23/11/2024 | 02:41 GMT+7, Hà Nội

Ba thách thức với mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam

Cập nhật lúc: 19/02/2024, 09:17

Một số rủi ro với kinh tế Việt Nam năm 2024 đến từ kinh tế Trung Quốc phục hồi yếu hơn kỳ vọng, tác động từ chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và rủi ro địa chính trị.

Trong báo cáo Triển vọng Thị trường Vốn nợ năm 2024 mới phát hành, FiinRatings đề cập đến những thách thức và rủi ro cho việc hồi phục của nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, nền kinh tế của Trung Quốc, đối tác chiếm 25% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, phục hồi yếu hơn kỳ vọng. Trong năm 2023, tình trạng giảm phát đã xảy ra tại Trung Quốc với tốc độ tương tự như sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Rủi ro thứ hai đến từ tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đối với các dòng vốn FDI hiện tại và thu hút vốn mới. Bên cạnh đó, các cuộc xung đột địa chính trị có thể diễn biến phức tạp và leo thang, như chiến tranh Nga và Ukraine, xung đột giữa Israel và Hamas tại Trung Đông.

Nhóm phân tích cũng đề cập đến 4 động lực chính trong năm 2024, gồm hoạt động xuất nhập khẩu với các đối tác thương mại hồi phục. Trong ngắn hạn, cuộc xung đột tại Biển Đỏ có thể khiến nhu cầu tích trữ hàng hóa cùng các lựa chọn thay thế của các quốc gia đối tác với Việt Nam tăng cao hơn.

Động lực thứ hai, đầu tư khu vực tư nhân và khu vực công kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng 8% và 10%, theo dự báo của ADB, với các dự án lớn sắp được triển khai. Dòng vốn FDI tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng dự kiến 10-15%.

Ngoài ra, tiêu dùng nội địa phục hồi với sự hỗ trợ của mặt bằng lãi suất huy động được giữ ở mức thấp, và việc giảm thuế giá trị gia tăng VAT từ 10% xuống 8% được gia hạn từ 1/1/2024 tới 30/6/2024.

Nhóm phân tích cũng cho rằng kinh tế có thêm động lực hồi phục từ các bộ luật và chính sách trong các lĩnh vực quan trọng như Bất động sản, Tổ chức Tín dụng hay Năng lượng đã được thông qua, và sẽ là nền tảng để tạo tiền đề cho các doanh nghiệp đầu tư và triển khai các dự án, đặc biệt những dự án đã bị trì hoãn trong giai đoạn 2-3 năm vừa qua.

Nói thêm về thuế tối thiểu toàn cầu, từ đầu năm nay, Việt Nam áp thuế tối thiểu toàn cầu với thuế suất áp dụng là 15%, với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Tức là ưu đãi về thuế của Việt Nam dành cho các doanh nghiệp ngoại sẽ không còn tác dụng, nên có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư. Thảo luận tại kỳ họp Quốc hội hồi cuối năm 2023, một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp ưu đãi đầu tư phù hợp, làm rõ chế độ ưu đãi thuế với các nhà đầu tư mới sẽ vào Việt Nam.

Nêu quan điểm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho đây là các ý kiến xác đáng. Hiện Chính phủ chưa đánh giá tổng thể về hệ thống ưu đãi, khuyến khích đầu tư, gồm các ưu đãi qua thuế thu nhập doanh nghiệp, biện pháp phi thuế để có phương án thay thế sau khi thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng.

Trong khi đó, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp chưa được sửa đổi, nên các tập đoàn đa quốc gia đầu tư mới vào Việt Nam sẽ bị điều chỉnh bởi Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và nghị quyết này. Tức là, với nhà đầu tư nước ngoài tới đây khi vào Việt Nam vẫn được hưởng ưu đãi giảm thuế, sau đó họ phải nộp lại khoản ưu đãi giảm thuế này, và có thể được hỗ trợ bổ sung ngoài thuế.

Vì thế, ngoài quyết nghị việc áp thuế, Quốc hội giao Chính phủ trong năm 2024 xây dựng dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu và các nguồn hợp pháp khác. Chính sách này nhằm ổn định môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước trong một số lĩnh vực cần khuyến khích.

Về lâu dài, Chính phủ cần đánh giá tổng thể các chính sách ưu đãi thuế hiện nay và sớm sửa Luật thuế thu nhập doanh nghiệp cùng với phương án điều chỉnh hệ thống thuế suất và ưu đãi thuế.

Trước khả năng doanh nghiệp phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu ở Việt Nam sẽ khiếu kiện nếu họ muốn nộp khoản thuế này về nước mẹ, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chủ động có giải pháp và phương án xử lý phù hợp nếu xảy ra tranh chấp, khiếu kiện để đảm bảo môi trường đầu tư./.

Nguồn: https://reatimes.vn/ba-thach-thuc-voi-muc-tieu-tang-truong-gdp-nam-2024-cua-viet-nam-202240214230207373.htm