19/01/2025 | 10:15 GMT+7, Hà Nội

Lượng giá giá trị du lịch tại Vườn quốc gia Cát Bà, thành phố Hải Phòng

Cập nhật lúc: 29/08/2023, 18:35

Với giá trị sinh học cao và nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, Cát Bà hoàn toàn có cơ sở để điều chỉnh các tuyến du lịch sinh thái, hướng đến trở thành điểm du lịch trọng điểm trong tổ hợp Cát Bà – Tuần Châu – Hạ Long.

Tóm tắt: Vườn quốc gia Cát Bà nằm trên đảo Cát Bà, huyện Cát Hải - thành phố Hải Phòng với tổng diện tích 16.196,8 ha. VQG Cát Bà là một trong những khu sinh thái được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Với giá trị sinh học cao và nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, Cát Bà là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách bởi chất lượng môi trường tốt, lượng khách đến VQG hàng năm tương đối lớn. Nghiên cứu đã đánh giá giá trị du lịch của VQG Cát Bà và xác định được hàm cầu du lịch cho vườn là: VR=26.93-0.001275TC. Kết quả ước lượng giá trị du lịch của VQG Cát Bà bằng phương pháp TCM cho thấy, tổng giá trị du lịch của VQG Cát Bà là 28,4 tỷ đồng đồng/năm (nội địa) và thặng dư lợi ích của mỗi du khách là 50.980 đồng. Từ đó, nghiên cứu đề xuất giải pháp chính là điều chỉnh các tuyến du lịch sinh thái góp phần đưa VQG Cát Bà trở thành điểm du lịch trọng điểm trong tổ hợp Cát Bà – Tuần Châu – Hạ Long.

Đặt vấn đề

Du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt hoạt động du lịch dựa vào môi trường tự nhiên ngày càng thu hút khách du lịch. Lượng khách du lịch tăng dẫn đến những tác động lớn gây thiệt hại đến môi trường. Một trong những nguyên nhân của điều này là do hàng hóa môi trường không được định giá trên thị trường, giá trị cảnh quan khu du lịch luôn phải đứng sau những giá trị trực tiếp khác. Do vậy nghiên cứu đánh giá giá trị cảnh quan khu du lịch là điều rất cần thiết. Mặc dù trên thế giới đã có rất nhiều các nghiên cứu xác định giá trị du lịch giải trí bằng cách sử dụng phương pháp chi phí du lịch, tuy nhiên ở Việt Nam số lượng các nghiên cứu này còn rất hạn chế.

Việt Nam có địa hình đa dạng, khí hậu thuận lợi để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái, một trong những ngành vừa mang lại giá trị kinh tế cao lại gìn giữ được cảnh quan tự nhiên nếu có những biện pháp và chính sách đúng đắn. Vườn quốc gia Cát Bà là một trong những khu sinh thái được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Với giá trị sinh học cao và nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, Cát Bà đã trở thành địa chỉ du lịch quen thuộc với nhiều người, nhất là khách thích đi du lịch sinh thái. Đây là một địa điểm du lịch hấp dẫn du khách bởi có chất lượng môi trường tốt, số lượng du khách đến VQG hàng năm là tương đối lớn. Thế nhưng, giá trị du lịch tại VQG chưa được xác định rõ vì vậy việc khai thác cũng như việc nâng cao nhận thức của người dân trong VQG cũng như khách du lịch trong việc bảo vệ môi trường và cảnh quan chưa được cao. Vì vậy, việc xác định giá trị du lịch của VQG Cát Bà là rất cần thiết để khai thác hợp lý tiềm năng du lịch kết hợp với mục tiêu bảo tồn. 

Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp thu thập tài liệu

Số liệu thứ cấp: Thu thập tài liệu thứ cấp từ Ban quản lý, Hạt Kiểm lâm, Trung tâm Dịch vụ sinh thái và giáo dục môi trường của VQG Cát Bà; Phòng Kế toán, Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải. Nghiên cứu về các nội dung: Các số liệu trong báo cáo hoạt động du lịch của VQG Cát Bà; Các tài liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của huyện Cát Hải.

Số liệu sơ cấp thu được từ quá trình phỏng vấn khách du lịch và Ban quản lý VQG Cát Bà, thành phố Hải Phòng.

Phương pháp chi phí du lịch (TCM: Travel Cost Method)

Bước 1: Thiết kế nghiên cứu. Thu thập thông tin tổng quan về VQG Cát Bà và đối tượng phỏng vấn là khách du lịch và nhà quản lý. Ngoài ra tổng hợp các dữ liệu thứ cấp về VQG Cát Bà.

Nghiên cứu đã thiết lập phiếu điều tra đối với các khách du lịch và nhà quản lý với các nội dung chính là:

+ Thông tin cá nhân của du khách: tên, tuổi, giới tính, nơi ở hiện tại, thu nhập bình quân trên tháng. Những thông tin này giúp cho kết quả điều tra chính xác hơn.

+ Thông tin về điều kiện kinh tế xã hội của du khách: nghề nghiệp hiện tại, điều kiện kinh tế, nhu cầu giải trí, nhu cầu về môi trường.

