18/01/2025 | 11:50 GMT+7, Hà Nội

Chuyên gia chỉ rõ giải pháp góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen

Cập nhật lúc: 15/12/2018, 06:01

Theo chuyên gia kinh tế tài chính Cấn Văn Lực, để đẩy lùi tình trạng tín dụng đen cần thúc đẩy khả năng người dân tiếp cận dịch vụ tài chính như cho vay tiêu dùng.

Gần đây, tín dụng đen ngày càng diễn biến phức tạp và đang càn quét khắp mọi nơi và đã gây ra nhiều hậu quả đau xót ở cả đô thị và miền núi xa xôi.

Giải pháp góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen

Theo các chuyên gia kinh tế tài chính, tín dụng đen là một cấu phần của tín dụng phi chính thức với lãi suất “cắt cổ”, không hợp đồng và không theo quy định của pháp luật, thường để lại hệ lụy xã hội rất lớn.

Sở dĩ tình trạng tín dụng đen trở nên nhức nhối suốt thời gian qua là bởi thị trường tín dụng chính thức chưa thể vươn tới đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Không những vậy, đôi khi thói quen và nhận thức của người dân vì muốn tiện lợi, nhanh chóng, ngại thủ tục mà quên đi rủi ro. Ngoài ra, các chiêu bài khuyến mại, quảng cáo của tổ chức cung cấp tín dụng đen rất tinh vi, hấp dẫn cũng là lý do khiến tín dụng đen càn quét nhiều nơi.

chuyên gia

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế tài chính.

Trước thực trạng nhức nhối này, trong một chương trình giao lưu trực tuyến ngày 14/12, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế tài chính cho biết: “Một trong những giải pháp góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen là thúc đẩy khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người dân và doanh nghiệp”.

Cũng theo TS. Lực, cần tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế của các tổ chức tín dụng, nhất là vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ gia đình cá nhân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

“Phải kiểm soát tốt hoạt động của hệ thống tài chính, kể cả hệ thống tài chính ngầm. Ở đây, cần nhấn mạnh đến vai trò của Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng và của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm từng tổ chức tín dụng trong việc xử lý nghiêm những cán bộ tiếp tay cho “tín dụng đen”, ông Cấn Văn Lực nói.

TS. Lực cho rằng, để đẩy lùi tình trạng tín dụng đen, cần tăng cường khả năng phát hiện, đấu tranh, phòng ngừa các hành vi kinh doanh phi pháp như buôn lậu, gian lận thương mại, rửa tiền, kinh doanh hàng quốc cấm… Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường các chế tài pháp luật đủ mạnh để nhận diện và trừng phạt hoạt động tín dụng đen. Đồng thời, cần phải làm tốt công tác thông tin,tuyên truyền về hậu quả của việc tham gia hoạt động cho vay nặng lãi, cũng như các biểu hiện, hành vi, mưu kế của những kẻ hoạt động tín dụng đen.

“Nâng cao kiến thức tài chính của người dân thông qua các chương trình giáo dục tài chính, giúp cho người dân hiểu về cách quản lý tài chính cá nhân và sử dụng các sản phẩm tài chính chính thức.

Tăng cường thực hiện các mục tiêu về tài chính toàn diện, giúp người dân ở các vùng nông thôn, vùng xa có thể tiếp cận được nguồn vốn chính thức. Phát triển thị trường tín dụng tiêu dùng, các công ty tài chính, cho thuê tài chính… để đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân và các doanh nghiệp.

Ban hành các quy định để quản lý các dịch vụ cho vay trực tuyến, cho vay ngang hàng thông qua nền tảng công nghệ/công ty fintech. Đó là cũng các biện pháp cần thiết”, TS. Lực bổ sung thêm.

Những lưu ý trước khi quyết định vay tiêu dùng tín chấp?

Trả lời thắc mắc của nhiều người tiêu dùng về việc cần phải lưu ý những gì khi quyết định vay công tài chính, ông Nguyễn Thành Phúc - Phó Tổng giám đốc FE Credit cho biết, trước khi tham gia vay tiêu dùng tín chấp, người tiêu dùng cần chủ động tìm hiểu những thông tin như các thương hiệu tài chính tiêu dùng có uy tín trên thị trường? Người đi vay cần phân biệt rõ sự khác nhau giữa các hình thức vay tiêu dùng của công ty tài chính, ngân hàng và vay “nóng” của tín dụng đen.

fe

 Trước khi tham gia vay tiêu dùng tín chấp, người tiêu dùng cần chủ động tìm hiểu những thông tin cần thiết.

“Người tiêu dùng cũng cần nghiên cứu kỹ và hỏi nhân viên tư vấn để hiểu rõ các quy định của hợp đồng, các điều khoản thanh toán, trả nợ trước hạn. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng cần cân nhắc khả năng thanh toán khoản vay của bản thân trước khi ký hợp đồng vay. Sự chủ động của khách hàng sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro khiếu nại trong quá trình thực hiện hợp đồng”, ông Phúc nhấn mạnh.

Theo Phó Tổng giám đốc FE Credit, sau khi khách hàng đăng ký vay tiêu dùng và nhận được khoản giải ngân thành công, khách hàng cần có trách nhiệm với khoản vay của chính mình thông qua việc:

  • Có kế hoạch tài chính và kỷ luật để thanh toán đủ số tiền và đúng thời gian quy định trong hợp đồng;
  • Khi thanh toán, khách hàng cần lưu ý thực hiện đúng các yêu cầu cơ bản như: thông tin thanh toán có đầy đủ họ tên, mã số hợp đồng vay tiêu dùng, nội dung khoản thanh toán của mình;
  • Giữ đầy đủ biên nhận khoản thanh toán hàng tháng nhằm tránh các rủi ro tranh chấp về sau.