26/11/2024 | 11:13 GMT+7, Hà Nội

Mất an toàn lao động tại các công trình xây dựng: Bài học đắt giá và trách nhiệm của người đứng đầu

Cập nhật lúc: 05/01/2021, 10:01

Hậu quả của nhiều vụ tai nạn liên quan tới thi công xây dựng là đặc biệt nghiêm trọng và nó cho thấy nhiều "lỗ hổng" trong công tác đảm bảo thi công tại các công trường xây dựng hiện nay.

Chiều ngày 02/01/2021, sự việc nhiều công nhân thi công tại tòa nhà trụ sở Sở Tài chính Nghệ An ở đường 3/2, TP Vinh bất ngờ xảy ra sự cố rơi thang vận hành khiến hàng chục công nhân bị thương đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần thắt chặt hơn công tác quản lý hoạt động xây dựng, đặc biệt là các vấn đề về an toàn lao động.

Vụ rơi thang tại Nghệ An - Cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu
Vụ rơi thang tại Nghệ An - Cần làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu

Được biết, công trình trụ sở làm việc Sở Tài chính Nghệ An có quy mô 9 tầng nổi, 1 tầng hầm, do Sở Tài chính Nghệ An làm chủ đầu tư với số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng được khởi công từ tháng 1-2020, dự kiến hoàn thành sau hơn 2 năm. Đơn vị thi công là Công ty cổ phần thi công cơ giới và xây lắp 171.

Xử phạt chưa đủ sức răn đe?

Theo quy định tại Điều 142 Bộ luật Lao động 2012, “Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động”. Như vậy, tai nạn lao động là những tai nạn xảy ra trong quá trình lao động gắn với việc thực hiện công việc hay nhiệm vụ. Khi có sự cố xảy ra trên các công trình thi công xây dựng thì trước hết phải dừng thi công, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, sau đó tìm hiểu để biết rõ trách nhiệm thuộc về đơn vị nào. 

Đáng nói, trong khi thi công các công trình xây dựng, có không ít những nhà thầu coi công tác bảo đảm an toàn chỉ là thứ yếu nên thực hiện công tác này một cách đối phó và không đúng quy định. Trong khi đó, chủ đầu tư cũng như cơ quan chức năng cũng chưa thực sự quan tâm, kiểm tra, xử lý… Đến khi có tai nạn xảy ra lại "đá bóng" trách nhiệm. Trong các vụ tai nạn lao động, trách nhiệm trước hết thuộc về nhà đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát, thi công, nhà thầu, ban quản lý dự án…

Bên cạnh đó, cần tìm hiểu và truy cứu trách nhiệm của chủ đầu tư, tư vấn, giám sát, năng lực hành nghề của công nhân tham gia xây dựng. Sau khi xác định rõ mới có thể quy kết trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai. Trách nhiệm của cán bộ giám sát về an toàn lao động thể hiện qua hợp đồng lao động, nội dung phân công, phân nhiệm, quyết định giao nhiệm vụ tại công trường. Đơn vị thi công cũng phải có trách nhiệm chứ không chỉ chủ đầu tư có trách nhiệm khi có tai nạn, sự cố xảy ra.

Hậu quả của nhiều vụ tai nạn liên quan tới thi công xây dựng là đặc biệt nghiêm trọng
Hậu quả của nhiều vụ tai nạn liên quan tới thi công xây dựng là đặc biệt nghiêm trọng