+ Thông tin về chi phí du lịch: trong bảng hỏi của TCM thì thông tin về chi phí du lịch rất quan trọng bao gồm các thông tin như chi phí đi lại, chi phí tại điểm tham quan

Bước 2: Thu thập dữ liệu tại hiện trường

Tiến hành điều tra các du khách thăm quan tại VQG. Số phiếu phát ra được tính dựa theo công thức Slovins (dẫn từ Consuelo và cộng sự, 2007):

Lượng giá giá trị du lịch tại Vườn quốc gia Cát Bà, thành phố Hải Phòng - Ảnh 1

Trong đó:

n: Kích thước mẫu cần thu thập.

N: Tổng số du khách đến VQG Cát Bà.

e: Mức sai lệnh mong muốn (e=0.05-0.1).

Nghiên cứu chọn mức sai lệnh e = 0.1. Năm 2017, số lượng khách du lịch nội địa đến VQG Cát Bà là 557.864 người và khách du lịch quốc tế là 193.392 người. Trong phạm vi đề tài chỉ tiến hành nghiên cứu với khách du lịch nội địa. Áp dụng công thức 1 tính toán được n=100.  Nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn 100 du khách.

Thu thập thông tin trực tiếp từ việc phỏng vấn Ban quản lý và khách du lịch tại VQG Cát Bà để thu thập thông tin về hoạt động du lịch diễn ra tại VQG. Thu thập đầy đủ các thông tin dữ liệu về tổng số du khách và tính chất thời vụ của hoạt động du lịch trong 1 năm của VQG Cát Bà.

Bước 3: Bước này liên quan đến việc phân chia các vùng xung quanh điểm du lịch.

Phân chia các vùng với các khoảng cách khác nhau và nguồn gốc khách du lịch đến VQG Cát Bà (từ đâu đến, khoảng cách từ vị trí xuất phát đến VQG Cát Bà là bao nhiêu km).

Bước 4: Tính tỷ lệ thăm trên 1.000 dân ở mỗi vùng. Tỷ lệ du lịch trên 1.000 dân ở mỗi vùng được tính theo công thức 2

VR=         (2)

Trong đó: VR: Tỷ lệ du lịch (số chuyến /1.000 dân/năm);

Vi: Số khách  từ vùng i;

n: Kích thước mẫu;

N: Tổng số khách  trong năm;

P: Dân số vùng i (nghìn người);

Tiếp theo là ước tính chi phí du lịch của từng vùng tới điểm VQG Cát Bà. Các chi phí du lịch thường được chia thành 3 nhóm cơ bản: chi phí đi lại, chi phí tại điểm tham quan, chi phí cơ hội của thời gian (là phần thu nhập của du khách bị mất đi do dành thời gian để tham quan hơn là làm việc). Chi phí trung bình của từng vùng được xác lập dựa trên chi phí thành phần của các du khách trong từng vùng.

Bước 5: Xác lập hàm cầu du lịch. Nghiên cứu trước tiên sẽ ước lượng hàm số thể hiện quan hệ giữa tỷ lệ du lịch và chi phí du lịch cùng các biến kinh tế xã hội.

VRi = V(TCi, Si)

Thông thường biến phụ thuộc VR được biểu hiện dưới dạng tỉ lệ du lịch trên 1.000 dân – POPi là dân số của vùng i. Si là các biến kinh tế xã hội của du khách. Hàm số hồi quy sau đó được dùng để ước lượng hàm cầu du lịch thể hiện quan hệ giữa tổng số du khách đến điểm tham quan tương ứng với các mức chi phí du lịch khác nhau.

Bước 6: Khi đường cầu du lịch được xác lập có thể tính thặng dư lợi ích là phần diện tích dưới đường cầu và thặng dư tiêu dùng là phần diện tích dưới đường cầu và trên đường giá thể hiện mức chi phí du lịch trung bình cá nhân

Phương pháp xử lý số liệu

Trên cơ sở các số liệu điều tra, khảo sát thu thập được về VQG Cát Bà và công tác quản lý, xử lý trên địa bàn nghiên cứu, tiến hành tổng hợp và xử lý số liệu bằng phần mềm Excel. Hàm cầu du lịch được hồi quy bằng công cụ regression analysis của excel.

Hàm cầu về du lịch tại VQG Cát Bà (theo VR và TC) được giả định tuyến tính [5], có dạng:

VR = a * TC + b

Trong đó:

– VR là tỷ lệ du lịch/1000 dân;

– TC là chi phí du hành của du khách trong 1 lần du lịch (đồng);

– a là hệ số ước lượng (hệ số góc) khi biến độc lập (TC) thay đổi 1 đơn vị thì giá trị trung bình của biến phụ thuộc (VR) thay đổi |a| đơn vị;

– b là hệ số chặn, đại diện cho các yếu tố gây nhiễu chưa đưa vào hàm, khi biến độc lập (TC) nhận giá trị bằng 0 thì giá trị trung bình của biến phụ thuộc (VR) có giá trị là b (đơn vị).

Kết quả nghiên cứu

1. Đặc điểm mẫu điều tra 

Nghiên cứu đã tiến hành phỏng vấn 100 khách du lịch nội địa. Đặc điểm kinh tế - xã hội được thể hiện ở bảng 1.

