19/01/2025 | 02:08 GMT+7, Hà Nội

Màu sắc của biển hiệu đồng bộ trên phố Lê Trọng Tấn có ý nghĩa gì?

Cập nhật lúc: 13/05/2016, 12:20

Màu sắc biển hiệu trên phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) rất có ý nghĩa với Thủ đô. "Màu đỏ là màu cờ Tổ quốc, màu xanh là vì Hà Nội là TP vì hòa bình", bà Vương Thị Vân Khánh, Chánh Văn phòng UBND quận Thanh Xuân chia sẻ.

Trước những ý kiến trái chiều từ dư luận về hệ thống biển hiệu đồng bộ mặt phố Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội). Chiều 12/5, UBND quận Thanh Xuân đã thông tin tới báo chí về sự việc trên.

Biển hiệu đồng bộ có sự đồng thuận từ các hộ dân

Theo quận Thanh Xuân thông tin, ngày 23/2, UBND TP.Hà Nội giao cho quận này triển khai công tác chình trang bề mặt tuyến phố Lê Trọng Tấn. Qua đó, quận đã phối hợp với Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội xây dựng hồ sơ thiết kế chỉnh trang mặt tiền các công trình. 

Diện mạo hoàn toàn mới trên đường Lê Trọng Tấn sau dự án mở rộng.

Diện mạo hoàn toàn mới trên đường Lê Trọng Tấn sau dự án cải tạo mở rộng tuyến đường này.  

Công trình đường Lê Trọng Tấn hoàn thành đảm bảo chất lượng và tiến độ, để đúng là công trình thí điểm kiểu mẫu của Thủ đô. Một con đường đẹp về cảnh quan, đẹp trong cách làm mô hình mới, phương thức quản lí mới, đẹp trong sự đồng thuận của nhân dân. 

Trao đổi với báo chí, bà Phạm Thị Hương, Trưởng phòng Văn hóa Thông tin (quận Thanh Xuân), cho biết, màu sắc cũng như kích cỡ của biển quảng cáo đưa ra đều có sự lấy ý kiến, đồng thuận từ phía người dân. 

Việc đồng bộ quảng cáo trên tuyến đường được cho là kiểu mẫu này đang vấp phải sự tranh luận của dư luận.

Việc đồng bộ quảng cáo trên tuyến đường được cho là kiểu mẫu này đang vấp phải sự tranh luận của dư luận. 

Theo bà Hương, cơ quan chức năng đã tổ chức họp, phát phiếu thăm dò, lấy ý kiến người dân về phương thức và cách làm. Số hộ gia đình và tổ chức đã thống nhất  chủ trương là 153, còn lại 6 hộ không cư trú tại Hà Nội nhưng sau cuộc họp đã gửi phiếu thống nhất ý kiến. Quận có đầy đủ hồ sơ biên bản cuộc họp và phiếu lấy ý kiến của dân. 

Đồng thời, quận Thanh Xuân cũng đã vận động các hộ dân sống 2 bên tuyến phố cùng tham gia chỉnh trang đô thị như: tháo dỡ mái che, mái vẩy, biển hiệu quảng cáo được lắp đặt tự phát, không đồng bộ về kích thước và kiểu dáng.   

Tuyến phố được chỉnh trang, sạch sẽ. 

Về số kinh phí để làm biển hiệu, bà Hương cho biết, các biển hiệu hai bên đường, cửa hàng được thiết kế đồng mức về chiều cao, đồng cấp, đồng chất liệu và thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Qua đó, tập đoàn Vingroup đã ủng hộ 1,7 tỉ đồng làm 157 biển hiệu này.

Nói về màu sơn trang trí biển hiệu gây tranh cãi, bà Hương cho rằng quận Thanh Xuân thống nhất với Sở Quy hoạch - Kiến trúc màu cơ bản là xanh và đỏ, được người dân đồng tình.

Chính quyền tiếp tục tiếp thu ý kiến

Liên quan tới màu sắc biển hiệu mà dư luận đang quan tâm, bà Vương Thị Vân Khánh, Chánh Văn phòng UBND quận Thanh Xuân cho rằng màu sắc biển hiệu rất có ý nghĩa với Thủ đô. "Màu đỏ là màu cờ Tổ quốc, màu xanh là vì Hà Nội là TP vì hòa bình", bà Khánh nói. 

Biển hiệu tại tuyến đường kiểu mẫu này có hai màu là xanh và đỏ.

Biển hiệu tại tuyến đường kiểu mẫu này có hai màu là xanh và đỏ. 

Bà Khánh cũng cho biết, đây là công trình do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, quận Thanh Xuân chỉ thực hiện trang trí. Công trình này là công trình kiểu mẫu đầu tiên do Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo khi lên làm chủ tịch.

Bên cạnh đó, Giám đốc Sở VH-TT-DL Hà Nội Tô Văn Động cho biết, tại tuyến đường Lê Trọng Tấn có 2 loại biển gồm biển hiệu và biển quảng cáo. Đối với biển hiệu, quận Thanh Xuân đã lấy ý kiến của người dân và được người dân đồng thuận. 

Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục tiếp nhận ý kiến của người dân về việc xây dựng tuyến đường kiểu mẫu này.

Chính quyền địa phương, cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục tiếp nhận ý kiến của người dân về việc xây dựng tuyến đường kiểu mẫu này. 

Riêng với biển quảng cáo sẽ phải xin phép Sở cấp phép lắp dựng. Sở căn cứ vào ý kiến đóng góp của dư luận, khi cấp phép sẽ hướng dẫn các đơn vị thực hiện cho phù hợp, đảm bảo đẹp cả ban ngày lẫn ban đêm.

Chia sẻ thêm, ông Động cũng cho rằng việc đồng bộ hóa biển hiệu tại đường Lê Trọng Tấn đang trong quá trình thí điểm, phải thực hiện để người dân đóng góp ý kiến, trên cơ sở đó lắng nghe và điều chỉnh cho phù hợp rồi tiếp tục nhân rộng ra các tuyến phố khác./.