22/01/2025 | 22:59 GMT+7, Hà Nội

Logistics Việt Nam thiệt hại ra sao bởi dịch Covid-19?

Cập nhật lúc: 17/02/2020, 07:20

Hệ lụy của việc suy giảm mạnh các ngành kinh tế sẽ lan tỏa sang ngành dịch vụ phục vụ như vận chuyển, logistic. Việc suy giảm sản lượng, thu nhập, lợi nhuận của ngành này không chỉ trong thời gian thời ngắn.

Thiệt hại nghiêm trọng

Số lượng người nhiễm bệnh và chết do dịch Covid-19 tăng nhanh, đặc biệt là tại Trung Quốc và đã vượt vượt xa số ca nhiễm và chết do dịch SARS. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn chung, quốc tế đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế Trung Quốc và toàn cầu sẽ nghiêm trọng hơn dịch SARS, có thể lớn gấp 3 đến 4 lần so với SARS , tổn thất kinh tế có thể lên tới 160 tỷ USD.

Dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp và nó gây ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu.

Nguyên nhân là do vai trò của kinh tế Trung Quốc trong kinh tế toàn cầu hiện nay lớn hơn nhiều so với thời điểm diễn ra dịch SARS. Trung Quốc hiện chiếm 18% GDP toàn cầu. Việc kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy giảm do tác động của dịch bệnh sẽ tác động đến triển vọng tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

Tính liên kết, kết nối và tùy thuộc lẫn nhau giữa kinh tế Trung Quốc với kinh tế thế giới hiện nay chặt chẽ hơn nhiều so với thời điểm dịch SARS, nhất là về kết nối thương mại, đầu tư, du lịch, tài chính, giao thông. Mức độ và phạm vi kết nối mạng tại Trung Quốc và trên thế giới sâu rộng hơn rất nhiều nên hiệu ứng truyền thông sẽ khuếch đại tác động của dịch bệnh mạnh và rộng hơn.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 dự kiến sẽ khó khăn hơn, trong đó những nền kinh tế thu hút nhiều khách du lịch Trung Quốc hoặc có quy mô thương mại lớn với Trung Quốc sẽ chịu tác động lớn, đặc biệt ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo giảm 0,2% do tác động của dịch Covid-19, xuống mức 2,3% năm 2020, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong thế kỷ trước. Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá dịch Covid-19 có thể gây thiệt hại nặng nề hơn các thảm họa tự nhiên như bão hay sóng thần. Một đại dịch nghiêm trọng có thể gây thiệt hại kinh tế gần bằng 5% GDP toàn cầu, tương đương hơn 3 nghìn tỷ USD .

Dự kiến tăng trưởng kinh tế khu vực châu Á có thể giảm còn 4% so với mức 4,3% vào năm 2019 , trong đó Singapore và Thái Lan có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong ASEAN vì độ mở và phụ thuộc nhiều vào thương mại và du lịch Trung Quốc (chi tiêu khách du lịch Trung Quốc ở Thái Lan chiếm khoảng 11%GDP). Theo Bloomberg, Hong Kong có thể giảm tăng trưởng GDP 1,7 điểm %, Hàn Quốc và Việt Nam giảm 0,4 điểm %.

Tác động của dịch bệnh tới lĩnh vực vận tải

Theo ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hệ lụy của việc suy giảm mạnh các ngành kinh tế kể trên sẽ lan tỏa sang ngành dịch vụ phục vụ như vận chuyển, logistic. Cụ thể sẽ có hàng chục triệu tấn hàng hóa sẽ bị lưu trữ trong kho một thời gian dài chờ nơi tiêu thụ. Cho tới nay chưa có một thống kê nào nêu cụ thể về tổn thất về ngành vận chuyển và logistic trong 1-2 tháng gần đây nhưng việc suy giảm sản lượng, thu nhập, lợi nhuận của ngành này là một điều chắc chắn và không chỉ trong thời gian ngắn.

