Đẩy lùi tín dụng đen bằng cách thúc đẩy thị trường cho vay tiêu dùng
Cập nhật lúc: 27/02/2019, 06:00
Cập nhật lúc: 27/02/2019, 06:00
Anh L.M.T., quê Phú Thọ làm thầu xây dựng đã nhiều năm đã chia sẻ câu chuyện có thật của mình với báo chí. Do đặc thù công việc nên anh thường phải có khoản tài chính dồi dào nhưng giống như bao người khác, anh cũng khó tránh khỏi trường hợp dòng tiền bị nghẽn.
Anh T. cho biết, Tết vừa rồi, để huy động gấp tiền, anh đã phải vay nóng hơn 40 triệu đồng với mức lãi là 10.000 đồng/triệu/ngày. Như vậy có nghĩa là, mỗi sáng thức dậy, anh phải trả khoản lãi là 400.000 đồng.
Với mức trên, lãi suất mỗi tháng anh phải trả là 30% và 360%/năm, cao gấp vài chục lần lãi suất ngân hàng hiện tại.
Tuy nhiên, anh T. cho vay, mức vay “nóng” đó của anh là khá hữu nghị và thường chỉ dành cho khách quen. Vào lúc sát Tết, tiền khan, lãi suất thường lên tới 15.000 đồng/triệu/ngày hay thậm chí là 20.000 đồng/triệu/ngày. Điều này đồng nghĩa với việc, khách đi vay phải chấp nhận khoản lãi lên tới 45%-60% một tháng, tương đương 540%-720%/năm.
Nhắc đến tín dụng đen, nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng với câu chuyện rúng động vào cuối năm 2018 khi cơ quan công an công bố vừa triệt xoá tổ chức tín dụng đen hoạt động tại 63 tỉnh thành có tên Công ty tài chính Nam Long. Đây là công ty chuyên thực hiện giao dịch cho vay với lãi suất "cắt cổ", có khách hàng phải trả "lãi mẹ, lãi con" lên tới hơn… 1.000% một năm.
Tổng số tiền giao dịch tại công ty ước hơn 510 tỷ đồng. Khi các con nợ chậm trả, nhóm này sẽ hành hung, đe dọa và cưỡng đoạt tài sản có giá trị gấp nhiều lần số tiền vay.
Gần đầy, hồi tháng 1 vừa rồi, 300 cán bộ, chiến sỹ công an Thanh Hóa đã khám xét 5 công ty có hoạt động tín dụng đen và phát hiện, từ năm 2016 đến nay, đã có gần 7.000 người dân vay tiền của các công ty trên với tổng số tiền hơn 74 tỷ đồng.
Bộ Công an cho biết, trong khoảng 4 năm gần đây, trên toàn quốc xảy ra khoảng 7.624 vụ phạm tội liên quan đến "tín dụng đen", trong đó có 56 vụ giết người và hàng trăm vụ cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, lừa đảo…
Từ những vụ việc gây chấn động dư luận trên, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa phân tích, Việt Nam hiện có thị trường cho vay tiêu dùng vô cùng nhỏ bé và chính điều này đã khiến tín dụng đen có “đất sống”.
Ông Nghĩa tiết lộ, thống kê tại 16 nước châu Âu cho thấy, cho vay tiêu dùng chiếm tới 70% tổng cho vay của hệ thống ngân hàng, sau đó mới đến tỷ lệ cho vay sản xuất, kinh doanh khoảng 25%.
Theo ông chuyên gia Nghĩa, cách chỉ đạo tín dụng tại Việt Nam hiện vẫn hướng nhiều vào sản xuất, kinh doanh mà chưa thực sự chú ý tới cho vay tiêu dùng.
“Sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đáng ra phải tự lo vốn, chỉ huy động một phần từ ngân hàng nhưng tại Việt Nam thì doanh nghiệp dựa nhiều vào vốn ngân hàng, hay nói cách khác là tay không bắt giặc", ông Nghĩa chỉ rõ.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho biết thêm, các nước Đông Nam Á hay Bắc Á đã từng có một thời như vậy. Dần dần, các nước này đã khắc phục được bằng cách phát triển hệ thống cho vay tiêu dùng chính thống.
Bàn về giải pháp để phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho hay, áp trần lãi suất cho vay tiêu dùng không phải là giải pháp tốt bởi điều này cũng không tạo được thị trường lành mạnh và người vay chưa hẳn có lợi. Hiện theo quy định, hoạt động cho vay của các công ty tài chính được phép thỏa thuận lãi suất. Có như vậy, các công ty tài chính mới thiết kế nhiều sản phẩm cho vay tiêu dùng hữu ích, phù hợp với nhiều đối tượng người dân, giúp họ nâng cao được chất lượng đời sống cá nhân và gia đình.
Đồng quan điểm với ông Bùi Quang Tín, ông Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, lãi suất nên để tự thỏa thuận, mức này có thể cao nhưng nhằm gánh nợ xấu nếu có.
Đồng thời, ông Nghĩa cũng “hiến kế”, để thực sự có thị trường cho vay tiêu dùng hiện đại, các ngân hàng, công ty phải có cơ sở dữ liệu lớn về khách hàng. Việc này không những để phát triển số lượng khách hàng mà còn để quản lý rủi ro và điều này sẽ tạo nên một thị trường bền vững.
19:01, 26/02/2019
06:00, 24/01/2019
13:10, 29/11/2018