Các chuyên gia về an toàn lao động nhận định, một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tai nạn lao động trong các công trình xây dựng cao tầng là tình trạng các doanh nghiệp xây dựng sử dụng nhà thầu và khoán trắng an toàn ở công trường cho nhà thầu, công tác đảm bảo an toàn lao động tại các công trình xây dựng chưa được thực hiện triệt để.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Như Văn - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH) từng khẳng định: "Các văn bản hướng dẫn về thực thi ATLĐ đều có đủ, nhưng vấn đề chính vẫn là ý thức tự giác chấp hành các quy định an toàn lao động (ATLĐ) từ nhà thầu cho đến các công nhân. Nhiều nhà thầu không cấp đủ các trang thiết bị bảo hộ ATLĐ cho công nhân. Việc huấn luyện kiến thức về ATLĐ cho lao động đôi khi chỉ làm theo hình thức. Đặc biệt, nhiều CĐT khoán trắng cho lao động, thiếu sự kiểm tra.Vấn đề kiểm tra sức khỏe của công nhân, nhất là những người phải làm việc trên độ cao, cũng thường bị các nhà thầu bỏ qua hoặc có kiểm tra thì cũng làm sơ sài. Trong khi đó, có nhiều người bị bệnh tim hoặc sợ độ cao, khi phải làm việc trên cao sẽ rất nguy hiểm tới tính mạng".

Theo luật sư Nguyễn Thanh Tùng (Đoàn luật sư TP Hà Nội), trên thực tế việc xác định cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp đối với những vụ tai nạn giao thông gây chết người do thi công công trình lại là vấn đề nan giải. Hơn nữa, luật chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân cụ thể chứ không phải với pháp nhân (công ty, tổ chức) trong khi tại các công trình việc phân chia trách nhiệm thường không được rõ ràng. Có khá nhiều những vụ tai nạn do nhà thầu xây dựng làm ẩu, vô trách nhiệm gây ra nhưng hầu như những vụ việc trên đều bị "chìm xuồng", chỉ dừng lại ở việc bồi thường dân sự.

nâng mức xử phạt để đạt mục đích răn đe và ngăn chặn vi phạm
Cần nâng mức xử phạt để đạt mục đích răn đe và ngăn chặn vi phạm

Bên cạnh đó, các chế tài xử lý trách nhiệm của từng đối tượng trong việc vi phạm an toàn lao động dường như chưa đủ sức mạnh để răn đe đối với các đơn vị tham gia tổ chức thi công công trình xây dựng, nên tai nạn vẫn thường xảy ra.

Đồng quan điểm trên, lãnh đạo Cục ATLĐ cũng cho rằng mức phạt với các doanh nghiệp vi phạm quy định về ATLĐ vẫn còn nhẹ và Bộ LĐTBXH đang đề nghị nâng mức xử phạt để đạt mục đích răn đe và ngăn chặn vi phạm: "Hiện nay, chánh thanh tra được phạt tối đa 20 triệu đồng đối với một hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Mức phạt này, theo tôi vẫn còn quá thấp. Nhưng có một cách còn hiệu quả hơn cả phạt, đó là áp dụng điều 32 của Nghị định 113 về xử phạt các vi phạm pháp luật lao động, các doanh nghiệp bị xử lý sẽ bị "bêu tên" trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nếu ta làm tốt điều này thì các doanh nghiệp sẽ thấy sợ mà phải thực hiện tốt các quy định về ATLĐ" - ông nhấn mạnh.

Bảo đảm An toàn lao động: Không nên chỉ làm theo phong trào

Các công trình xây dựng, dự án công trình giao thông trên địa bàn TP có nguy cơ rủi ro mất an toàn lao động lớn nhất. Theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) 6 tháng đầu năm 2020 trên toàn quốc đã xảy ra 3.349 vụ TNLĐ làm 3.450 người bị nạn. Những địa phương có nhiều người chết vì TNLĐ trong khu vực có quan hệ lao động là: TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh. Đáng chú ý, số người chết liên quan tới lĩnh vực xây dựng chiếm 23,24% tổng số vụ tai nạn và 28,71% tổng số người chết, chủ yếu là ngã cao và vật rơi từ trên cao xuống.

