22/11/2024 | 06:04 GMT+7, Hà Nội

Mùa đông mặc nhiều quần áo có thể gây tử vong cho trẻ

Cập nhật lúc: 15/12/2015, 18:25

Chỉ trong 2 ngày, một bệnh viện đã tiếp nhận 2 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong do cha mẹ cho em mặc nhiều quần áo và ủ ấm quá mức.

1. Mùa đông mặc nhiều quần áo có thể gây tử vong cho trẻ

Vụ việc thương tâm xảy ra vào ngày 7 và 8/12 tại Trùng Khánh, Trung Quốc mới đây.

Theo đó, cả 2 bé sơ sinh này, một bé mới được 7 ngày tuổi và một bé được 29 ngày tuổi đều được cha mẹ cho cấp cứu tại bệnh viện Tân Kiều, thuộc đại học Y Trùng Khánh trong tình trạng đã tử vong.

“Trời vừa tờ mờ sáng, một trẻ sơ sinh đã tử vong tại nhà được bố mẹ vội vàng đưa vào viện. Sinh mệnh đứa trẻ không thể cứu vãn….

Xin gửi tới các bậc cha mẹ trẻ một lời khuyên chân thành: Trẻ sơ sinh vừa chào đời nếu xuất hiện bất cứ dấu hiệu lạ nào, hãy lập tức đưa bé vào viện… Hơn 9 tháng người mẹ mang nặng đẻ đau….

Thực sự cảm thấy rất đau lòng, sáng sớm ngày 7/12, một bé sơ sinh tử vong do bố mẹ quấn chăn quá nhiều. Ngày hôm nay, lại có một ca tương tự”, Mông Manh - bác sĩ khoa nhi bệnh viện Tân Kiều ngày 8/12 chia sẻ trên Wechat.

Nữ bác sĩ này cho biết thêm, vào khoảng 6h sáng ngày 7/12 vừa qua, khi cô đang trực ca đêm, một bệnh nhi 7 ngày tuổi được người nhà vội vã đưa vào phòng cấp cứu. Tuy nhiên, sắc mặt đứa trẻ khi đó đã chuyển sang màu đen. Dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng em bé đã tử vong.

Chưa dừng lại ở đó, hôm 8/12, Mông Manh lại tiếp nhận một ca bệnh nhi khác mới 29 ngày tuổi. Khi nhập viện, bé đã ngừng thở. Theo các bác sĩ tại khoa nhi bệnh viện Tân Kiều, hai trẻ sơ sinh này đã bị mắc hội chứng ủ quá nóng bằng chăn.

Ủ quá ấm hoặc mặc quá nhiều quần áo cho trẻ khi đi ngủ có thể gây đột tử nhũ nhi (SIDS) do mắc Hội chứng ủ quá nóng. Ảnh minh họa

Ủ quá ấm hoặc mặc quá nhiều quần áo cho trẻ khi đi ngủ có thể gây đột tử nhũ nhi (SIDS) do mắc Hội chứng ủ quá nóng. Ảnh minh họa

Khi bố mẹ bé 7 ngày tuổi khóc ròng tại bệnh viện, các bác sĩ không lỡ trách mắng. Sau khi bình tĩnh hơn, người mẹ cho biết, trước khi ngủ, em bé có vẻ khó chịu trong người và khóc một lúc. Bố mẹ thấy vậy liền lên mạng tìm kiếm thông tin trên trang Baidu.

Cho rằng con mình không có vấn đề gì nghiêm trọng, hai người liền xoa tay, chân cho bé. Cảm thấy người con hơi lạnh, đôi vợ chồng trẻ nghĩ rằng có thể con bị lạnh chứ không vấn đề gì.

Sau khi dỗ cháu ngủ và đưa vào nằm cạnh người mẹ (khi đó đang ngủ), ông bà còn không quên đắp thêm chăn cho bé. Khi đó, ngoài vài bộ quần áo đứa trẻ mặc trên người, trên người còn được đắp thêm hai cái chăn.

“Sáng sớm khi chúng tôi tỉnh dậy mới phát hiện em bé rất bất thường. Bé không khóc, tim cũng không đập nữa”, người mẹ đau đớn kể lại.

Trường hợp bé 29 ngày tuổi cũng gặp phải những tình huống y hệt những gì đã xảy ra với em bé 7 ngày tuổi kể trên.

Bác sĩ Mông Manh cho hay, người lớn thường xuyên có suy nghĩ trẻ hay bị lạnh, nên vào bất cứ mùa nào trong năm, cũng cần mặc cho trẻ nhiều một chút. Tuy nhiên, trên thực tế, nỗi lo này là thừa vì trẻ không sợ bị nhiễm lạnh đến vậy.

Khi mặc quá nhiều quần áo khiến bé có thể bị nóng, ra nhiều mồ hôi và mồ hôi làm bé bị tự nhiễm lạnh, dễ bị viêm phổi. Mặc quần áo quá chật, quá kín, chật đến nỗi ép lồng ngực và bụng làm bé không thở nổi.

