hoạt động tương tự ở khắp các tỉnh thành là con số đáng giật mình.

Bộ Công an cho biết, hiện Bộ đang đấu tranh với 124 băng nhóm, 831 đối tượng hoạt động có tổ chức liên quan đến cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê.

Chia sẻ câu chuyện của mình, anh M.Tùng (22 tuổi, ở Hưng Yên) cho hay: “Tôi đã từng có ý định vay “chợ đen” để mua một chiếc xe máy làm phương tiện đi làm. Tuy nhiên, sau đó nhờ được tư vấn cặn kẽ, tôi đã chọn hình thức vay trả góp trực tiếp ở cửa hàng xe máy. Bây giờ, khi đọc những thông tin về công ty Nam Long, tôi thấy mình đã lựa chọn thật sáng suốt”.

Trước đó, anh Tùng mới tốt nghiệp cao đẳng được gần 6 tháng và vừa xin vào làm kỹ sư công nghệ thông tin một nhà máy ở Hưng Yên. Tuy nhiên, do nhà anh cách xa nơi làm việc hơn 20km, nếu không có phương tiện đi lại sẽ rất khó khăn. Chính vì vậy, việc mua một chiếc xe máy mới là rất cần thiết.

Anh Tùng cho biết thêm, khi mua xe, anh chỉ phải trả trước 50% giá trị, số tiền còn lại anh trả dần trong 12 tháng với mức lãi suất khoảng 25%/năm.

Để giải quyết tín dụng đen thì giải pháp quan trọng đầu tiên là phải tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân và doanh nghiệp

“Mức lãi suất này mới nghe thì khá cao, tôi cũng chần chừ nhiều trước khi quyết định. Nhưng sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, tôi nhận thấy với khoản vay 20 triệu đồng, mỗi tháng tôi chỉ phải trả 2,1 triệu đồng, tương đương 20% thu nhập nên rất dễ dàng và không ảnh hưởng đến cuộc sống. Hơn nữa, phần chênh lệch khoảng 430.000 đồng/tháng so với việc thanh toán toàn bộ tiền ngay lập tức là rất hợp lý, thậm chí là rẻ vì ngay khi ký hợp đồng tôi đã có xe để sử dụng chứ không phải chờ đến khi trả hết tiền”, anh Tùng tiết lộ.

Thực vậy, nếu chỉ nhìn vào mức lãi suất hiện đang phổ biến ở mức 20-30%/năm của hình thức cho vay tiêu dùng, nhiều người sẽ cảm thấy e ngại vì mức lãi suất này khá cao. Tuy nhiên, mức lãi suất này cũng chỉ tương đương với hình thức vay qua thẻ vốn đi kèm nhiều quy định chặt chẽ của các ngân hàng như phải chứng minh được thu nhập, phải có hồ sơ tín dụng tốt,...

Còn nếu so sánh với tín dụng đen thì lãi suất cho vay tiêu dùng rõ ràng là thấp hơn rất nhiều.

Hơn thế nữa, trong khi tín dụng đen hoàn toàn nằm ngoài vòng pháp luật mà mỗi giao dịch chỉ được ghi chép bằng vài dòng mật mã và được “đảm bảo” bằng danh dự, sức khỏe, thậm chí tính mạng của người đi vay thì cho vay tiêu dùng được quy định bằng hợp đồng có tính pháp lý rõ ràng, minh bạch nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người đi vay.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tín dụng đen phát triển phức tạp như hiện nay là nhu cầu về vốn của người dân, doanh nghiệp chưa được đáp ứng nên họ buộc phải tìm đến hình thức ngoài vòng pháp luật này.

Nhận định về vấn đề này, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng: “Để giải quyết tín dụng đen thì giải pháp quan trọng đầu tiên là phải tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân và doanh nghiệp”.

Trong đó, nếu như ngân hàng hướng tới các khoản cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh hay vay tiêu dùng có giá trị lớn thì các công ty tài chính (CTTC) lại tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ - đối tượng chính của giới tín dụng đen.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù thời gian các CTTC hoạt động tại Việt Nam đã bước sang năm thứ 11 nhưng lĩnh vực này vẫn đang bị đánh giá là phát triển dưới mức tiềm năng khi mới chỉ có 16 CTTC được đăng ký chính thức và chỉ chưa đầy một nửa trong số đó thực sự có hoạt động. Số lượng khách hàng khoảng 30 triệu và quy mô khoảng 1 triệu tỷ đồng cũng bị coi là chỉ đáp ứng chưa đầy một nửa nhu cầu về vốn tiêu dùng của người dân trong nước.

Bàn về thực trạng này, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho hay, các nguyên nhân chính cần được giải quyết bao gồm hành lang pháp lý chưa đồng bộ, nhất quán, khắt khe, không theo kịp sự phát triển thực tế gây hạn chế đối với các CTTC; Thủ tục còn phức tạp và thủ công; Các công cụ hỗ trợ như chấm điểm tín dụng chưa phát huy hết ưu điểm,…

Từ đó, có thể thấy, việc giải bài toán tín dụng đen là một việc làm không hề dễ dàng, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng nhưng cũng không phải là không thể tháo gỡ mà nút thắt đầu tiên chính là hoàn thiện hành lang pháp lý cho các CTTC phát triển mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp.