19/01/2025 | 15:32 GMT+7, Hà Nội

Thương mại, dịch vụ trong nền kinh tế chia sẻ

Cập nhật lúc: 26/01/2020, 06:00

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của mô hình kinh tế chia sẻ dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ngành thương mại, dịch vụ Việt Nam cũng có bước chuyển mình tích cực.

Phát triển theo hướng tích cực...

Nhiều chuyên gia nhận định, gần đây, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam đã và đang diễn ra theo hướng tích cực, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn. Các ngành dịch vụ phát triển theo hướng nâng tỷ trọng các dịch vụ cao cấp, giá trị gia tăng cao; ngành thương mại; vận tải kho bãi; du lịch; tài chính - ngân hàng... ngày càng góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

Dự báo, đến năm 2020, thị phần kênh bán lẻ hiện đại sẽ tăng lên

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trên góc độ sử dụng GDP năm 2019, tiêu dùng tăng 7,23% so với năm 2018; tích lũy tài sản tăng 7,91%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 6,71%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,35%. Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, năm 2019 đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 46,11%, bình quân giai đoạn 2016 - 2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011 - 2015.

Số liệu thống kê từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tính đến giai đoạn 2011 - 2019 cho thấy, kênh bán lẻ hiện đại mới đáp ứng được 25% nhu cầu của người dân, 75% còn lại phụ thuộc vào kênh phân phối truyền thống. Dự báo đến năm 2020, thị phần kênh bán lẻ hiện đại sẽ tăng lên và đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng.

Trước đó, giai đoạn 2011 - 2017, mức tăng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng là 10%/năm, đạt 3.568 nghìn tỷ đồng vào năm 2016 và 3.234 nghìn tỷ đồng năm 2017 (4 tháng đầu năm 2018, ước đạt 1.399 nghìn tỷ đồng, tăng 9,85% so với cùng kỳ 2017).

Mặc dù ở giai đoạn sau (từ 2011 trở lại đây), tốc độ tăng trưởng có chậm lại, nhưng tính chung từ 2006 - 2016, tốc độ tăng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa luôn cao gấp 1,5 - 2 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của GDP cùng thời kỳ.

Mở ra nhiều cơ hội

Song song với tốc độ tăng trưởng ở mức cao, ngành thương mại, dịch vụ nước ta cũng còn nhiều hạn chế như tăng trưởng chưa bền vững, phát triển chưa đồng đều giữa khu vực thành thị và nông thôn, các hoạt động thương mại truyền thống chưa bắt kịp sự phát triển của thương mại điện tử, thương mại số hóa.

Việc đầu tư nước ngoài chủ yếu phát triển các loại hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại ở các thành phố lớn, còn chợ và địa bàn nông thôn chưa có đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài (do quy mô nhỏ, sinh lợi ít...).

Ở một góc độ khác, dù quy mô nhỏ nhưng các nhà cung cấp dịch vụ vẫn chưa có sự phối hợp chặt chẽ cũng như hỗ trợ nhau trong việc cung cấp thông tin thị trường, thông tin khách hàng, do đó hoạt động kinh doanh chưa đạt hiệu quả cao. Nhiều doanh nghiệp còn chưa chủ động được khâu vận chuyển hàng vì phụ thuộc vào các hãng vận tải nước ngoài, do vậy vẫn chưa có những giải pháp trọn gói và thiếu các dịch vụ gia tăng cho chuỗi cung ứng của chủ hàng...

Doanh nghiệp số là thành phần cơ bản để tạo nên một nền kinh tế số, nơi các hoạt động kinh tế được thực hiện nhờ số lượng khổng lồ các kết nối trực tuyến giữa con người, thiết bị, dữ liệu và quy trình. Kinh tế số mang lại cho chúng ta những giá trị mới, là trụ cột phát triển kinh tế trong tương lai.

Ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông

“Việc chuyển các hoạt động kinh tế - xã hội sang môi trường số là một bước tiến lớn của nhân loại, từ thế giới thực quen thuộc sang thế giới số nơi tri thức phát huy hết giá trị tiềm năng, để sau đó quay lại thế giới thực nhằm phục vụ nhu cầu cuộc sống, phát triển của cải vật chất, hướng đến các mục tiêu xã hội - chính trị, an ninh - quốc phòng”.

Phân tích vấn đề này, ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định: “Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ được hỗ trợ bởi các thành tựu đột phá của công nghệ số, với khả năng đảm bảo kết nối và tương tác thời gian thực, khả năng thu thập, phân tích và khai thác khối lượng dữ liệu số khổng lồ để tìm ra tri thức giúp nâng cao hiệu quả của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, môi trường số đã mang đến các lợi ích, ưu thế vượt trội so với môi trường kinh doanh, nghiệp vụ truyền thống”.

