Mục tiêu tăng trưởng từ 8%: Để DN tư nhân mở rộng kinh doanh và đầu tư dài hạn
Cập nhật lúc: 12/02/2025, 09:42
Cập nhật lúc: 12/02/2025, 09:42
Ngày 10/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Tờ trình của Chính phủ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt từ 8% trở lên.
Theo Tờ trình của Chính phủ, năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược 10 năm 2021 - 2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Do đó, tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 cần đạt 8% trở lên, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong thời gian đủ dài (bắt đầu từ năm 2026).
Trước đó, tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, ngày 9/12/2024, Quốc hội đã "chốt" mức tăng trưởng 7-7,5%. Việc nâng mục tiêu tăng trưởng lên 8% trở lên cho thấy quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc tiến đến mục tiêu tăng trưởng hai con số trong giai đoạn mới.
Tin tưởng, kỳ vọng vào năm 2025, TS. Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM cho biết, lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm dần, nhất là so với năm 2024 và giai đoạn 2022 - 2023. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chính sách tài khóa và tiền tệ của các nước, trong đó có Việt Nam. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang có xu hướng cắt giảm lãi suất từ mức cao nhất 5,5% xuống 4,25 - 4,5%, mở ra nhiều cơ hội cho thị trường tài chính và đầu tư. Trong bối cảnh đó, Việt Nam hoàn toàn có khả năng kiểm soát tốt tình hình lạm phát trong năm 2025.
TS. Trần Anh Tuấn, Trưởng Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM. (Ảnh: Hoàng Phong/VnExpress)
Trong năm 2025, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất tín dụng, và đảm bảo điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có những bước điều chỉnh phù hợp để giữ vững mức lãi suất hợp lý, hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động và thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).
"Mặc dù nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn, nhưng với những điều chỉnh chính sách kịp thời và linh hoạt, Việt Nam hoàn toàn có thể duy trì một nền kinh tế ổn định và tăng trưởng bền vững trong năm 2025 và các năm tiếp theo", TS. Trần Anh Tuấn nhận định.
Để đạt được mức tăng trưởng 8%, thậm chí có thể cao hơn, TS. Trần Anh Tuấn cho rằng, đầu tư, đặc biệt là đầu tư công, sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa để thu hút đầu tư nước ngoài cũng như đầu tư tư nhân: "Dư địa đầu tư công của Việt Nam vẫn còn rất lớn. Nếu như năm 2024, tổng mức đầu tư công từ ngân sách nhà nước khoảng 663.000 tỷ đồng, thì năm 2025 - năm cuối cùng trong kế hoạch trung hạn về đầu tư công - sẽ tập trung giải ngân mạnh mẽ với tổng mức đầu tư công lên tới gần 790.000 tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng để giải quyết các bài toán hạ tầng".
Cụ thể, các dự án trọng điểm như sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang được triển khai rất mạnh trong năm 2025, dự kiến hoàn thành vào năm 2026. Sân bay Long Thành giai đoạn 1 cũng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026. Ngoài ra, hàng loạt dự án cao tốc quan trọng khác như TP.HCM - Chơn Thành, TP.HCM - Mộc Bài cũng sẽ được triển khai. Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, hay TP.HCM cũng đang lên kế hoạch triển khai đồng loạt các tuyến đường sắt đô thị trong vòng 10 năm tới, từ nay đến 2035, để kết nối với tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Bên cạnh đó, Trưởng Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM cho rằng, Việt Nam đang cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư để thu hút vốn FDI. Trong năm 2024, Việt Nam đã thu hút gần 39 tỷ USD vốn FDI, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực bán dẫn, chip bán dẫn, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), logistics, và công nghiệp chế biến, chế tạo với hàm lượng khoa học - công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn.
"Tất cả những yếu tố này sẽ tạo đà cho mức tăng trưởng có thể đạt 7,5 - 8%, thậm chí cao hơn trong năm 2025", TS. Trần Anh Tuấn tin tưởng.
