Lời giải kỳ diệu cho “bài toán” nhà ở xã hội của Singapore
Cập nhật lúc: 18/12/2018, 08:41
Cập nhật lúc: 18/12/2018, 08:41
Năm 1959, khi Singapore giành được quyền độc lập từ Anh, đất nước này đã trải qua một cuộc khủng hoảng nhà ở nghiêm trọng. Chính quyền đã rất đau đầu để đáp ứng được nhu cầu nhà ở khi dân số ngày càng tăng.
Năm 1960, Thủ tướng đầu tiên của Singapore Lý Quang Diệu và chính phủ của ông thành lập Hội đồng Nhà ở và Phát triển, gọi tắt là HDB, một cơ quan về nhà ở công cộng có nhiệm vụ xây dựng các khu nhà cho thuê phục vụ người nghèo.
Tại thời điểm đó, nhiều người nhập cư mà phần lớn là từ Malaysia sang đang sống trong những khu ổ chuột bẩn thỉu. Các cuộc xung đột chủng tộc liên tục leo thang giữa người Trung Quốc và người Mã Lai làm cho Cục HDB phải rất vất vả để có thể thuyết phục người dân rời khỏi những khu định cư nhếch nhác để đến sống tại khu nhà cao tầng mới.
Ngày 25/5/1961, một vụ hỏa hoạn chưa rõ nguyên nhân xảy ra trong khu định cư Bukit Ho Swee. Một khu vực rộng 400.000m2 đã bị san bằng. 4 người thiệt mạng và khoảng 16.000 người mất nhà cửa.
Chỉ trong vòng một năm, Chính phủ Singapore đã tái định cư thành công những nạn nhân của vụ hỏa hoạn và hoàn thành xây dựng khu nhà mới tại khu vực xảy ra thảm họa 5 năm sau đó. Phản ứng nhanh chóng và triệt để của chínhquyềnđã chiếm được lòng tin của người dân, đồng thời mở đường cho các dự án nhà ở công cộng tại đảo quốc sư tử về sau này.
Singapore là một trong số ít quốc gia trên thế giới mà chỉ cần một đơn vị do chính phủ thành lập đã hoàn thành tất cả mọi mục tiêu được đặt ra trong kế hoạch 5 năm đầu tiên của họ. Đến năm 1965, Cục HDB đã quản lý và xây dựng hơn 51.000 căn hộ, tái định cư 400.000 người, chiếm 1/4 dân số cả nước bấy giờ, và hoàn toàn giải quyết tình trạng thiếu nhà ở.
Ngoài việc cho thuê các căn hộ, HDB cũng đã bắt đầu mở bán vào năm 1964. Người dân Singapore được yêu cầu phải tiết kiệm một phần tiền lương của họ trong một quỹ do nhà nước quản lý gọi là Quỹ Dự phòng Trung ương. Ban đầu, quỹ này chỉ phục vụ mục đích nghỉ hưu. Sau đó vào năm 1968, chính phủ đã cho phép sử dụng quỹ này để mua nhà ở, giúp nhiều người có cơ hội sở hữu nhà hơn.
Không giống như nhiều quốc gia khác, nhà ở công cộng ở Singapore không chỉ dành cho người nghèo, mà thay vào đó, nó phục vụ cho phần lớn số đông, đến từ mọi tầng lớp. Công dân có các mức thu nhập nhất định có thể lựa chọn mua nhiều loại nhà ở khác nhau, từ các căn hộ 2 phòng cơ bản, đến các căn hộ cao cấp trong khu chung cư có hồ bơi và phòng tập gym. Nhà ở xã hội do chính phủ Singapore xây dựng rất sạch sẽ, an toàn và được bảo trì tốt. Và khoảng 80% số hộ gia đình Singapore sống ở đó.