Ngoài ra, nếu mặc cho trẻ quá ấm áp, chúng sẽ cảm thấy khó chịu và gây khó khăn trong vận động và bạn có thể không nhận ra điều này. Đôi khi những đứa trẻ cáu gắt, khóc lóc chỉ vì chúng bị mặc quá nóng.

Thậm chí, nếu để nhiệt độ phòng quá cao, ủ quá ấm hoặc mặc quá nhiều quần áo cho trẻ khi đi ngủ có thể gây đột tử nhũ nhi (SIDS) do mắc Hội chứng ủ quá nóng.

Ủ quá nóng là một chứng bệnh cấp tính trong khoa nhi, cần được cấp cứu kịp thời, thời gian cấp cứu được tính bằng phút. Nếu phát hiện thấy trẻ ra nhiều mồ hôi, ướt quần áo, người nóng, sắc mặt trắng bệch hoặc hơi xám, hô hấp không đều… cần lập tức đưa vào bệnh viện.

2. Giữ ấm cho trẻ đúng cách

Giữ ấm đúng cách là giữ đủ ấm cho bé, nhất là những vùng dễ bị nhiễm lạnh như lòng bàn chân, bàn tay, thóp và ngực.

Đầu trẻ sơ sinh là nơi tạo ra khoảng 40% thân nhiệt, nhưng đồng thời lại là nơi giải phóng đến 85% nhiệt độ cơ thể. Chính vì vậy, việc đội mũ và dùng băng quấn thóp là cần thiết với trẻ mới sinh, đặc biệt là các bé sinh non, nhưng với trẻ khỏe mạnh và đã được vài tháng tuổi, việc đội mũ khi ngủ là không cần thiết, mà ngược lại sẽ khiến nhiệt độ của não trẻ tăng cao, ảnh hưởng đến hoạt động của vùng thần kinh kiểm soát hô hấp.

Mặc cho trẻ sơ sinh những lớp quần áo để có thể dễ dàng cởi bỏ ra mỗi khi trẻ nóng. Chẳng hạn như bạn nên mặc một chiếc áo sơ mi dài tay hoặc chiếc áo thun dài tay ở bên trong và khoác một chiếc áo khoác bên ngoài.

Khi ngủ cho trẻ mặc quần áo nhẹ thoáng. Tốt nhất là cho trẻ sơ sinh mặc đồ bằng chất liệu cotton, có khả năng thấm hút mồ hôi. Không quấn quá nhiều lớp tã hoặc đắp quá nhiều chăn cho bé. Nếu để trẻ ra nhiều mồ hôi, bị thấm trở lại sẽ gây viêm phổi, rất nguy hiểm cho trẻ sơ sinh.

Mùa hè, nên mặc cho trẻ đồ thoáng, mỏng, thấm mồ hôi.

Khi trẻ ốm, sốt lại càng không nên mặc quá nhiều quần áo. Khi kiểm tra xem trẻ có nóng quá hay không thì nên sờ vào bụng, không nên sờ vào chân tay, vì các bộ phận này của trẻ thường lạnh hơn so với thân mình. Các dấu hiệu khác cho thấy bé quá nóng là đổ mồ hôi, thở nhanh, trán nóng, bứt rứt khó chịu.

Đối với trẻ sơ sinh đủ tháng nên để nhiệt độ trong phòng từ 22-24oC. Với những bé thiếu tháng, nên giữ nhiệt độ trong phòng ở mức 24-26oC. Bên cạnh đó, người mẹ nên dùng nhiệt độ cơ thể của chính mình để giữ ấm cho con, bằng cách ấp bé vào ngực mỗi lần 30 phút, thay đổi tư thế cho bé bú rồi lại ấp bé vào ngực, để da mẹ tiếp xúc với da bé (phương pháp kangaroo), phương pháp này có nhiều lợi ích, nhất là trẻ sơ sinh thiếu tháng.

Khi bé đi vệ sinh, phụ huynh cần thay tã lót ngay để bé không bị ướt, nhiễm lạnh.

Cho trẻ sơ sinh ở trong phòng thoáng, đảm bảo đủ nhiệt độ và tránh những nơi có gió lùa. Những khi cần cho bé ra ngoài, bạn nên để bé ngồi sau xe, mặc ấm, nhất là ở phần đầu, cổ, chân, đeo khẩu trang để bé tránh bụi, gió và hít phải khí lạnh.

Khi vào phòng ấm, phụ huynh cần cởi bớt trang phục ngoài cho bé, nếu không bé có thể bị nóng, ra nhiều mồ hôi rồi nhiễm lạnh. Thường xuyên kiểm tra thân nhiệt cho bé, đơn giản là sờ lên trán xem bé nóng hay lạnh.