Theo TS. Trần Anh Tuấn, lực lượng doanh nghiệp tư nhân trong nước đang ngày càng lớn mạnh nhờ vào sự hỗ trợ từ chính sách cải cách của Chính phủ. Nếu trước đây, dòng vốn FDI đóng vai trò chủ đạo, thì hiện nay, các nhà đầu tư trong nước đang dần tin tưởng, sẵn sàng mở rộng kinh doanh và đầu tư dài hạn.
Tuy nhiên, để duy trì đà tăng trưởng, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện dòng vốn FDI và phát triển kinh tế tư nhân bằng cách nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thu hút mạnh mẽ các nguồn lực trong và ngoài nước. Đồng thời, việc tinh gọn bộ máy hành chính cũng là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp và nhà đầu tư.
"Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện chiến lược tinh gọn bộ máy quản lý, dự kiến hoàn thành trong tháng 2/2025. Đến quý II/2025, Việt Nam sẽ vận hành một hệ thống quản lý mới hiệu quả hơn. Quá trình này sẽ giảm bớt gánh nặng tài chính từ ngân sách, tạo thêm nguồn lực đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật và xã hội, từ đó thu hút mạnh mẽ hơn các nhà đầu tư tư nhân và FDI.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã sửa đổi các bộ luật quan trọng liên quan đến đầu tư công, Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), bảo đảm nền tảng pháp lý để nhà đầu tư yên tâm phát triển dài hạn," TS. Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.
LS. Nguyễn Tiến Lập, Thành viên Điều hành Cấp cao Văn phòng luật sư NHQuang&Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) chia sẻ, năm 2024, dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng các doanh nghiệp phần nào đã "thở phào" khi vượt qua những thử thách lớn. Năm 2025, ngoài việc tự tìm hướng đi, thích nghi với thị trường và tìm kiếm cơ hội mới, doanh nghiệp cần có động lực kinh doanh và sự hỗ trợ từ phía Chính phủ.
"Sự hỗ trợ ở đây là chính sách kinh tế, sự điều tiết của Nhà nước và các gói hỗ trợ doanh nghiệp. Động lực kinh doanh không chỉ xuất phát từ nội tại doanh nghiệp mà còn phụ thuộc vào môi trường chính sách vĩ mô và pháp luật", ông Lập nói.
LS. Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng luật sư NHQuang&Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam. (Ảnh: Tạp chí Công Thương)
Về cảm hứng kinh doanh, LS. Nguyễn Tiến Lập cho biết, từ cuối năm 2024, nhiều doanh nghiệp đã đặt kỳ vọng lớn vào những cải cách thể chế mà Chính phủ đang thực hiện. Doanh nhân tin tưởng vào các nỗ lực tinh gọn bộ máy, tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý, cải cách hành chính và các thủ tục liên quan. Đặc biệt, những cam kết của các lãnh đạo cấp cao, trong đó có Thủ tướng, đã tạo động lực mạnh mẽ cho cộng đồng doanh nghiệp.
"Một trong những tuyên bố quan trọng được Chính phủ nhấn mạnh là kiên quyết loại bỏ tư duy "không quản được thì cấm". Thay vào đó, chính sách pháp luật phải đảm bảo người dân và doanh nghiệp được làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Nếu có quy định, thì đó phải là quy định mang tính hỗ trợ, tạo điều kiện thay vì chỉ quản lý và hạn chế.
Chính phủ cũng khẳng định, Nhà nước chỉ thực hiện những nhiệm vụ mà xã hội và doanh nghiệp không thể làm tốt hơn. Điều này có nghĩa là mọi cơ hội phát triển sẽ được trao cho doanh nghiệp và người dân, tạo ra một môi trường kinh doanh cởi mở và thúc đẩy đổi mới sáng tạo", LS. Nguyễn Tiến Lập tin tưởng.
Nguồn: https://reatimes.vn/muc-tieu-tang-truong-tu-8-tro-len-de-doanh-nghiep-tu-nhan-san-sang-mo-rong-kinh-doanh-va-dau-tu-dai-han-202250211111241575.htm
08:59, 02/02/2025
08:30, 07/01/2025
08:20, 23/12/2024