28/01/2025 | 09:24 GMT+7, Hà Nội

Đâu là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế năm 2025?

Cập nhật lúc: 23/12/2024, 08:20

Kinh tế Việt Nam năm 2024 được dự báo sẽ đạt tăng trưởng GDP trên 7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Năm 2025, Quốc hội quyết nghị mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5-7%.

Động lực chính dẫn dắt tăng trưởng năm 2024 vẫn đến từ khối FDI

Năm 2024 sắp khép lại với nhiều dấu ấn tích cực của nền kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt với những biến động và thách thức. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế năm 2024 ước đạt trên 7%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Lạm phát duy trì dưới 4%, thấp hơn mục tiêu đề ra.

Ngày 20/12, nhóm chuyên gia Ngân hàng HSBC Việt Nam cũng công bố nhận định tổng quan về tình hình kinh tế vĩ mô năm 2024. Theo đó, nền kinh tế đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, nhờ sự dẫn dắt của sản xuất, xuất khẩu và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Cụ thể, đà tăng tốc của tiến trình hồi phục kinh tế trong nửa sau của năm 2024 tiếp tục được dẫn dắt bởi sản xuất, với mức tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tính chung 11 tháng đạt 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này được củng cố bởi dữ liệu thương mại tích cực, với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD. Các doanh nghiệp FDI hiện hữu cũng tiếp tục đưa ra các cam kết đầu tư thêm vốn dự án, hỗ trợ năng lực sản xuất đang mở rộng của Việt Nam.

Theo Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025, Quốc hội quyết nghị chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5-7%, cao hơn kế hoạch và tương đương mức phấn đấu thực hiện năm nay của Chính phủ, là trên 7%. Lạm phát kiểm soát ở mức 4,5%.

Tại Hội nghị toàn quốc triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tình hình kinh tế xã hội 2024 và giải pháp năm 2025, ngày 1/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ nhấn mạnh ưu tiên và làm mới các động lực tăng trưởng, để phấn đấu GDP năm 2025 đạt 8%, hướng tới mức hai con số trong giai đoạn 2026 đến 2030.

Bình luận về mục tiêu này, ông Trần Ngọc Báu, Giám đốc điều hành CTCP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup cho rằng, Chính phủ đang nhìn thấy những cơ hội lớn phía trước, khi nền kinh tế có thể đón nhận nhiều dịch chuyển quan trọng, có khả năng tạo nên cú hích từ năm 2025 trở đi.

Ông Trần Ngọc Báu, Giám đốc điều hành CTCP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup.

Trên thực tế, nhìn lại năm 2024, động lực chính dẫn dắt tăng trưởng vẫn đến từ khối FDI. Khối này không chỉ gia tăng đầu tư mà còn tạo ra thặng dư lớn từ xuất khẩu. Ước tính, thặng dư thương mại của FDI đóng góp hơn 1 triệu tỷ đồng vào GDP (tính theo danh nghĩa). Trong khi đó, xuất khẩu trong nước tăng trưởng, nhưng nhập khẩu cũng tăng mạnh, khiến xuất khẩu ròng của khối này chưa đóng góp nhiều vào GDP.

"Với bối cảnh như vậy, mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 8% trong năm 2025 và hai con số từ năm 2026 - 2030 sẽ là thách thức rất lớn", ông Báu nhận định. Và bởi vậy, để hiện thực hóa mục tiêu này, cần sự nỗ lực không ngừng và những bước đi đột phá với sự kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp.

Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2025 đến từ đâu?

Nhìn nhận về động lực tăng trưởng năm 2025, ông Trần Ngọc Báu cho rằng, cần bóc tách từng cấu phần trong GDP. 

"Một làn sóng tăng trưởng đủ lớn thường phải bắt nguồn từ một cấu phần có sự bùng nổ, tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh sang các khu vực khác trong nền kinh tế. Ví dụ, nếu Việt Nam đón làn sóng đầu tư FDI lớn trong lĩnh vực công nghệ AI và bán dẫn từ năm 2025 đến 2030, hiệu ứng này sẽ lan tỏa sang khu vực tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, từ đó tạo ra thặng dư thương mại đáng kể", ông Báu nói và đưa ra phân tích cụ thể:

Thứ nhất, đối với chính sách tiền tệ, năm 2025 sẽ khó tạo ra đột phá lớn. Do mức lãi suất hiện nay đã gần chạm đáy và không thể giảm sâu thêm như giai đoạn 2013 - 2019. Vòng quay tiền trong nền kinh tế cũng phụ thuộc vào dòng vốn ngoại hoặc tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, dòng vốn ngoại vào Việt Nam vẫn còn yếu và chưa thể tạo ra cú hích lớn trong vòng 2 - 3 năm tới.

Nếu mở rộng tăng trưởng tín dụng, rủi ro lớn sẽ là sự phụ thuộc vào nguồn vốn này. Trong khi, các kênh huy động vốn khác như cổ phiếu hay trái phiếu vẫn chưa phát huy hiệu quả. Điều này có thể dẫn đến hệ lụy lâu dài cho nền kinh tế.

Thứ hai, nếu chính sách tiền tệ chỉ có thể là yếu tố hỗ trợ, chưa đủ để tạo ra sự bùng nổ, thì động lực tăng trưởng đặt kỳ vọng vào chính sách tài khóa. Đặc biệt, dư địa đầu tư công và nợ công của Chính phủ vẫn còn khá lớn, đủ để tạo đà cho tăng trưởng. Cùng với đó là các chính sách thuế linh hoạt, ví dụ: giảm thuế cho nhóm thu nhập trung bình - thấp và tăng thu thuế đối với các lĩnh vực như bất động sản hoặc kinh doanh online.

