21/11/2024 | 17:03 GMT+7, Hà Nội

Masan tham vọng xây dựng hệ sinh thái hàng tiêu dùng Việt

Cập nhật lúc: 30/12/2019, 07:20

Mới đây, Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan đề nghị chào mua 60% cổ phần của Công ty CP Bột giặt Net. Có thể nói, đây chính là động thái nhằm thực hiện tham vọng xây dựng hệ sinh thái hàng tiêu dùng Việt của Masan.

Masan chào mua hãng bột giặt 50 năm tuổi

Sau thương vụ đình đám tiếp nhận lại hệ thống của hàng bán lẻ, siêu thị Vinmart và Vinmart + của Vingroup, Tập đoàn Masan tiếp tục chào mua công khai 60% cổ phần của Công ty CP Bột giặt NET (NETCO) với giá 48.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức định giá doanh nghiệp 46 triệu USD, thông qua một công ty mới thành lập - Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, MCH).

Masan HPC là công ty thuộc ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình vừa được Công ty CP Hàng tiêu dùng Masan thành lập ngày 20/12. Công ty này do ông Phạm Hồng Sơn, Phó tổng giám đốc Masan Consumer, là Chủ tịch kiêm người đại diện pháp luật. Với mức giá Masan đang mua, hãng bột giặt Việt 50 năm tuổi được định giá khoảng 46 triệu USD, hệ số giá trên thu nhập (P/E) xấp xỉ 19.

Bột giặt NET là đang là đối tác chiến lược của Unilever trong việc cung ứng các sản phẩm chất tẩy rửa

Công ty CP Bột giặt NET tên giao dịch là NETCO, thành viên của VINACHEM (Tập đoàn hóa chất Việt Nam), tọa lạc tại đường số 8 - Khu công nghiệp Biên Hòa I – Đồng Nai. NETCO khởi đầu sự nghiệp của mình vào năm 1968.

NETCO có 02 nhà máy, 01 tại Hà Nội và 01 tại Biên Hòa. Công suất thiết kế hiện tại: 180.000 tấn bột giặt và 90.000 tấn tẩy rửa lỏng. Hiện nay, NETCO là đối tác chiến lược của Unilever trong việc cung ứng các sản phẩm chất tẩy rửa có chất lượng cao như: Bột giặt OMO, bột giặt Surf, nước rửa chén Sunlight, nước lau sàn nhà VIM…

Ngoài việc cung ứng các sản phẩm cho Unilever, Công ty CP bột giặt NET còn cung ứng một lượng lớn bột giặt, nước rửa chén cho thị trường xuất khẩu như: Nhật Bản, Úc, NewZealand, các nước ASEAN, Châu Mỹ, Châu Phi…

Năm 2018, doanh thu thuần của Bột giặt NET là 1.117 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 57 tỷ đồng. Thị phần hiện tại của công ty trong ngành hàng bột giặt là 1,5%. Đây là con số tương đối khiêm tốn nếu so sánh với các đại gia ngoại như Unilever với 54,9% thị phần, Procter & Gamble (P&G) với 16% thị phần.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Euromonitor – Tập đoàn nghiên cứu thị trường của Anh, chăm sóc cá nhân và gia đình là một trong những lĩnh vực lớn và hấp dẫn nhất tại Việt Nam với giá trị thị trường khoảng 3,1 tỷ USD. Đây chính là miếng bánh khổng lồ cho Masan thâu tóm thị trường nếu đơn vị này mua thành công Công ty Bột giặt NET.

Và gạch nối cho tham vọng xây dựng hệ sinh thái tiêu dùng Việt

Khi Vingroup bắt tay với Masan thực hiện thương vụ mua bán Vinmart, Vinmart + và VinEco, Vingroup cho biết, việc chọn Masan để chuyển giao hệ thống bán lẻ lớn nhất Việt Nam này là chọn đúng người tiếp tục “giương cao ngọn cờ hàng Việt”.

