19/01/2025 | 18:16 GMT+7, Hà Nội

Hạ tầng thương mại tạo lực đẩy cho ngành thương mại, dịch vụ

Cập nhật lúc: 20/01/2020, 07:20

Hoạt động thương mại, bán lẻ trong nước ngày càng được mở rộng phát triển, trong đó phát triển hạ tầng thương mại (HTTM) là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp mở rộng thị trường.

Cơ hội “thăng tiến” của các loại hình thương mại hiện đại

Thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là phát triển khá mạnh trong những năm gần đây khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội có mức tăng trưởng nhanh.

Các loại hình bán lẻ như siêu thị, trung tâm thương mại có sự tăng trưởng nhanh chóng

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, thị trường bán lẻ ở các thành phố, các đô thị phát triển với các hình thức tổ chức văn minh hiện đại; thị trường bán lẻ ở vùng nông thôn cũng được quan tâm phát triển, mở rộng với đa dạng các loại hình, thương mại điện tử bán lẻ đã bước đầu phát triển mạnh mẽ.

Cả nước hiện có khoảng 8.660 chợ, 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại các loại và hơn 1 triệu cửa hàng quy mô hộ gia đình. Kênh bán lẻ hiện đại mới chỉ đáp ứng được 25% nhu cầu của người dân, 75% còn lại phụ thuộc vào kênh phân phối truyền thống.

Dự báo của lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho hay, chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ và khu thương mại hiện đại của Việt Nam chỉ đạt khoảng 25%, thấp hơn nhiều nước trong khu vực.

Đồng thời, theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đến năm 2020, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam sẽ vào khoảng 44 triệu người, đồng nghĩa với các nhu cầu mua sắm, giải trí tại các đô thị Việt Nam cũng ngày càng tăng cao.

Bên cạnh đó, sự đổ bộ của “làn sóng” các thương hiệu bán lẻ hàng đầu trong và ngoài nước như 7-Eleven, VinMart, Circle K, Lotte Mart, K-market… khắp các thành phố lớn cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của các loại hình kinh doanh được đánh giá là phù hợp với xu hướng mua sắm hiện nay như shophouse (nhà phố thương mại), shopvilla (biệt thự thương mại)…

Theo dự báo, trong năm 2020, thị phần kênh bán lẻ hiện đại sẽ đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng

Theo thống kê, tỷ lệ hấp thụ dự án nhà phố, biệt thự thương mại tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng… rất cao và đang lan mạnh sang các tỉnh lẻ - nơi có quỹ đất rộng và tốc độ đô thị diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên nguồn cung sản phẩm này lại khan hiếm do quỹ đất đô thị trung tâm ngày càng thu hẹp.

Thực tế tại Việt Nam hiện nay, kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang đóng góp rất lớn, khoảng 83%, ở lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng nhanh, trong khi kênh bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 17%. Dự báo đến năm 2020, thị phần kênh bán lẻ hiện đại sẽ tăng lên và đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng.

Giới phân tích cũng cho rằng, nhu cầu của người tiêu dùng đề cao sự tiện lợi có thể xem là kim chỉ nam cho sự đổi mới của các doanh nghiệp và các kênh bán lẻ hiện nay.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội cho hay: “Thị trường Việt Nam hiện đang là môi trường phát triển thuận lợi của các mô hình bán lẻ hiện đại, với thế mạnh tiện lợi và ngày càng tích hợp nhiều hơn các điểm mạnh của mô hình truyền thống, đem đến một điểm đến chứ không chỉ là một trải nghiệm mua sắm.

Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội

Bên cạnh đó, một lợi thế cho các nhà đầu tư là chính quyền địa phương đang rất chào đón và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bán lẻ. Thị trường sau thời gian cạnh tranh khốc liệt và đào thải, hiện đang là sân chơi chuyên nghiệp cho các đơn vị thực sự có năng lực phát triển và thành công”.

Chuyên gia Savills cũng cho hay, nhiều trung tâm mua sắm tại các thành phố lớn đang thay đổi thành tổ hợp trung tâm cộng đồng, thư giãn và giải trí đa dạng. Các khách thuê ngành giải trí đang mở rộng nhanh chóng và thu hút nhiều nhóm khách hàng. Các dịch vụ spa, cơ sở thể dục thẩm mỹ, cơ sở giáo dục và phòng trưng bày nghệ thuật đã được đưa vào nhiều trung tâm mua sắm. Sự kết hợp giữa các ngành ẩm thực, thời trang, nội thất, điện tử và giải trí, cộng thêm các dịch vụ không thuộc ngành bán lẻ được kỳ vọng sẽ nâng cao lưu lượng khách đến trung tâm và đem lại doanh thu bán hàng cao hơn.