PGS.TS Trần Chủng - Ảnh: Việt Dũng
PGS.TS Trần Chủng - Ảnh: Việt Dũng

PGS.TS Trần Chủng - Trưởng ban chất lượng Tổng hội Xây dựng VN (Nguyên cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng) - đã nhấn mạnh nhiều lần đến yếu tố người đứng đầu khi đề cập tình trạng tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra liên tiếp thời gian vừa qua. "Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta hiện nay về quy chuẩn, tiêu chuẩn, chất lượng công trình được ban hành đầy đủ. Đây là những điều buộc các chủ đầu tư, nhà thầu thi công phải tuân thủ, do đó nếu nói đơn thuần do sự buông lỏng quản lý của các cơ quan nhà nước về lĩnh vực xây dựng thì chưa hoàn toàn thuyết phục. Điều mấu chốt và chủ quan nhất vẫn là con người. Tôi theo nghề đã hàng chục năm, nay nghỉ hưu rồi vẫn còn chưa ngơi nghỉ nên tôi thấm lắm. Quan trọng nhất là cái tâm, lương tâm có day dứt, có trăn trở thì mới chỉ đạo được khối óc, bàn tay để làm thực chất từ vật liệu đến sản phẩm, công trình.

Cũng trong nội hàm con người, tôi muốn nhấn mạnh về trách nhiệm của người đứng đầu. Người đứng đầu ở đây không phải là vị bộ trưởng ngành hay chủ tịch một tỉnh, thành phố mà người đứng đầu ở đây là người liên quan trực tiếp tới công trình đang xây dựng, đó là đứng đầu một tập đoàn, công ty, xí nghiệp, hoặc đơn giản là chủ thầu, chỉ huy công trình hay đội trưởng thi công. Người đứng đầu có nghiêm, đàng hoàng mới duy trì được kỷ luật trong toàn hệ thống. Người đứng đầu có tâm thì mới lan tỏa được ý thức, tính trách nhiệm trong mỗi người lao động và ngược lại" - PGS.TS nhấn mạnh.

Chính vì thế, rất cần thiết phải tuyên truyền, tổ chức huấn luyện, tập huấn, trang bị kiến thức cho người lao động, nhất là những đối tượng vận hành, sử dụng máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về ATVSLĐ ở các đơn vị, DN. Những việc này phải được làm thường xuyên chứ không phải theo phong trào, định kỳ. Nếu doanh nghiệp không không thực hiện nghiêm quy định về ATLĐ sẽ bị xử phạt. Về việc này, không chỉ TP mà các cấp, ngành, quận, huyện, phường, xã cũng phải đi kiểm tra.

Để chủ động phòng ngừa tai nạn lao động, chấn chỉnh công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là đối với an toàn lao động trong thi công xây dựng, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt công tác này.

Cụ thể, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả các vụ tai nạn lao động, kịp thời thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình có người bị chết và bị thương nhanh chóng ổn định, vượt qua khó khăn, mất mát.

Thông tin, tuyên truyền về thiệt hại, sự cố mất an toàn lao động dẫn đến xảy ra tai nạn lao động liên tục xảy ra trong thời gian qua.

Bảo đảm ATLĐ - Không nên chỉ làm theo phong trào
Bảo đảm ATLĐ - Không nên chỉ làm theo phong trào

Tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế", Luật An toàn, vệ sinh lao động, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong thi công xây dựng, đặc biệt là người lao động phải được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; trang bị, sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân; bố trí người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; kiểm định các thiết bị an toàn...

Chỉ đạo các ngành có liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn lao động đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các công trình xây dựng trên địa bàn đối với các nhóm lao động, tổ, đội có thuê mướn lao động để cải tạo nhà ở, nhà xưởng, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát thực hiện nghiêm việc quản lý chất lượng các công trình nhà xưởng, nhà công nghiệp có sử dụng kết cấu vách ngăn tường bao che, tường ngăn kích thước lớn theo văn bản 1914/BXD-GĐ ngày 14/8/2019 của Bộ Xây dựng. Kiên quyết đình chỉ thi công nếu không đảm bảo an toàn cho người lao động, xử lý các hành vi, vi phạm quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động theo Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.