... nhưng cũng đầy thách thức

Cùng với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghệ, mô hình kinh tế chia sẻ hiện nay đang mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với ngành thương mại, dịch vụ.

Theo thống kê của eMarketer – Công ty Nghiên cứu thị trường của Hoa Kỳ (tháng 8/2016), doanh thu thương mại điện tử bán lẻ (TMĐT B2C) toàn cầu năm 2016 ước đạt 1.915 tỷ USD với mức tăng trưởng là 23,7%.

Năm 2016, Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố, tổng doanh thu bán lẻ trực tuyến của quốc gia này tính đến hết quý 3 đạt 291,7 tỷ USD. Theo số liệu của Tập đoàn tư vấn nghiên cứu các vấn đề Internet của Trung Quốc iResearch công bố vào tháng 12/2016, đến hết quý 3/2016, doanh thu bán lẻ nước này đạt 3,2 nghìn tỷ Nhân dân tệ (khoảng 460,5 tỷ USD). Ước tính doanh thu này sẽ đạt 4.700 Nhân dân tệ (khoảng 676,3 tỷ USD) trong năm 2016.

Tại Việt Nam, theo khảo sát năm 2016 với hơn 3.000 doanh nghiệp, hai phần mềm được doanh nghiệp sử dụng phổ biến là phần mềm kế toán, tài chính (91%) và quản lý nhân sự (59%). Một số phần mềm khác được doanh nghiệp sử dụng là phần mềm quan hệ khách hàng (32%), phần mềm quản lý hệ thống cung ứng (28%), phần mềm quản lý doanh nghiệp (17%). Tỷ lệ doanh nghiệp có trang bị máy tính để bàn/máy tính xách tay chiếm 99% trong tổng số hơn 3.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát. Có 61% doanh nghiệp trang bị các loại thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng để phục vụ công việc, số liệu này tăng 11% so với năm 2015.

Để đẩy mạnh phát triển ngành thương mại, dịch vụ thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ và mô hình kinh tế chia sẻ, pháp luật đang đứng trước những thách thức lớn cần điều chỉnh và hoàn thiện.

Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển Truyền thông (IPS), Ủy viên Ban thường vụ Hội Truyền thông số

Bàn về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện nghiên cứu chính sách và phát triển Truyền thông (IPS), Ủy viên Ban thường vụ Hội Truyền thông số cho biết, trong khu vực Đông Nam Á thì Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia đều đã thực hiện cơ chế “thử nghiệm pháp lý” (regulatory sandbox), duy chỉ còn Việt Nam vẫn đang bị bỏ lại phía sau vì vẫn tiếp tục “bàn” nhưng chưa thấy kết quả. Điều này khiến mục tiêu đưa “Việt Nam trở thành quốc gia số và nền kinh tế số hàng đầu khu vực và là nơi cho phép thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới trong kinh tế số” ngày càng trở nên xa vời.

Tuy nhiên trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài đều đang kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ đặc trưng của “nền kinh tế chia sẻ”, dù chưa có hành lang pháp lý chính thức. Vận tải, dịch vụ lưu trú phục vụ du lịch và công nghệ tài chính là ba lĩnh vực chứng kiến sự bùng nổ của các hoạt động khởi nghiệp và kinh doanh. Trong bối cảnh khi không có sandbox cho cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam, thì việc thành lập doanh nghiệp ở nước ngoài (Singapore, Estonia...) để kinh doanh tại Việt Nam trở thành một kênh “phòng tránh rủi ro” pháp lý phổ biến.

“Trong dài hạn, các lĩnh vực tiền năng khi ứng dụng“kinh tế chia sẻ” được dự báo là: Vận tải (bao gồm cả giao nhận phục vụ thương mại điện tử), dịch vụ lưu trú, dịch vụ tài chính (fintech), năng lượng và giải trí số”.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Đồng, một môi trường pháp lý “tranh tối, tranh sáng” và việc thực thi pháp luật còn thiếu sự nhất quán, có thể tạo ra rủi ro trong ngắn hạn và dài hạn cho doanh nghiệp (đặc biệt là rủi ro “hồi tố”), cũng như thất thoát cho Nhà nước như thất thu thuế, tạo ra các thị trường phi chính thức.

Ngoài ra, để phát huy hơn nữa vai trò của ngành thương mại, dịch vụ trong bối cảnh mới, Bộ Công Thương cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại. Trong đó, khâu quan trọng nhất là tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ qua đó thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các chủ thể kinh doanh, đồng thời chú trọng tới việc hỗ trợ về kỹ năng quản lý cũng như đào tạo về kỹ năng chuyên môn cho lao động trong ngành.