Lượng giá giá trị du lịch tại Vườn quốc gia Cát Bà, thành phố Hải Phòng - Ảnh 2
Bảng 1. Thông tin về khách du lịch đã tham gia phỏng vấn 

Kết quả trong bảng 1 cho thấy độ tuổi trung bình của khách du lịch tham gia phỏng vấn là 41 và độ tuổi thường gặp trong mẫu là 24. Về giới tính, khách du lich tham gia phỏng vấn chủ yếu là nữ chiếm 69%, còn nam chiếm 31%. Về trình độ học vấn, đa phần các du khách tới tham quan tại VQG Cát Bà đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, một số có trình độ trên đại học. Thu nhập hàng tháng được khách du lịch trả lời phỏng vấn phổ biến ở khoảng từ 5-10 triệu đồng/tháng. Số lần đến VQG Cát Bà của du khách trung bình là 1.4 lần và thời gian tham quan trung bình là 2.03 ngày, chủ yếu du khách tham quan trong vòng 2 ngày. Khách du lịch tới VQG Cát Bà chủ yếu đi theo nhóm, thông tin được thể hiện ở bảng 2.

Lượng giá giá trị du lịch tại Vườn quốc gia Cát Bà, thành phố Hải Phòng - Ảnh 3
Bảng 2. Số người trong nhóm của khách du lịch đến Vườn quốc gia Cát Bà

Qua bảng thông tin cho thấy đa phần khách du lịch đi theo nhóm từ 2 đến 4 người chiếm 46%, sau đó đến nhóm từ 5 đến 10 người và đặc biệt chỉ có 1 du khách đi cá nhân một mình. Mục đích của du khách khi đến VQG Cát Bà được thể hiện ở bảng 3.

Lượng giá giá trị du lịch tại Vườn quốc gia Cát Bà, thành phố Hải Phòng - Ảnh 4
Bảng 3. Mục đích của du khách khi đến Vườn quốc gia Cát Bà

VQG Cát Bà là một trong những địa điểm du lịch sinh thái với cảnh quan đẹp và trong lành. Trong 100 du khách được hỏi thì có tới 85 người đến VQG Cát Bà với mục địch du lịch, nghỉ ngơi, giải trí (chiếm 85%).  Ngoài ra với một hệ sinh thái đa dạng, quy tụ nhiều động thực vật quý hiếm, VQG Cát Bà cũng được lựa chọn để là nơi học tập, nghiên cứu (chiếm 8%). Một số ít du khách đến VQG vì công việc và mục đích khác.

Có rất nhiều hoạt động yêu thích được du khách lựa chọn khi đến với VQG Cát Bà, trong đó hoạt động ưa thích nhất tại Vườn là thưởng thức cảnh quan thiên nhiên (chiếm 44,13%) và tham quan hang động (chiếm 29.05%). Ngoài ra đi bộ, leo núi và tìm hiểu văn hóa bản địa cũng được một số du khách lựa chọn. Cùng một du khách được hỏi đánh dấu nhiều hoạt động được ưa thích trong một câu hỏi, nên tổng số các hoạt động của du khách tại đây là lớn hơn 100 phiếu phỏng vấn. Các hoạt động ưa thích của du khách khi đến VQG Cát Bà được thể hiện ở hình 1.

Lượng giá giá trị du lịch tại Vườn quốc gia Cát Bà, thành phố Hải Phòng - Ảnh 5
Hình 1. Hoạt động ưa thích khi đến Vườn quốc gia Cát Bà

Đa số được hỏi tỏ ra hài lòng về cảnh quan thiên nhiên độc đáo và khí hậu trong lành, mát mẻ tại Vườn và những khu vực xung quanh. Tuy nhiên, có tới 18% du khách chưa hài lòng khi đến VQG. Đa số khách du lịch được hỏi thì phần lớn than phiền về chất lượng môi trường tại Vườn do vẫn còn xảy ra tình trạng đốt rác, cành cây khô ở hai bên lối đi lên Vườn gây khói bụi và ô nhiễm không khí, số lượng thùng rác còn quá ít (chiếm 44,22%). Ngoài ra cơ sở hạ tầng và dịch vụ vẫn còn khá nghèo nàn, chưa được đầu tư đồng bộ (có tới 32,14% du khách không hài lòng về cơ sở vật chất của VQG và 19,64% về dịch vụ). Hình 2 thể hiện mức độ không hài lòng của khách du lịch đối với một số yếu tố khi đến VQG Cát Bà.

Lượng giá giá trị du lịch tại Vườn quốc gia Cát Bà, thành phố Hải Phòng - Ảnh 6
Hình 2. Mức độ không hài lòng của khách du lịch đối với một số yếu tố khi đến VQG Cát Bà

Chất lượng cảnh quan tại VQG Cát Bà được đánh giá rất cao do tại đây là nơi kết hợp của nhiều hệ sinh thái khác nhau, nguồn tài nguyên đa dạng sinh học phong phú. Do vậy số lượng khách du lịch đến đây ngày càng tăng trong những năm gần đây. Tuy nhiên tại đây còn thiếu hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ cao cấp và sản phẩm du lịch đặc thù là những vấn đề tồn tại của du lịch Cát Bà. Ngoài ra, chất lượng môi trường cũng cần phải cải thiện để lôi kéo thêm nhiều du khách đến với VQG Cát Bà.

