19/01/2025 | 23:49 GMT+7, Hà Nội

Một năm kinh doanh thê thảm của ngành dịch vụ ăn uống

Cập nhật lúc: 08/01/2022, 06:27

Theo một kết quả khảo sát mới đây của Sapo, hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng cho biết, doanh thu của họ trong năm 2021 không tăng trưởng, thậm chí còn sụt giảm trên 30%.

Ngành dịch vụ nào chịu thiệt hại nặng nhất trong năm 2021?

Năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các ngành dịch vụ, nhất là các ngành dịch vụ ăn uống, lưu trú và nghỉ dưỡng. Thậm chí, ở thời điểm này, một số địa phương vẫn đang dè dặt trong việc mở cửa trở lại một số ngành dịch vụ.

Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các ngành dịch vụ, nhất
Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới các ngành dịch vụ, nhất

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, ông Trịnh Toàn Thắng, đại diện truyền thông cho chuỗi nhà hàng buffet với hàng trăm chi nhánh trên toàn quốc tiết lộ: Năm 2021, lần đầu tiên trong lịch sử, lợi nhuận ghi nhận ở tình trạng thua lỗ. Trong đó, quý III/2021, thời điểm các địa phương đồng loạt giãn cách xã hội, chính là thời điểm thiệt hại nặng nhất.

“Chúng tôi có hàng trăm cửa hàng trên cả nước, nhưng tập trung nhiều nhất ở Hà Nội và TP.HCM. Tại thời điểm các địa phương này yêu cầu giãn cách xã hội để đảm bảo công tác chống dịch, chúng tôi buộc phải đóng cửa, không có doanh thu. Thế nhưng, chúng tôi vẫn phải chi tiền cho nhân viên hoặc duy trì bộ máy doanh nghiệp. Từ đó sinh ra lợi nhuận âm”, ông Thắng nói.

Để giảm bớt gánh nặng tài chính, doanh nghiệp này buộc phải cắt giảm lao động, đóng cửa tới 1/3 tổng số nhà hàng tại Hà Nội và TP.HCM.

“Áp lực lớn nhất trong mùa dịch chính là chi phí thuê mặt bằng. Trong trường hợp chủ mặt bằng thông cảm được, họ sẵn sàng miễn, giảm cho chúng tôi tiền thuê. Nhưng cũng có trường hợp chủ nhà không đồng ý thương lượng, nên buộc phải đóng cửa”, ông Thắng chia sẻ.

Trong báo cáo mới về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, Tổng cục Thống kê cho biết, bán lẻ và dịch vụ là ngành chịu nhiều ảnh hưởng xấu nhất trong năm, đặc biệt trong quý III/2021, GDP toàn ngành tăng trưởng âm 28,1%.

Trong khi đó, tại kết quả khảo sát mới đây của Sapo trên 15.000 nhà bán lẻ cho thấy, 75,2% nhà bán hàng cho biết cho biết doanh thu của họ không tăng trưởng so với năm 2020, trong đó có tới 37,1% nhà bán hàng bị giảm sút doanh thu trên 30%. 

Chỉ 7% nhà bán hàng cho biết họ không gặp ảnh hưởng hoặc có sự tăng trưởng kinh doanh ngay trong mùa dịch, chủ yếu thuộc nhóm ngành: Tạp hóa - siêu thị mini, Thực phẩm; Chăm sóc sức khỏe, Đồ Mẹ và Bé; Mỹ phẩm.

Cũng theo kết quả của Sapo, ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú (F&B) có sự suy giảm lớn nhất; 79,8% chủ nhà hàng, quán ăn, quán cafe cho biết họ không chỉ gặp tình trạng sụt giảm doanh thu, cắt giảm nhân viên mà nhiều nhà hàng phải đóng cửa, đóng chi nhánh, tạm ngừng kinh doanh vô thời hạn.

Mặt khác, nhóm nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử và các kênh trực tuyến vẫn dẫn đầu các nhóm ngành có sự tăng trưởng doanh thu ngay trong mùa giãn cách xã hội.

Tuy tỷ trọng giảm sút so với năm 2020 nhưng sự duy trì vị thế dẫn đầu của bán hàng trực tuyến trong hai năm vừa qua cũng chứng tỏ ưu thế của hình thức kinh doanh này trong các giai đoạn khó khăn của nền kinh tế. 
Bài học xương máu cho các doanh nghiệp dịch vụ

Sau 2 năm chống chọi với COVID-19, các doanh nghiệp dịch vụ đã rút ra những bài học kinh nghiệm và biện pháp ứng phó hiệu quả.

Trong đó, biện pháp ứng phó với tình huống tương tự giãn cách xã hội được các nhà bán hàng ưu tiên lựa chọn là áp dụng quy trình vận hành mới, và triển khai kênh bán hàng thay thế, bán hàng đa kênh, thay vì mô hình mở cửa hàng trực tiếp như trước đó.

Sau 2 năm chống chọi với COVID-19, các doanh nghiệp dịch vụ đã rút ra những bài học kinh nghiệm và biện pháp ứng phó hiệu quả.
Sau 2 năm chống chọi với COVID-19, các doanh nghiệp dịch vụ đã rút ra những bài học kinh nghiệm và biện pháp ứng phó hiệu quả.

Bên cạnh đó, chủ nhà hàng, chủ shop, chủ doanh nghiệp bán lẻ áp dụng nhằm đối phó với dịch bệnh và giãn cách xã hội bao gồm: Cắt giảm chi phí cửa hàng và mặt bằng; Chuyển đổi mặt hàng cung ứng để phù hợp với tình hình thực tế, Phát triển hoặc kinh doanh dòng sản phẩm mới; Phân bổ nguồn vốn để đầu tư sang lĩnh vực khác (ngoài bán lẻ và dịch vụ ăn uống); Lập kế hoạch dự phòng ngân sách.

Theo Sapo, từ cuối năm 2021, nhờ độ phủ vaccine Covid-19 và các chính sách kích cầu kinh tế, Việt Nam dần kiểm soát dịch bệnh và thích ứng với trạng thái bình thường mới. Nhu cầu tiêu dùng một lần nữa trở thành động lực cho tăng trưởng; Bán lẻ và Dịch vụ sẽ là hai ngành đón đầu xu hướng chi tiêu hậu giãn cách, hứa hẹn một triển vọng tươi sáng hơn trong năm 2022. 

Kết thúc năm 2021, có 46,7% nhà bán hàng tin tưởng thị trường bán lẻ sẽ phục hồi; 14,5% nhà bán hàng kỳ vọng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tới. 

Tuy nhiên, vẫn có 9,4% nhà bán hàng bi quan về tình hình kinh doanh năm 2022. Những tác động xấu của dịch bệnh và giãn cách xã hội vẫn tiếp tục ảnh hưởng cục bộ đến nhiều khu vực, trong đó ngành bán lẻ và ngành dịch vụ, ăn uống vẫn đang gánh chịu những hậu quả nặng nề. 

Đặc biệt, sự xuất hiện của biến thể mới Omicron có thể làm chậm quá trình phục hồi của nền kinh tế. 

Bản thân các cửa hàng bán lẻ và dịch vụ ăn uống đã nỗ lực thích ứng thời gian qua sẽ cần tiếp tục phát huy các biện pháp sáng tạo thời gian tới. Trong đó, họ cần chú trọng đến nguồn nhân lực, dòng tiền và khách hàng; gia tăng sức đề kháng từ công tác phân tích, dự báo và quản trị rủi ro.

Nguồn: https://congluan.vn/mot-nam-kinh-doanh-the-tham-cua-nganh-dich-vu-an-uong-post176181.html