19/01/2025 | 02:42 GMT+7, Hà Nội

Mặt bằng cho thuê "ngấm đòn" Covid-19, đất vàng phố cổ lại ế ẩm

Cập nhật lúc: 08/08/2020, 06:00

Reatimes.vn Dù giá thuê giảm tới 30%, thậm chí 50% nhưng hàng quán, cửa hiệu treo biển cho thuê đã lâu nay vẫn nằm im lìm. Và cả nơi Phố cổ vốn được ví là đất vàng thì nay cũng ắng yên bởi dịch bệnh.

Kịch bản tích cực đã không xảy ra

Một dự báo của CBRE Việt Nam cho hay, nếu dịch bệnh Covid-19 có thể được kiểm soát trong quý II/2020 (kịch bản 1), nhiều khả năng tỷ lệ trống tại khu vực trung tâm sẽ được giữ ổn định đến cuối năm, trong khi tỷ lệ trống tại khu ngoài trung tâm có thể sẽ tăng nhẹ 1 - 2 điểm phần trăm. Trường hợp dịch bệnh kéo dài tới tháng 9/2020 (kịch bản 2), tỷ lệ trống sẽ tăng ở cả hai thị trường, trong đó, tỷ lệ trống tại khu ngoài trung tâm sẽ tăng mạnh hơn, từ 5 - 7 điểm phần trăm. 

Tuy nhiên, kịch bản 1 như dự báo đã không thể xảy ra khi mới đây, dịch Covid-19 đã tái bùng phát ở Đà Nẵng, tại Hà Nội cũng ghi nhận 2 ca nhiễm bệnh. Sự bùng phát trở lại của dịch bệnh ngay lập tức đã dấy lên những làn sóng đe dọa cuốn đi những cố gắng, phục hồi của nền kinh tế trong thời gian qua, đặc biệt là với thị trường bất động sản. Hàng loạt nhà hàng, quán ăn vừa mới mở cửa trở lại sau chuỗi ngày "cửa đóng then cài" do giãn cách xã hội nay lại đứng trước nguy cơ phải tạm ngừng hoạt động...

Cửa hàng pizza tại số 106 Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội) là nơi làm việc của ca nhiễm Covid-19 số 447 đã đóng cửa từ hôm 29/7.

Quận Cầu Giấy là nơi tập trung nhiều văn phòng, trụ sở công ty với mật độ dân cư tương đối cao. Giá thuê mặt bằng kinh doanh tại đây dao động từ 200.000 - 300.000 đồng/m2/tháng. Tuy nhiên, dưới tác động của dịch bệnh cũng như việc thực hiện giãn cách xã hội trong tháng 4 vừa qua, không ít cửa hàng đã phải đóng cửa, shop quần áo, nhà hàng quán ăn phải trả lại mặt bằng. Hồi phục chưa lâu sau đợt giãn cách xã hội, nay, đợt sóng thứ 2 của dịch bệnh dự báo sẽ khiến số lượng người thuê, giá thuê sẽ giảm mạnh.

Virus lây lan nhanh giữa người với người, nhưng, có thể thấy tác động của chúng trên bất động sản cũng nhanh không kém. Từ quận Cầu Giấy sang tới Ba Đình, theo ghi nhận của phóng viên Reatimes, hàng loạt cửa hàng trên những tuyến phố như Kim Mã, Nguyễn Thái Học... đã phải đóng cửa, gắn biển tìm người thuê.

Nhiều cửa hàng trên tuyến phố Kim Mã, Nguyễn Thái Học đóng cửa, tìm người thuê

Mặt bằng cho thuê được dự báo sẽ còn ế ẩm 

Bất động sản khu vực phố cổ trước kia vẫn được coi là đất vàng, đất bạc hay cả là đất kim cương. Nhưng từ khi Covid-19 xuất hiện, những khu phố sầm uất, đông nghẹt người trở nên vắng lặng. Sau làn sóng tác động đầu tiên của Covid-19, giá cho thuê mặt bằng phố cổ đã giảm 10 - 30% mà vẫn không có người thuê.