2. Xây dựng hàm cầu du lịch 

a. Vùng xuất phát của du khách và tỷ lệ du lịch

Thông tin thu thập được qua bảng phỏng vấn, nghiên cứu chia du khách thành 4 vùng xuất phát tùy thuộc vào khoảng cách trung bình từ điểm xuất phát tới VQG theo các tuyến đường bộ. Một số đặc điểm của các vùng xuất phát của khách du lịch được thể hiện trong Bảng 4.

Lượng giá giá trị du lịch tại Vườn quốc gia Cát Bà, thành phố Hải Phòng - Ảnh 7
Bảng 4. Một số đặc điểm của các vùng xuất phát của khách du lịch

Do VQG Cát Bà không thực hiện thu thập thông tin về vùng xuất phát của khách du lịch, nghiên cứu này giả sử đặc điểm vùng xuất phát của khách trong tổng thể giống như đặc điểm của khách du lịch trong điều tra mẫu ở bảng 4. Từ đó, với tổng lượt khách nội địa tham quan VQG Cát Bà trong năm 2017 là 557.864 lượt. Theo đó, số lượt du khách từ các vùng và tỷ lệ du lịch của từng vùng được tính theo công thức 2.

Kết quả được thể hiện ở bảng 5 sau đây:

Lượng giá giá trị du lịch tại Vườn quốc gia Cát Bà, thành phố Hải Phòng - Ảnh 8
Bảng 5. Tỷ lệ du lịch của du khách theo các vùng xuất phát

Qua đó, ta có thể thấy tỷ lệ du lịch của vùng 1 là cao nhất, tiếp theo lần lượt là vùng 2, vùng 3, vùng 4.

b. Lượng giá các chi phí du lịch

Chi phí cho một chuyến đi tới VQG Cát Bà thường bao gồm các chi phí: chi phí di chuyển đến VQG, chi phí ăn ở, chi phí thuê phương tiện di chuyển tại Vườn, các chi phí khác bao gồm cả chi phí về thời gian (chi phí cơ hội) du khách phải bỏ ra khi đến tham quan tại VQG Cát Bà. Ngoài ra một số du khách còn mua quà lưu niệm và một số chi phí phát sinh khác.

× Chi phí đi lại

Chi phí đi lại của du khách sẽ bao gồm chi phí đi tới VQG và chi phí đi lại trong VQG. Tuy nhiên, đường trong Vườn chủ yếu là đường mòn, các phương tiện không thể đi lại được, du khách phải đi bộ để thưởng thức cảnh quan tại VQG nên chi phí đi lại trong VQG không đáng kể. Do vậy, chi phí đi lại của du khách phụ thuộc vào khoảng cách từ điểm du khách xuất phát tới VQG và phương tiện đi lại.

Với du khách đến VQG Cát Bà, các du khách từ vùng 3,4 thường đi xe khách tới thành phố Hải Phòng rồi từ Hải Phòng đến VQG Cát Bà bằng phà  hoặc đi theo tour. Kết quả khảo sát cho thấy, du khách đi theo đoàn lớn thường chọn thuê xe từ 15-24 chỗ ngồi. Các du khách từ vùng 1 ở gần thường chọn phương tiện bằng xe máy hoặc sử dụng ô tô riêng.

Chi phí đi lại của du khách được tính bằng thống kê các số liệu trong bảng hỏi với khoảng cách đi được phân bố theo khoảng cách vùng. Mức giá nhiên liệu theo giá thị trường tháng 4/2018 là: 20.500 đ/lít

- Đối với xe máy:

+ Giả sử xe máy giá trung bình là 20 triệu đồng, tỷ lệ khấu hao là 10% một năm ứng với 2 triệu đồng/ năm và một năm đi được khoảng 10.000 km, vậy mức khấu hao là 200 đ/km (Trong thời gian sử dụng không có sửa chữa lớn).

+ Xe máy đi trung bình 100 km hết 2 lít xăng, một lít xăng có giá là 20.500 đồng, chi phí xăng là: 410 đ/km, chạy 1.000 km phải thay hộp dầu giá 90.000 đồng nên chi phí dầu máy là 90 đ/km.

+ Tiền bảo hiểm xe máy một năm là 60.000 đồng, một năm trung bình xe chạy 10.000km, vậy chi phí bảo hiểm cho xe là 6 đ/km.

+ Giá vé đi phà: 20.000đ/lượt.

Vậy chi phí đi lại của xe máy là:

P=((200+410+90+6)*khoảng cách+20.000)*2=1.412*khoảng cách+40.000

- Đối với ô tô:

+ Đối với xe ô tô đi thuê: giá xe là mức giá thỏa thuận mà du khách phải trả để thuê xe 15-24 chỗ. Đối với du khách sử dụng ô tô khách đi đến phà Gót (thành phố Hải Phòng) sau đó mới di chuyển bằng phà tới VQG Cát Bà thì chi phí gồm hai phần là chi phí đến phà Gót (giá vé xe khách) và đi phà tới VQG Cát Bà.