Masan – một doanh nghiệp sản xuất thuần túy tiến vào mảng bán lẻ là lựa chọn khiến các chuyên gia kinh tế thận trọng nhất cũng phải bất ngờ. Giờ đây, Masan công bố muốn thâu tóm Bột giặt NET – doanh nghiệp ngành sản xuất hóa mỹ phẩm lại càng là sự kiện lạ lùng, bất ngờ. Vì đây đều là những ngành mà Masan yếu thế. Vậy mục đích của doanh nghiệp này là gì?

Masan đang nuôi một tham vọng lớn vươn ra biển lớn

Việc Masan muốn mua lại hãng bột giặt Việt 50 năm tuổi – NET chính là Masan đã phát đi thông điệp cho thấy đơn vị này muốn dùng hệ thống bán lẻ hiện hữu để gia tăng diện phủ sóng sản phẩm của Bột giặt NET và gia tăng danh mục sản phẩm mà doanh nghiệp này gọi là “sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình”.

Trong khi, “sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình” chính là các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, được chia thành hai mảng bao gồm: Mảng chất tẩy rửa và chăm sóc da; mảng thực phẩm, gia vị, đồ uống, vệ sinh răng miệng.

Hai toan tính có phần lạ lùng và mạo hiểm ấy đã nói lên tham vọng không nhỏ của Masan đó chính là tạo ra hệ sinh thái hàng tiêu dùng Việt. Đồng thời nói lên tiềm lực thực sự của doanh nghiệp Việt.

Việc thâu tóm lần này đã đưa Masan vào tận bếp của người Việt. Khi không chỉ cung cấp từ thực phẩm (rau, củ, quả, thịt…) tới gia vị (nước mắm, tương ớt, xì dầu…), giờ đây, Masan còn cung cấp chất tẩy rửa để hoàn thành công đoạn cuối cùng của nhà bếp, đem đến một không gian bếp sạch bóng kin kít.

Ngoài ra, tại Việt Nam, thị trường của hai mảng này đang thuộc về các đại gia ngoại như Unilever với 54,9% thị phần, Procter & Gamble (P&G) với 16% thị phần. Trong đó, Unilever kinh doanh rất nhiều các nhãn hàng như: OMO, P/S, Clear, Pond's, Knorr, Lifebuoy, Sunsilk, VIM, Lipton, Sunlight, VISO, Rexona... và đã trở thành những cái tên quen thuộc với các hộ gia đình Việt Nam. Theo ước tính, mỗi ngày có khoảng 35 triệu sản phẩm của Unilever được sử dụng bởi người tiêu dùng trên toàn quốc.

Tại phân khúc chất tẩy rửa, các doanh nghiệp nước ngoài đã chiếm 70,9%, chỉ còn lại 28,1% dành cho các nhà nhà sản xuất nội lại chen chúc nhau, với hoạt động chủ chốt là gia công cho hãng ngoại. Như vậy, doanh nghiệp ngoại đang bá chủ thị trường này tại Việt Nam.

Nhưng trong khi Unilever, P&G chưa thực sự sở hữu chuỗi bán lẻ có thương hiệu thì Masan đã kịp nhận chuyển giao chuỗi bán lẻ Vinmart và Vinmart + và muốn mua lại NET. Đây cũng là cách Masan thay đổi dần thói quen của người tiêu dùng.

Nói cách khác, từ nhà sản xuất, tham gia vào thị trường bán lẻ, chất tẩy rửa là tham vọng của Masan trong cuộc trường chinh giành lại thị trường cho hàng Việt trước các doanh nghiệp ngoại, được dựa trên tiền đề cơ bản là tính dân tộc và chất lượng vượt trội của hàng Việt. Và khát vọng vươn ra thế giới của Masan.

Chưa bao giờ thị trường Việt Nam chứng kiến cuộc phân chia thị trường lớn đến thế của những doanh nghiệp nội. Việc thâu tóm Bột giặt NET, cũng chỉ là mảnh ghép nhỏ trong những nỗ lực đòi lại thị trường của doanh nghiệp nội.