18/01/2025 | 12:17 GMT+7, Hà Nội

Giải pháp nào đẩy lùi “tín dụng đen”?

Cập nhật lúc: 15/02/2019, 11:00

Tín dụng đen bùng nổ đã và đang gây ra những bất ổn xã hội, đặc biệt là tại khu vực nông thôn. Vậy, giải pháp nào để đẩy lùi loại tín dụng này?

Vấn nạn tín dụng đen khiến nhiều người nhức nhối

Hiện nay, thị trường tài chính chính thức của Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 80 - 85% nhu cầu vốn, phần còn lại là thị trường tín dụng phi chính thức.

Do lãi suất được thỏa thuận giữa người cho vay và người đi vay nên thị trường tín dụng đen hoạt động khá công khai, không phải chịu sự quản lý của các cơ quan chức năng và thường chỉ bị xử lý khi phát sinh tranh chấp hoặc có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua, hoạt động của thị trường tín dụng đen đã vi phạm rất nhiều quy định của pháp luật; hoạt động kinh doanh chưa mang tính chất hỗ trợ thực sự cho những người đang cần vốn đặc biệt là dòng vốn nhỏ lẻ.

Hiện, trần lãi suất cho vay trong pháp luật dân sự quy định tối đa là 20%/năm, thế nhưng trên thực tế, hầu hết hoạt động tín dụng đen vi phạm quy định về lãi suất này. Ngoài ra cách thức thu hồi nợ cũng vi phạm nghiêm trọng pháp luật về dân sự, tố tụng dân sự, hình sự.

Những phân tích trên cho thấy, nguyên nhân khiến thị trường tín dụng đen bùng nổ là do hoạt động của thị trường này mang lại khoản lợi nhuận rất lớn, trên 100%/năm, thậm chí vài trăm %/năm. Vì lẽ đó đã khiến thị trường tín dụng đen “mọc lên như nấm” và ngày càng phát triển mạnh.

Thứ 2, do cách thức xử lý, thực hiện pháp luật trong vấn đề thanh tra, kiểm tra, xử phạt đối với những chủ thể cho vay tín dụng đen cũng chưa chặt chẽ, đặc biệt là quá trình xử phạt vi phạm của những đối tượng cho vay tín dụng đen.

Thứ 3, mặc dù cơ chế pháp luật của đã có nhưng vẫn thiếu đi pháp luậtchuyên ngành để áp dụng trực tiếp cho hoạt động tín dụng đen nhằm giảm đi các hành vi vi phạm pháp luật.

giai phap nao day lui tin dung den
Ảnh minh họa

Giải pháp căn cơ để đẩy lùi tín dụng đen

Chủ trương ngăn chặn hình thức tín dụng đen với lãi suất “cắt cổ” hoàn toàn đúng và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, việc ngăn chặn tín dụng đen dựa trên việc mở rộng các gói tín dụng hiện tại sẽ khó đạt được kết quả như mong muốn.

Về phía người dân cũng nên tiếp cận nhiều hơn kiến thức về tài chính, pháp lý để hiểu rõ những nội dung, quy định trong văn bản thỏa thuận giữa người vay và người cho vay; cần am hiểu về pháp luật để tránh trường hợp vi phạm pháp luật dân sự, đặc biệt liên quan đến lãi suất, trần lãi suất.

Trong bộ luật hình sự hiện nay vẫn có quy định về tội cho vay nặng lãi, vì vậy hoàn toàn các cơ quan chức năng có thể khởi tố và điều tra, xử lý về tội cho vay nặng lãi và xử lý được vấn nạn tín dụng đen.

Trước thực trạng tín dụng đen đang bùng nổ và gây nhức nhối trong xã hội hiện nay, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, thời gian tới, đơn vị này sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng nhiều chương trình tín dụng phù hợp, đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân với lãi suất thấp hơn rất nhiều so với lãi suất mà người dân vay bên ngoài. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiến nghị với Chính phủ xem xét để Ngân hàng Chính sách xã hội dừng bớt một số chương trình để tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách về tín dụng hiện nay.

Hoài Dương