+ Đối với xe riêng:

+ Giả sử xe ô tô trung bình trị giá 700 triệu đồng với tỷ lệ khấu hao là 10% năm tức 70 triệu đồng/năm, một năm đi khoảng 10.000 km, vậy mức khấu hao là 7.000đ/km (không tính đến sửa chữa lớn).

+ Xe chạy hết 5.000 km phải thay dầu động cơ giá 500.000 đồng, bằng 100 đ/km.

+ Tiền bảo hiểm ô tô một năm là 1.500.000 đồng mà trong năm xe chạy trung bình 10.000 km, vậy chi phí bảo hiểm là 150  đ/km.

+ Xe chạy trung bình 4.4l xăng/100 km, bằng 90.200 đ/100 km, bằng 902 đ/km.

+ Vé cầu đường là : 30.000 đ/lượt

+ Giá vé qua phà: 80.000 đ/lượt.

Vậy chi phí đi lại của ô tô riêng là:

P=((7.000+100+150+902)*khoảng cách)+80.000+ 30.000)*2

=16.304*khoảng cách+220.000

Chi phí đi lại của du khách được thể hiện ở bảng 6

Lượng giá giá trị du lịch tại Vườn quốc gia Cát Bà, thành phố Hải Phòng - Ảnh 9
Bảng 6. Chi phí đi lại của du khách

Như vậy, do khoảng cách địa lý, và loại phương tiện sử dụng, chi phí đi lại ở vùng 1 thấp nhất với 115.000 đồng, tiếp theo là vùng 2 với 360.000 đồng, vùng 3 với 510.000 đồng, và cao nhất là vùng 4 với 659.000 đồng.

× Chi phí cơ hội (chi phí thời gian)

Du khách đến du lịch tại VQG Ba Vì dù dài hay ngắn đều phải từ bỏ các công việc khác. Vì vậy, chi phí thời gian là chi phí cơ hội (sử dụng thời gian cho mục đích du lịch du khách đã mất đi cơ hội sử dụng thời gian để làm việc, tạo thu nhập) và cần phải xác định chi phí thời gian trong chi phí của du khách.

Kết quả phỏng vấn du khách đã tính chi phí cơ hội (chi phí thời gian) được tính dựa trên giả định sau:

- Thời gian của du khách đền với VQG bao gồm thời gian đi lại, thời gian lưu trú của du khách. Do đó, chi phí thời gian được tính cho thời gian du khách đã từ bỏ công việc để đến địa điểm giải trí. Việc xác định thời gian du khách sử dụng để tới VQG căn cứ vào thời gian lưu trú trung bình và thời gian đi lại của từng vùng.

- Số liệu điều tra cho thấy, 91,5% du khách đều xuất phát từ các thành phố, thị xã hoặc các thị trấn. Họ đều là những cư dân đô thị có mức thu nhập khá. Trong nghiên cứu này, đề tài sử dụng mức thụ nhập bình quân của số du khách được phỏng vấn làm cơ sở xác định chi phí thời gian cho chuyến đi của du khách từ các vùng xuất phát khác nhau.

Chi phí thời gian = thời gian lưu trú trung bình x thu nhập bình quân ngày của du khách được phỏng vấn.

Lượng giá giá trị du lịch tại Vườn quốc gia Cát Bà, thành phố Hải Phòng - Ảnh 10
Bảng 7. Chi phí thời gian của du khách khi tới VQG Cát Bà

Như vậy, sau tính toán, chi phí thời gian của du khách ở vùng 1 là 492.000 đồng, của du khách ở vùng 2 là 528.000 đồng, vùng 3 là 579.000 đồng và vùng 4 là 566.000 đồng.

× Chi phí sinh hoạt

Chi phí sinh hoạt bao gồm chi phí ăn ở, vé vào cổng, mua sắm...

- Chi phí ăn ở: Chi phí ăn ở phụ thuộc lớn vào thời gian lưu trú của du khách và thu nhập của họ. Nói chung du khách đến VQG Cát Bà được hưởng chất lượng dịch vụ tùy theo khả năng chi trả của mình.  Mức chi trả chi phí ăn ở thường cao ở nhóm du khách có thu nhập cao, các nhóm còn lại có chi phí ở mức ngang nhau. Chi phí thuế phòng trung bình là 200 nghìn đồng/phòng/ngày đêm/2 người. Chi phí ăn uống trung bình là là 100 nghìn đồng/ngày/người. Do đó với mỗi du khách chi phí ăn ở một ngày là 150 nghìn đồng.

- Vé vào cửa: Du khách đến với VQG đều phải mua vé vào cổng, tùy đối tượng du khách mà giá vé sẽ thay đổi theo, khách đi theo đoàn đông người có được giảm giá, song mức giảm không đáng kể. Giá vé vào cửa bình quân của du khách là: 40.000 đ/vé  

- Chi phí mua sắm: Một số chi phí khác như chi phí thuê hướng dẫn viên, chi phí mua sắm đồ lưu niệm thường rất nhỏ, mặt khác các mặt hàng đồ lưu niệm tại đây có ít nét đặc sắc, không được ưa chuộng nên chi phí mua sắm đồ lưu niệm của du khách thường rất nhỏ và ít được du khách chi tiêu nên tác giả không để cập tới chi phí này.

