18/01/2025 | 11:57 GMT+7, Hà Nội

Giải pháp quan trọng đầu tiên để ngăn chặn tín dụng đen

Cập nhật lúc: 27/02/2019, 01:20

Theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, để giải quyết tín dụng đen thì giải pháp quan trọng đầu tiên là phải tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân và doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê gần đây, thị trường tín dụng tiêu dùng hiện có quy mô hơn 1 triệu tỷ đồng (khoảng 50 tỷ USD) song mới chỉ đáp ứng chưa đến một nửa nhu cầu về vốn của người dân khiến các tổ chức cho vay “chợ đen” phát triển mạnh, gây ra bao hệ lụy ám ảnh mọi người.

Mỗi khi nhắc tới cái tên Nam Long - tổ chức cho vay nặng lãi lớn nhất được triệt phá gần đây, nhiều người không khỏi giật mình. Dù mới chỉ hoạt động khoảng một năm nhưng “Công ty” này đã có quy mô tới hơn 500 tỷ đồng và 26 chi nhánh ở nhiều tỉnh thành.

Băng nhóm tín dụng đen Nam Long bị bắt giữ

Cơ quan công an tiết lộ, mức lãi suất của công ty này có thể lên tới hơn 1.000%/năm. Đi kèm với đó là các hình thức đòi nợ, siết nợ các khách hàng chậm trả nợ, thậm chí là tra tấn dã man con nợ dẫn đến tử vong.

Thực tế cho thấy, không chỉ có riêng Nam Long, các hoạt động tài chính phi pháp, hay còn gọi là tín dụng đen hoạt động mạnh và đa dạng với hàng loạt tụ điểm trải khắp các hang cùng ngõ hẻm với doanh thu khó có thể thống kê cụ thể.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng chỉ rõ: “Đây là vấn đề bức xúc xã hội cần có biện pháp quyết liệt để loại trừ”.

Tại một cuộc họp với báo chí gần đây, Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho hay, hoạt động tín dụng đen gắn với hoạt động tội phạm có tổ chức và được núp dưới dạng các các cơ sở kinh doanh cầm đồ, kinh doanh tài chính, doanh nghiệp công ty…

“Phương thức, thủ đoạn của hoạt động này rất tinh vi, phức tạp, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra, thu thập chứng cứ để xử lý. Trong khi đó, chế tài xử lý đối với những hành vi này cũng chưa tương xứng với tính chất, mức độ vi phạm, chưa đủ sức răn đe”, Trung tướng Lương Tam Quang nhận định.

Không chỉ ở Việt Nam, việc giải quyết vấn nạn tín dụng đen luôn là một bài toán khó với tất cả các quốc gia bởi muốn ngăn chặn nó cần áp dụng hàng loạt các giải pháp đồng bộ và triển khai ở nhiều lĩnh vực.

Bàn về các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong việc giải quyết tín dụng đen, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng: “Khó ở đâu thì phải gỡ ở đấy, tín dụng đen “đánh” vào nhu cầu vay vốn của người dân. Vậy nên, để giải quyết tín dụng đen thì giải pháp quan trọng đầu tiên là phải tăng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân và doanh nghiệp”.

Cũng theo chuyên gia Lực, nếu các kênh cung cấp vốn chính thức như ngân hàng, tổ chức tài chính, các tổ chức tài chính vi mô,… có thể đảm bảo nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp một cách nhanh chóng và dễ dàng thì tự nhiên tín dụng đen sẽ “hết đất sống”.

Chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực

Trên thực tế, lãi suất của các hình thức cho vay tiêu dùng từ ngân hàng hay các tổ chức tài chính hiện nay dù được cho là cao nhưng vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với tín dụng đen và được đưa ra trên nguyên tắc đồng thuận giữa người cho vay và đi vay. Hơn nữa, “cho vay tiêu dùng không đi kèm các hệ lụy như tín dụng đen”, ông Lực chỉ rõ.

Không chỉ vậy, để hạn chế tội phạm liên quan đến cho vay nặng lãi, cần sự phối hợp của các cơ quan, bộ, ngành chức năng để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Điều này bao gồm cả việc quy định rõ ràng hơn, tăng các hình phạt có tính răn đe với các đối tượng vi phạm. Đồng thời, do ngày càng có nhiều sản phẩm tài chính mới, huy động vốn từ cộng đồng,... nên các cơ quan quản lý cũng cần sớm ban hành văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể.

TS Cấn Văn Lực cho biết thêm, tên thế giới hiện có 25 quốc gia ban hành chiến lược thúc đẩy tài chính toàn diện. Trong đó, giáo dục tài chính được xem là một trong bốn trụ cột quan trọng nhất nhằm nâng cao hiểu biết tài chính của người dân để họ có ý thức tìm đến các kênh tín dụng chính thức thay vì tín dụng đen, đồng thời nâng cao ý thức trả nợ (hay nói rộng hơn là quản lý tài chính cá nhân). Việt Nam cũng cần cân nhắc các hành động tương tự.

Tính đến thời điểm cuối năm 2017, tỷ trọng cho vay tiêu dùng trong nước chiếm khoảng 12% tổng dư nợ của nền kinh tế (không bao gồm cho vay mua nhà, sửa chữa nhà), tương đương 1 triệu tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức 21% của Trung Quốc, thậm chí chỉ bằng 1/3 so với mức trung bình 35% của khu vực Đông Nam Á.

Trong khi đó, theo ước tính, quy mô tín dụng đen chiếm khoảng 6-8% tổng dư nợ nền kinh tế, tương đương 400-500 ngàn tỷ đồng và đi kèm nhiều hệ lụy.

Tại Việt Nam, cho vay tiêu dùng chỉ phổ biến một số sản phẩm như mua hàng điện máy, học hành, mua xe, mua nhà. Trong khi đó, cho vay tiêu dùng ở các nước trên thế giới rất phát triển và đa dạng như cho vay thẻ tín dụng, cho vay các khoản tiêu dùng cá nhân không có tài sản thế chấp, cho vay trước ngày trả tiền lương…