Hay như tại quận Ba Đình, trước khi dịch bệnh xuất hiện, giá cho thuê, sang nhượng mặt bằng ở đây khá cao. Đơn giản vì càng gần trung tâm thì giá nhà càng đắt. Tham khảo các website môi giới, giá cho thuê mặt bằng kinh doanh khu vực quận Ba Đình là hơn 300.000 đồng/m2/tháng. Giá này chưa bao gồm “thuế Covid-19”. Tuy nhiên, khi dịch bệnh diễn ra, dù được giảm tiền thuê, nhiều người thuê nhà vẫn không thể tiếp tục gánh các loại chi phí, chấp nhận mất tiền cọc và trả lại mặt bằng.

Theo các chuyên gia CBRE Việt Nam, việc trả mặt bằng tại các trung tâm thương mại diễn ra không nhiều do khách thuê nhận được hỗ trợ về việc giảm hoặc miễn giá thuê trong thời gian giãn cách xã hội. Tuy nhiên, việc trả mặt bằng kinh doanh nhà phố diễn ra phổ biến hơn, chủ yếu là từ những đơn vị kinh doanh nhà phố nhỏ lẻ, không đủ tiềm lực duy trì kinh doanh dài hạn.

Phố Tạ Hiện vốn đông đúc nay cũng vắng khách do lo ngại sự bùng phát dịch bệnh Covid-19

Từ sau khi Chính phủ yêu cầu thực hiện giãn cách xã hội, hầu hết các ngành hàng buộc phải đóng cửa ngoại trừ ngành hàng thiết yếu. Việc sụt giảm doanh thu đã khiến cho khách thuê không chịu nổi sức ép tiền thuê và dẫn đến việc trả mặt bằng trước thời hạn. Tình trạng trả mặt bằng và sang nhượng là một điều bắt buộc để duy trì mức “tồn tại” đối với các doanh nghiệp nói chung, sự việc này diễn ra nhiều nhất ở các nhà hàng, quán ăn uống và beer-club… chiếm tỷ lệ đến 90% so với các mô hình còn lại.

Đối với những thương hiệu kinh doanh theo chuỗi, việc đóng cửa một số cửa hàng nhà phố, đồng thời phối hợp với chính sách tái cấu trúc hoặc cắt giảm lương cho nhân viên cũng là một giải pháp ngắn hạn nhằm ổn định lại nguồn ngân sách đang gặp nhiều khó khăn.

Dọc các tuyến phố Mã Mây, Đinh Liệt, Tạ Hiện, Hàng Bông, Hàng Gai… các nhà hàng, quán ăn đều cửa đóng then cài, bên cạnh biển hiệu là bảng chữ “Cho thuê nhà”.

Hàng Ngang, Hàng Đào vốn là tuyến phố giao thương buôn bán nổi tiếng lâu đời, nay cũng không thoát khỏi cảnh ế ẩm.

Ông Lê Tuấn Bình, Trưởng Bộ phận cho thuê thương mại (Savills Hà Nội) cho biết: “Việc đưa ra quyết định thuê mới mặt bằng gần như sẽ chỉ xảy ra vào giai đoạn cuối năm 2020 hoặc đầu năm 2021 khi thị trường rõ ràng hơn về khả năng phục hồi. Hiện tại, các nhà bán lẻ sẽ tập trung vào việc đàm phán lại với chủ nhà về điều kiện thuê cũng như các phương án hỗ trợ. Sau giai đoạn “bình thường mới”, các mặt bằng bán lẻ đứng trước cơ hội lớn để tự điều chỉnh các chỉ số của thị trường như giá thuê, cung và cầu… Đặc biệt, đây là cơ hội để cho các nhà bán lẻ tiếp cận với các “vị trí vàng” trước đây chưa bao giờ được chào trên thị trường với mức giá hợp lý hơn”.