Kết quả phỏng vấn du khách về mức chi phí đã bỏ ra cho chuyến tham quan, có thể xác định chi phí ăn ở, mua vé tham quan, chi phí này được ước tính và tại thời điểm phỏng vấn du khách vẫn chưa kết thúc chuyến tham quan. Mặt khác, đây chỉ là các chi phí có thể tính toán được, còn một số chi phí khác như mua sắm đồ lưu niệm thì rất khó ước tính, tuy nhiên các chi phí này cũng không lớn.

Lượng giá giá trị du lịch tại Vườn quốc gia Cát Bà, thành phố Hải Phòng - Ảnh 11
Bảng 8. Chi phí sinh hoạt của du khách

Như vậy, sau tính toán, chi phí sinh hoạt của du khách ở vùng 4 là cao nhất với 424.000 đồng, sau đó lần lượt là du khách ở vùng 3 với 382.000 đồng, vùng 2 là 355.000 đồng và vùng 1 là 281.000 đồng.

× Tổng hợp chi phí

Chi phí tổng = Chi phí đi lại + Chi phí thời gian + Chi phí sinh hoạt

Dựa vào các tính toán ở mục trên, ta tính được tổng chi phí theo từng vùng xuất phát như sau:

Lượng giá giá trị du lịch tại Vườn quốc gia Cát Bà, thành phố Hải Phòng - Ảnh 12
Bảng 9. Tổng hợp chi phí của du khách

Qua kết quả tính toán thì du khách từ vùng 4 có chi phí khi đi du lịch tới VQG Cát Bà là lớn nhất gấp đôi chi phí ở vùng 1, bởi vì du khách ở vùng 4 có khoảng cách tới địa điểm du lịch là lớn nhất và có thời gian lưu trú lâu nhất. Tổng chi phí của du khách đến từ vùng 1 là nhỏ nhất bởi vì du khách từ vùng 1 chủ yếu là từ thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận có mức thu nhập bình quân cao nhưng thời gian lưu trú và chi phí đi lại đến khu du lịch là không lớn.

3. Đường cầu du lịch và lợi ích du lịch của VQG Cát Bà

Từ các kết quả nghiên cứu về chi phí và tỷ lệ du lịch, mối quan hệ giữa tỷ lệ du lịch theo vùng và chi phí du lịch của vùng tương ứng được thiết lập và đây là cơ sở để xây dựng đường cầu du lịch. Chi phí và tỷ lệ du lịch của du khách được trình bày trong Bảng 10.

Lượng giá giá trị du lịch tại Vườn quốc gia Cát Bà, thành phố Hải Phòng - Ảnh 13
Bảng 10. Chi phí và tỷ lệ du lịch của du khách

Giả sử mối quan hệ giữa tỷ lệ du khách mỗi vùng và chi phí của du khách mỗi vùng là mối quan hệ tuyến tính; tỷ lệ du khách mỗi vùng (Visitation Rate - VR) là biến phụ thuộc, chi phí du lịch của mỗi vùng (Travel Cost –TC) là biến độc lập. Mô hình kinh tế lượng mô tả mối quan hệ này là:

VRi = a +b TCi

Trong đó: a và b là các hệ số cần ước lượng;

Nghiên cứu đã sử dụng phương pháp hồi quy bằng hàm Regression Analysis (Excel) để xây dựng hàm tuyến tính. Hàm tuyến tính được xây dựng như sau:

VR=26,93-0,0001275TC (1)

Hàm tuyến tính (1) có:                                                 

a = -0,0001275<0. như="" vậy,="" tỷ="" lệ="" du="" lịch/1.000="" dân="" giảm="" khi="" chi="" phí="" du="" lịch="" tăng,="" điều="" này="" hoàn="" toản="" phù="" hợp="" với="" lý="" thuyết="" và="" thực="">

b = 26,93 đại diện cho các tố còn lại chưa nêu vào trong mô hình

Hệ số tương quan R2 = 0,84 chứng tỏ biến độc lập giải thích được 84% giá trị của biến phụ thuộc, chứng tỏ mối quan hệ chặt chẽ giữa số lượng khách du lịch với tổng chi phí du lịch cho một chuyến đi. P-value=0.035 chứng tỏ mối quan hệ trên là có ý nghĩa, quan hệ giữa chi phí du lịch và tỷ lệ du khách mỗi vùng có độ tin cậy là 95%.

Đường cầu du lịch của VQG Cát Bà được thể hiện ở hình 3.