Hạ tầng đang được đầu tư

Bộ Công Thương đang xây dựng “Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” nhằm xác định các quan điểm, định hướng và giải pháp đẩy mạnh thương mại nội địa một cách nhanh và bền vững. Trong đó, dự thảo có nội dung về nhóm giải pháp phát triển hạ tầng thương mại. Nhóm giải pháp này được kỳ vọng sẽ xây dựng phương pháp đánh giá nhu cầu hạ tầng thương mại ở các địa phương để hướng dẫn các địa phương triển khai, đánh giá nhu cầu và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng thương mại khi có nhu cầu.

Hệ thống phân phối như chợ, siêu thị tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn

Thực tế cũng ghi nhận HTTM đang được đầu tư, trong đó tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. HCM đang ưu tiên phát triển các loại hình thương mại như trung tâm mua sắm vừa và nhỏ, trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi các cửa hàng tiện ích...; phát triển các loại hình dịch vụ như trung tâm tài chính thương mại quốc tế, trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia và quốc tế, trung tâm dịch vụ tài chính ngân hàng...

Rất nhiều các địa phương về du lịch có một số tuyến phố chuyên kinh doanh và giới thiệu các sản phẩm địa phương, sản phẩm làng nghề tại các trung tâm chính gắn với phát triển du lịch; việc cải tạo các đường phố thương mại, hạn chế xây dựng mới các chợ, dần cải tạo chợ truyền thống thành công trình đa năng cũng mở rộng hơn...

Đặc biệt, các loại hình doanh nghiệp thương mại như doanh nghiệp bán buôn, đại lý ủy quyền, doanh nghiệp kinh doanh nhượng quyền thương mại...; các mô hình tổ chức kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại cửa hàng bán lẻ, công ty, chi nhánh, tập đoàn không ngừng mở rộng quy mô.

Về chính sách, nhà nước và mỗi địa phương cũng nêu cao khuyến khích phát triển các loại hình tổ chức thương mại truyền thống và hiện đại. Giải quyết những khó khăn về vốn, đất đai, cải cách thủ tục hành chính để tăng cường năng lực hoạt động của doanh nghiệp thương mại; phát triển các phương thức lưu thông hiện đại. Đồng thời, có giải pháp và chính sách tích cực, đồng bộ trong việc giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư khi xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại…

Cuối cùng, các tuyến quốc lộ huyết mạch, đường cao tốc của Việt Nam đã và đang được cải thiện, xây dựng với nhiều dự án. Đây là yếu tố hỗ trợ hình thành các trung tâm logistics, góp phần nâng cao quá trình thúc đẩy lưu thông hàng hóa, giảm giá thành sản phẩm tiêu thụ.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhận định: “Muốn phát triển nhanh và bền vững hệ thống phân phối bán lẻ thương mại trong nước rất cần phải có quy hoạch phát triển mạng lưới và điều kiện hạ tầng. Những chính sách của nhà nước phục vụ cho phát triển hệ thống phân phối bán lẻ phải đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả và phân bổ các nguồn lực phát triển đúng lúc và đúng chỗ. Để phát triển ngành thương mại hơn nữa, cần có thêm nhiều các chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của toàn xã hội cả trong và ngoài nước cho việc hiện đại hóa HTTM, các cơ sở bán lẻ, đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho thương mại điện tử bán lẻ…”.

Hiện tại, thị trường bán lẻ Việt Nam có 8 phân khúc chủ yếu với sự góp mặt của các nhà bán lẻ lớn gồm: Đại siêu thị/trung tâm phân phối, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm phức hợp, siêu thị, siêu thị mini/cửa hàng tiện lợi/cửa hàng chuyên dụng, siêu thị điện máy, bán lẻ trực tuyến và bán hàng qua truyền hình. Cùng với tốc độ thâm nhập và mở rộng ngày một gia tăng của các hãng phân phối trong nước và ngoài nước, cơ sở HTTM cũng bộc lộ một số yếu kém và lạc hậu.

Hệ thống phân phối như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh… phân bổ không đồng đều, tập trung chủ yếu và phát triển mạnh ở các thành phố, thị xã, thị trấn. Nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng chợ từ ngân sách chưa thỏa đáng, cơ chế phân bổ chưa hợp lý.

Bên cạnh đó, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do đang tạo thêm sức ép cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Thực tế hiện nay đang đặt ra yêu cầu đổi mới thương mại trong nước cả về hình thức tổ chức, cơ sở hạ tầng cũng như cơ chế quản lý, điều hành của nhà nước.

Giới chuyên gia cũng cho rằng, giai đoạn 2018 - 2020 là giai đoạn tăng tốc của thị trường bán lẻ. Do đó cần phát triển thị trường bền vững trên cơ sở đa dạng hóa các phương thức bán lẻ, đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng thương mại bán lẻ và các hạ tầng xã hội để tăng tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh, tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.