22/11/2024 | 02:53 GMT+7, Hà Nội

Tháng 10 ngành bán lẻ và dịch vụ phục hồi tốt, tăng 18,5%

Cập nhật lúc: 06/11/2021, 06:15

Sau khi dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát, hàng hoá lưu thông thuận tiện, người dân yên tâm đi mua sắm trở lại giúp cho tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 10-2021 tăng 18,5%.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong tháng 10-2021 tăng 18,5% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 19,52% so với cùng kỳ năm trước.

Sức mua tăng khiến tổng mức bán lẻ cả nước tháng 10 tăng khả quan.
Sức mua tăng khiến tổng mức bán lẻ cả nước tháng 10 tăng khả quan.

Nếu vào những tháng trước do ảnh hưởng bới cả biện pháp phòng chồng dịch nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9-2021 giảm 28,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 giảm mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 giảm 19,8% so với cùng kỳ.

Nhưng ngay trong tháng 10, khi các địa phương dần kiểm soát được dịch bệnh thì nhiều hoạt động bán lẻ, các chợ dân sinh truyền thống được mở cửa trở lại với điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Các hoạt động đi lại, lưu thông, phân phối hàng hóa được thuận lợi, thông suốt hơn; dịch vụ kinh doanh ăn uống mang về hoặc bán tại chỗ (tùy từng địa phương) cũng được hoạt động trở lại.

Một yếu tố giúp thị trường bán lẻ và dịch vụ tăng vào những tháng cuối năm do sau giãn cách hàng hoá lưu thông thuận tiện hơn, đây cũng là giai đoạn chuyển mùa nên nhu cầu mua sắm các mặt hàng như quần áo, thiết bị sưởi ấm, các sản phẩm bổ trợ giáo dục online được người tiêu dùng lựa chọn.

Tuy nhiên, do tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 9 tháng đã ở mức thấp (tăng trưởng âm) do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nhất là các địa phương lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của các địa phương này chiếm tỷ trọng 50-60% của cả nước) nên tính chung 10 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tính giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng, bán lẻ hàng hóa vẫn là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 82,8%; lưu trú và ăn uống chiếm 8,3%; ngành du lịch chỉ chiếm 0,1% và các ngành dịch vụ khác chiếm 8,8%.

Để có thể giúp nền kinh tế phục hồi vào nhưng tháng cuối năm nhiệm vụ quan trong chính là việc đẩy mạnh lưu thông phân phối hàng hóa nhằm bảo đảm cung ứng nguồn hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân giữa các địa phương; Triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước như: tổ chức tháng khuyến mại trên toàn quốc, các chương trình bán hàng lưu động, chương trình bình ổn thị trường.

Song song với biện pháp trên thì Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh các hoạt động đó là kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại thị trường trong nước; Đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa; Tiếp tục triển khai các chương trình, Đề án và Chiến lược phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nguồn: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/thang-10-nganh-ban-le-va-dich-vu-phuc-hoi-tot-tang-185-266816.html