Lượng giá giá trị du lịch tại Vườn quốc gia Cát Bà, thành phố Hải Phòng - Ảnh 14
Hình 3. Đường cầu du lịch của VQG Cát Bà

Giá trị thặng dư (CS) được xác định trên cơ sở đường cầu, là diện tích phần tam giác xác định bởi hai trục VR, TC với đường cầu VR = 26,93 – 0,0001275 TC

Lượng giá giá trị du lịch tại Vườn quốc gia Cát Bà, thành phố Hải Phòng - Ảnh 15

Giá trị thặng dư của du khách cũng chính là giá trị giải trí do địa điểm giải trí mang lại cho du khách. Như vậy, tổng giá trị giải trí của VQG Cát Bà năm 2018 được ước tính khoảng 28,4  tỷ đồng. Nói cách khác, rừng tại VQG Cát Bà cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động du lịch, với tổng giá trị là khoảng 28,4 tỷ đồng/năm. Với 557.864 lượt khách trong năm 2017, mỗi khách có thặng dư lợi ích là 50.980,60305 đồng. Đây là cơ sở khoa học và thực tiễn quan trọng cho việc áp dụng chi trả DVMTR trong lĩnh vực du lịch tại VQG Cát Bà. So sánh với nghiên cứu của Hoàng Thị Huê (2016) tại VGQ Ba Vì, năm 2016, VQG Ba Vì có 344.375 lượt khách trong năm, mỗi khách du lịch có thặng dư lợi ích là 59.692 đồng, rừng tại VQG Ba Vì cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho hoạt động du lịch, với tổng giá trị là khoảng 20,557 tỷ đồng/năm.

Lượng giá giá trị du lịch tại Vườn quốc gia Cát Bà, thành phố Hải Phòng - Ảnh 16
Bảng 11. Giá trị giải trí mang lại cho du khách mỗi vùng

Qua đó, ta thấy với lượng du khách lớn nhất, du khách từ vùng 1 – Chủ yếu là du khách từ Hà Nội và các tỉnh lân cận nhận được thặng dư tiêu dùng lớn nhất, tiếp theo là vùng 2, vùng 3 và vùng 4.

4. Một số giải pháp nhằm phát triển du lịch Vườn quốc gia Cát Bà 

Giải pháp quản lý

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong quản lý hoạt động kinh doanh du lịch, tạo hành lang pháp lý và môi trường kinh doanh thuận lợi cho du lịch.

- Tăng cường quản lý, bảo vệ các các giá trị về sinh thái, đa dạng sinh học, cảnh quan, văn hóa truyền thống và các di tích lịch sử cách mạng trên quần đảo Cát Bà.

- Thực hiện chuẩn hóa các hoạt động vận chuyển, hướng dẫn viên, các điểm mua sắm hàng lưu niệm… Phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại các xã trên đảo.

Cải thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật.

- Đầu tư các dịch vụ ăn uống bao gồm dịch vụ bán các loại thực phẩm khô, chế biến sẵn có thể bảo quản lâu ngày và dịch vụ ăn uống. Do đặc thù về vị trí địa lý nên việc cung cấp các dịch vụ ăn uống tại chỗ không thể đa dạng phong phú mà cần chú trọng vào các đặc sản địa phương có thể khai thác, nuôi trồng tại chỗ như: các loại rau, nấm rừng...

- VQG Cát Bà cần đầu tư để sử dụng nguồn điện chính thức của mạng lưới điện quốc gia. Mạng lưới điện này nên đi ngầm ở những khu vực cần thiết, tránh gây ảnh hưởng đến môi trường cảnh quan của rừng.

- Xây dựng phòng cung cấp thông tin, tổ chức chuyến đi tại thị trấn Cát Bà, xây dựng trung tâm đón tiếp, phòng giới thiệu hướng dẫn tại trung tâm VQG, xây dựng nhà nghỉ cho khách tại làng Việt Hải và trên đảo Cát Dứa, một số điểm cắm trại như cạnh Hồ Hới, Ao Ếch, xây dựng phòng tiêu bản, phòng trưng bày các mẫu động vật rừng và biển.

- Xây dựng thêm nhiều biển hướng dẫn, chỗ ngồi, nhà vệ sinh… tại các điểm dừng chân để phục vụ nhu cầu của du khách.

Giải pháp về môi trường

- Dùng biển báo lớn, với sơ đồ của điểm, tuyến tham quan và các vấn đề cần lưu ý ngay ở đầu mỗi đường mòn.

- Đặt các biển báo nhỏ với các thông tin về tự nhiên, môi trường của các điểm hấp dẫn (về các loại cây, các hiện tượng tự nhiên lý thú) trên các đường mòn tham quan. Kết hợp với các thông tin trên tờ gấp hướng dẫn để đặt sơ đồ, biển báo, bảng thuyết minh tại các điểm du lịch, sử dụng những ký hiệu đặc biệt hoặc những con số được dùng trong tờ gấp để khách tham quan có thể nhận dạng, tìm hiểu cảnh quan trên tuyến. Các biển báo phải được thiết kế hài hòa với môi trường tự nhiên, đáp ứng yêu cầu truyền tải thông tin cần thiết, dễ nhận biết, đảm bảo bền về vật liệu.

- Đường mòn phải được duy trì sạch sẽ, có thùng rác cũng như lời nhắc nhở bằng loa và biển báo đặt ở đầu tuyến và các điểm dừng chân quan sát, vừa thuận tiện cho khách, vừa tránh tác động xấu đến môi trường.