Tuy nhiên, cần lưu ý việc siết thuế ở một số khu vực cũng sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng và đầu tư tư nhân. Khi nguồn thu này bị đẩy về ngân sách thay vì luân chuyển trong nền kinh tế, tổng cầu có thể không được kích thích mạnh như kỳ vọng.

Thực tế, trong 4 - 5 năm qua, Chính phủ đã triển khai các giải pháp tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, với tổng số tiền hỗ trợ thông qua giảm thuế và phí lên đến khoảng 900.000 tỷ đồng. Dù điều này giúp giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân, nhưng cũng tạo áp lực lên nguồn thu ngân sách.

Từ năm 2025, Bộ Tài chính dự kiến áp dụng các biện pháp thắt chặt tài khóa, như tăng thuế hoặc giảm các khoản hỗ trợ thuế, nhằm điều chỉnh lại cân đối ngân sách. Song, bối cảnh kinh tế từ tháng 7/2024 đến nay đã có nhiều biến động, nên các chính sách này có khả năng được điều chỉnh linh hoạt hơn.

"Về cơ bản, không gian để tiếp tục giảm thu hoặc nới lỏng tài khóa ở Việt Nam hiện nay rất hạn chế. Việc duy trì chính sách như hiện tại, tránh siết chặt nhưng cũng không thể nới lỏng thêm có lẽ là phương án phù hợp", ông Báu nhận định.

Về phần chi ngân sách, năm 2024, tổng kế hoạch chi tiêu thấp hơn so với thực hiện của năm 2023. Đến tháng 11/2024, giải ngân đầu tư công đạt khoảng 410.000 tỷ đồng, tương đương 60% kế hoạch. Theo ước tính, tổng giải ngân đầu tư công cả năm có thể đạt 500.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 74% kế hoạch, tương tự năm 2023.

Năm 2025, kế hoạch đầu tư công được Chính phủ dự kiến ở mức cao kỷ lục 790.000 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với năm 2024, hứa hẹn tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, có thể một phần vốn vẫn phải huy động qua các khoản vay mới, dẫn đến việc một phần tiền giải ngân đầu tư công có thể quay lại kho bạc, thay vì thực sự đi vào nền kinh tế.

Kế hoạch chi đầu tư công đặt ra ở mức cao trong năm 2025 hứa hẹn tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. (Ảnh minh họa)

Thứ ba, dựa trên lịch sử kinh tế, một chu kỳ tăng trưởng mạnh thường gắn liền với các làn sóng hoặc sự kiện lớn. Từ khi mở cửa nền kinh tế, Việt Nam đã trải qua một số làn sóng lớn. Làn sóng đầu tiên bắt đầu từ năm 1987, khi ban hành Luật Đầu tư nước ngoài, dòng vốn FDI bắt đầu đổ vào Việt Nam, tạo ra chu kỳ tăng trưởng mạnh từ những năm 1990.

Làn sóng thứ 2 ở thời điểm bình thường hóa quan hệ với Mỹ và ký kết hiệp định song phương vào năm 2000. Làn sóng thứ 3, từ năm 2013, sự dịch chuyển FDI trong lĩnh vực công nghệ và sản xuất sang các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, mang lại động lực lớn cho kinh tế giai đoạn 2011 - 2020. Nhưng cũng chưa có chu kỳ kinh tế nào đạt mức tăng trưởng hai con số.

Hiện tại, Chính phủ đang kỳ vọng vào làn sóng công nghệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực chip và AI, đưa Việt Nam thành trung tâm sản xuất. Điều này tương tự như sự dịch chuyển của các tập đoàn lớn như Apple, Samsung và Intel vào Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2019.

"Thời kỳ dân số vàng, trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi, sẽ đủ để kinh tế Việt Nam tạo ra một giai đoạn tăng trưởng bứt phá, tương tự như ba làn sóng lớn mà chúng ta từng trải qua trong quá khứ", ông Báu nhận định.

Làn sóng công nghệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực chip và AI kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital cũng đồng tình, tăng trưởng GDP mạnh thường có sự hỗ trợ từ tăng trưởng đầu tư công. Việc phê duyệt các dự án lớn như đường sắt cao tốc Bắc - Nam và tái khởi động lại dự án điện hạt nhân, cho thấy chính sách tài khóa vẫn là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2025.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết, việc giải ngân đầu tư công không phải cứ muốn thực hiện là có thể giải ngân ngay. Thực tế, có những trường hợp khi giải ngân đầu tư công gặp khó khăn, tiền vẫn nằm trong kho bạc mà không được sử dụng, trong khi đó chúng ta lại tiếp tục huy động vốn vay mới để đảo nợ trái phiếu. Điều này dẫn đến tình trạng tiền thừa trong hệ thống ngân hàng, nhưng thiếu vốn giải ngân cho khối tư nhân.

Bên cạnh đó, mức tăng trưởng đầu tư công dự kiến 20-25% vào năm 2025, thì tác động cụ thể đến tăng trưởng kinh tế cần được đo lường thêm. Nếu chỉ tăng cường đầu tư mà không có sự đổi mới trong quản lý, thì tăng trưởng cũng khó đạt kỳ vọng.

"Vì vậy, chính sách tài khóa còn nhiều dư địa, nhưng để tạo ra được bứt phá, cần có sự kết hợp thật sự nhuần nhuyễn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ", CEO AFA Capital nhận định./.

Nguồn: https://reatimes.vn/dau-la-dong-luc-dan-dat-tang-truong-kinh-te-nam-2025-202241220173040108.htm