Trong Báo cáo Đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh Corona (Covid-19) đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ này cũng đã đã có đánh giá tác động của dịch bệnh tới lĩnh vực vận tải. Cụ thể, vận tải hàng không chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động của dịch Covid-19 gây ra.

Tính trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hủy chuyến. (Ảnh minh họa)

Hiện tại có 11 hãng hàng không Trung Quốc đang khai thác 32 đường bay từ 14 điểm tại Trung Quốc đến 5 điểm tại Việt Nam gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc với tổng tần suất khai thác 240 chuyến/tuần. Về phía Việt Nam cũng từ 5 thành phố trên, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air đang khai thác 72 đường bay thường lệ và không thường lệ (thuê chuyến) đến 48 điểm tại Trung Quốc với tần suất 401 chuyến/tuần.

Như vậy, trước lệnh ngừng bay toàn bộ các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ chiều ngày 01/02, tính trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hủy chuyến.

Vận tải đường bộ và đường sắt cũng bị sụt giảm do ảnh hưởng lượng khách đi du lịch, lễ hội giảm. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng sẽ giảm theo, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ vận tải ngành hàng không như dịch vụ quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không sẽ bị ảnh hưởng.

Theo đánh giá kịch bản tăng trưởng, trong trường hợp dịch Covid-19 kết thúc trong quý I thì theo giá so sánh giá trị tăng thêm ngành vận tải chỉ tăng 5,1% trong quý I và tăng 6,12% trong quý 2; trong trường hợp dịch được kết thúc trong quý II thì giá trị tăng thêm ngành vận tải, kho bãi chỉ tăng 5,1% trong quý I và 6% trong quý II.

Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp tư nhân logistics đang lo lắng đối phó với tình trạng nguy cơ suy giảm kinh tế do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Ông Nguyễn Tiến Hưng (Thái Nguyên), chủ một doanh nghiệp vận tải cho rằng, chỉ tính riêng vận tải đường bộ đã chia ra làm 4 loại gồm: Doanh nghiệp khối lớn; doanh nghiệp vận tải hàng hóa thông thường (taxi tải, xe tải…); doanh nghiệp vận tải hành khách; doanh nghiệp vận tải chở hành khách theo hợp đồng.

“Với những doanh nghiệp khối lớn là những doanh nghiệp có số lượng xe vận chuyển lớn thì tôi không phân tích vì những doanh nghiệp này vận chuyển hàng xuất nhập khẩu chiếm đa số, thường có những đơn hàng, hợp đồng chắc chắn. Như chúng tôi, phải 1,2 tháng nữa, khi những đơn hàng được ký trước đó không thực hiện được thì nó mới thể hiện rõ trong kết quả hoạt động của mình.

Những doanh nghiệp vận tải hàng hóa thông thường như taxi tải, xe tải bình thường có số lượng ít càng dễ bị tác động bởi sự thay đổi của nền kinh tế. Ví dụ, đường biên, không vận chuyển được hàng hóa và nó ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp vận tải nhỏ lẻ”, anh Hưng chia sẻ.

Chị Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng là một hộ kinh doanh nhỏ lẻ có 2 xe ô tô 29 chỗ chạy hợp đồng du lịch. Mặc dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng gia đình chị Mai vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều.

“Thông thường, sau tết âm lịch sẽ cháy xe, nhưng năm nay có giảm nhưng không rõ ràng. Tôi có bị áp lực về đơn đặt hàng, nhưng tính mặt bằng chung thì vẫn thiếu xe, nên tình hình vẫn chấp nhận được. Nguyên nhân là do giá xe thuê trong dịp Tết tăng bình thường”, chị Mai chia sẻ.

Cũng theo chị Mai, mặc dù chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh nhưng đây chỉ là trước mắt, còn về lâu dài gia đình chị sẽ phải đối phó với tình trạng không ký được hợp đồng, ảnh hưởng bởi nền kinh tế giảm sút.