Giải pháp truyền thông

- Làm các tờ rơi, tờ gấp bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh để phát cho khách du lịch khi họ đến Cát Bà. Đồng thời, làm các băng đĩa, phim video giới thiệu về VQG có thể trình chiếu trên các chuyến tàu xe để du khách có được những hiểu biết ban đầu về điểm du lịch đồng thời họ có ý thức trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn cảnh quan nơi đến.

- Sản xuất những món đồ lưu niệm có biểu tượng của VQG vừa có ý nghĩa tuyên truyền vừa như một kỷ vật.

- Tích cực tuyên truyền giới thiệu qua các thông tin đại chúng như ti vi, đài báo, tạp chí… để người dân biết được thực trạng cũng như ý thức hơn trong việc giữ gìn bảo vệ vườn.

Giải pháp vạch tuyến du lịch

Hiện nay tại VQG Cát Bà đang có 6 tuyến du lịch sinh thái để phục vụ nhu cầu của khách du lịch bao gồm: Kim Giao – Ngự Lâm, động Trung Trang – hang Ủy ban, tuyến giáo dục môi trường, Ao Ếch – Việt Hải – Lan Hạ Bay, Mây Bầu – Khe Sâu, Ngự Lâm – Me Cồn – động Trung Trang, Trung Trang – suối Gối  - Liên Minh, động Trung Trang – hang Quân y. Tuy nhiên các tuyến du lịch còn trùng lặp gây khó khăn cho du khách và chưa khai thác được hết các điểm du lịch của VQG. Do vậy, đề tài điều chỉnh một số tuyến để phù hợp hơn với điều kiện và nhu cầu của du khách.

Kết luận

Vườn quốc gia Cát Bà nằm trên đảo Cát Bà, huyện Cát Hải - thành phố Hải Phòng với tổng diện tích 16.196,8 ha. Xác định được hàm cầu du lịch cho Vườn là: VR=26.93-0.001275TC. Kết quả ước lượng giá trị du lịch của VQG Cát Bà bằng phương pháp TCM cho thấy, tổng giá trị du lịch của VQG Cát Bà là 28,4 tỷ đồng đồng/năm (nội địa) và thặng dư lợi ích của mỗi du khách là 50.980 đồng. Từ đó, nghiên cứu đề xuất giải pháp chính là với nguồn lợi du lịch đã tính toán để nâng cấp, điều chỉnh các tuyến du lịch sinh thái góp phần đưa VQG Cát Bà trở thành điểm du lịch trọng điểm trong tổ hợp Cát Bà – Tuần Châu – Hạ Long.

Tài liệu tham khảo

[1] Ban quản lý VQG Cát Bà (2010), Báo cáo quy hoạch phát triển VQG Cát Bà giai đoạn 2010–2020.

[2] Cổng thông tin điện tử VQG Cát Bà (2018)

[3] Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (2013), Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Tài liệu lưu hành nội bộ.

[4] Đinh Đức Trường (2008), Đánh giá giá trị kinh tế VQG Xuân Thủy, Luận văn thạc sĩ, Trường đại học Kinh tế Quốc dân.

[5] Đinh Đức Trường, Lê Hà Thanh (2013),Tính giá trị tài nguyên và môi trường: Từ lý thuyết đến ứng dụng tại Việt Nam, NXB Giao thông Vận tải.

[6] Đỗ Anh Tuân (2012),Tổng quan nghiên cứu về phương pháp chi phí du hành, Đại học Lâm nghiệp, Hà Nội.

[7] Nguyễn Thế Chinh chủ biên (2003),Giáo trình Kinh tế và Quản lý môi trường, NXB Thống kê, Hà Nội

[8] Nhà xuất bản Thống kê Hà Nội (2017),Niên giám Thống kê 2016, Hà Nội.

[9] Trần Thị Thu Hà và Vũ Tấn Phương (2006), Đánh giá giá trị cảnh quan của Vườn quốc gia Ba Bể và Khu du lịch hồ Thác Bà.

10] Trung tâm Du lịch và dịch vụ sinh thái VQG Cát Bà (2018). Báo cáo chuyên đề điều tra đa dạng sinh học VQG Cát Bà năm 2017.

[11] Trung tâm Du lịch và dịch vụ sinh thái VQG Cát Bà (2018), Báo cáo chuyên đề tình hình dân sinh kinh tế xã hội VQG Cát Bà năm 2017.

[12] Trung tâm Du lịch và dịch vụ sinh thái VQG Cát Bà (2018),Báo cáo thực trạng hoạt động du lịch tại VQG Cát Bà năm 2017.

[13] Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải (2018), Báo cáo đánh giá tình hình phát triển du lịch Cát Bà từ năm 2015 đến nay và định hướng đến năm 2018.

[14] Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải (2018), Báo cáo kinh tế xã hội của Cát Bà năm 2017.

Bui Thi Thu Trang, Hoang Thi Hue, Nguyen Ha Linh, Nguyen Khanh Linh

Hanoi University of Natural resources and Environment, Phu Dien, Bac Tu Liem, Hanoi

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/luong-gia-gia-tri-du-lich-tai-vuon-quoc-gia-cat-ba-thanh-pho-hai-phong-80072.html