Các căn hộ cao cấp rộng khoảng 100 đến 150m2 gồm 3 đến 4 phòng ngủ. Bên trong có khuôn viên, bãi đậu xe 6 tầng ở giữa, vườn trồng rau, sân bóng, máy tập gym, sân chơi cho trẻ em, khu nướng thịt, khu vui chơi cho vật nuôi và cây xanh được trồng ở khắp mọi nơi. Giá của chúng cũng thường rẻ hơn 20 - 30% so với giá trên thị trường.
Ngay từ đầu, các nhà hoạch định Singapore đã nhận thấy sự hạn chế diện tích của đất nước nên họ đã chọn cách xây nhà cao tầng. Kết quả là quốc gia này trở thành nước có mật độ dân số cao nhất thế giới. Tuy nhiên, Singapore liên tục được xếp hạng trong danh sách các nước đáng sống nhất thế giới.
Để đạt được điều này, các tòa nhà phải được xây dựng dựa trên những tỷ lệ rất hợp lý. Nhà hoạch định, TS. Liu Thai Ker đã so sánh đô thị Singapore với một bàn cờ vua, nơi mà không có hai quân nào có cùng chiều cao. Ngoài ra, các tòa nhà cũng được xen kẽ bởi các không gian xanh mở chất lượng cao, đảm bảo sự hô hấp tự nhiên cho thành phố.
Tuy nhiên, để có thể sở hữu một căn nhà ở xã hội, người dân phải nộp đơn và đặt cọc căn hộ trước, sau đó đợi vài năm để nó được triển khai xây dựng. Ngoài ra, các căn hộ xã hội không thể được rao bán cho đến khi hộ dân đã ở tối thiểu 5 năm.
Ngày nay, HDB đã lên kế hoạch, thiết kế và xây dựng hơn 1 triệu căn hộ trải rộng khắp thành phố. Tỷ lệ người sống trong nhà ở xã hội đã tăng từ 9% năm 1960 lên 82% vào năm 2016, và tỷ lệ sở hữu nhà cũng tăng nhanh chóng với sự tăng trưởng của nên kinh tế Singapore. Đất nước này cũng là một trong số ít các quốc gia trên thế giới có hầu hết dân số sở hữu nhà riêng. Hơn 90% số hộ gia đình ở thành phố sở hữu nhà riêng của họ.
Nhà ở xã hội của Singapore không chỉ được xem là một trong những nơi ở tốt nhất thế giới mà nhiều người còn coi đây là một cách khéo léo kiểm soát xã hội. Ví dụ, có mức hạn ngạch quy định để đảm bảo sự kết hợp của người Trung Quốc, Ấn Độ và Mã Lai trong mỗi khu nhà HDB, nhằm mục đích hòa hợp một cách khéo léo các nhóm dân tộc, và ngăn chặn sự hình thành của vùng tự trị dân tộc.Còncác khu trung tâm ăn uống, thương mại là nơi mà tất cả mọi người thuộc các tầng lớp thu nhập, dân tộc khác có thể giao lưu và thưởng thức đồ ăn thức uống ngon với giá cả bình dân.
Các tòa nhà cũng được thiết kế khéo léo nhằm khuyến khích tinh thần “kampong” – sự gắn kết xã hội – thông qua những không gian chung ở tầng trệt và khoảng không thông tầng.Hai yếu tố đó giúp khích lệ tương tác giữa hàng xóm với nhau - vốn là điểm thiếu hụt lớn nhất của phần lớn chung cư. Đây chính là lời giải thích cho việc một quốc gia đa sắc tộc như Singapore lại có thể chung sống hòa bình và cùng nhau phát triển ở một tốc độ đáng kinh ngạc.
Có thể thấy, nhờ những quyết định cứng rắn cũng như chính sách phù hợp, Singapore đã giải quyết được khủng hoảng nhà ở, đồng thời cải thiện điều kiện sống của hàng triệu người dân.
14:15, 11/12/2018
11:30, 07/11/2018
09:00, 27/09/2018
10:31, 10/09/2018