19/01/2025 | 10:12 GMT+7, Hà Nội

Loạn thị trường thuốc Đông y (4): Càng cấm càng… làm

Cập nhật lúc: 05/04/2017, 09:09

Sở tế Hà Nội vừa ra quyết định ngừng mọi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của Phòng chẩn trị YHCT Vĩnh An Đường do không có chứng chỉ hành nghề và sai phạm trong quá trình hoạt động. Trước đó, trong năm 2016, hàng loạt phòng khám Đông y cũng đã phải đóng cửa do hoạt động "chui".

Với hơn 85% người hoạt động trong lĩnh vực Đông y chưa được cấp giấy phép như hiện nay thì trường hợp của Vĩnh An Đường chỉ như “hạt muối bỏ biển” và quyền lợi, sự an nguy của người bệnh đang trong tình trạng báo động hơn bao giờ hết.

Phòng khám đông y: Nhiều như nấm mọc sau mư

Phòng chẩn trị YHCT Vĩnh An Đường thuộc Công ty TNHH Quang Thắng địa chỉ số 298 đường Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Khi lực lượng chức năng kiểm tra thì phát hiện phòng khám này có có nhiều loại thuốc được ghi bằng tiếng Trung Quốc và thuốc trộn, thuốc pha chế không có nguồn gốc.

Ngoài ra, cơ sở này còn có một người mang quốc tịch Trung Quốc không có chứng chỉ hành nghề và khai nhận là nhân viên thực hiện đóng gói, pha chế thuốc cho người bệnh.

Tuy nhiên khi kiểm tra thực tế, đoàn phát hiện được nhiều đơn thuốc có chữ ký của bác sĩ người Trung Quốc này trong 3 tháng đầu năm 2017. 

Hình ảnh tại phòng khám Vĩnh An Đường. (Nguồn: Internet)

Việc phòng khám và bác sĩ không có giấy phép hành nghề, cộng thêm hoạt động tự do đóng gói, pha chế thuốc như tại Vĩnh An Đường không phải là hi hữu khi trên thị trường đang có tới 60.000 người hành nghề đông y chưa được cấp phép.

Trước đó, vào cuối tháng 11/2016, Sở Y tế TPHCM đã ra quyết định đóng cửa 2 phòng khám đông y là phòng khám Tâm Y đường và 1 phòng khám tại đường Nguyễn Tư Giản, P12, Q Gò Vấp, TPHCM do khám chữa bệnh không phép.

Được biết, khi Thanh tra Sở Y tế kiểm tra đột xuất, lương y Phạm Anh Duy ở PK Tâm y đường đang khám bệnh và bán TPCN cho người bệnh.

Điều đáng chú ý là vị lương y này đã không xuất trình được giấy phép hoạt động khám chữa bệnh khi được hỏi đến.

Ông Phạm Anh Duy cũng đã nhiều lần quảng cáo việc khám chữa bệnh của mình trên mạng xã hội facebook và tự thừa nhận có khả năng chữa khỏi nhiều loại bệnh, trong đó có cả bệnh thiếu máu tán huyết (thalassemia) là bệnh mà tây y chỉ điều trị được triệu chứng.

Bệnh nhân đến khám đều được ông Duy kê bán  thực phẩm chức năng (TPCN), nhưng mọi người đều gọi là thuốc. Khi thanh tra y tế hỏi: “Có thật là chữa được bệnh thiếu máu tán huyết không?” thì ông Duy thú thật là “chỉ hỗ trợ”.

Không có giấy phép hành nghề, không được phép bán, cấp thuốc nhưng những cơ sở khám chữa bệnh như Tâm Y đường hay Vĩnh An Đường vẫn đang mọc lên từng ngày như “nấm sau mưa” bất chấp sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Minh chững rõ ràng là số những cơ sở bị thanh tra, kiểm tra và buộc dừng hoạt động ngày càng nhiều.

Theo đó, chỉ riêng trong tháng 8/2016, Sở Y tế UBND TP Móng Cái đã yêu cầu dừng hoạt động đối với 6 cơ sở hành nghề y dược do không đủ điều kiện hoạt động.

Đây là 6 cơ sở do người Trung Quốc hành nghề y, dược tư nhân chuyên về khám chữa, bốc thuốc Đông y: Hiệu thuốc bắc Lý Chí Trung, quầy thuốc Đông y Dương Hùng, quầy thuốc Bắc Hoàng Thành,…

Những cơ sở khám chữa bệnh này sau khi bị phát hiện hoạt động “chui” và khôngđảm bảo tất cả các tiêu chuẩn về kê đơn bốc thuốc thì đã được yêu cầu ngừng hoạt động khám chữa, cung cấp hồ sơ, nguồn gốc của các loại thuốc, TPCN đang điều chế, bán cho người bệnh.

Hãy tỉnh táo, đừng gọi thuốc Đông y là… “thần dược”

Có tới 60% người đang hoạt động khám chữa bệnh Đông y không phép

Mặc dù hàng loạt cơ sở khám chữa bệnh “chui” đã bị xử phạt nhưng vẫn còn đó những cơ sở khám chữa bệnh tự do, ngang nhiên hoạt động bán hàng, quảng cáo trên mạng xã hội facebook, hô hào quảng cáo, khẳng định chữa được vô vàn loại bệnh.

Trở lại câu chuyện của phòng khám Tâm Y đường , đa phần bệnh nhân tới là người lớn tuổi, đến khám bệnh đái tháo đường, thoát vị đĩa đệm...

Nhưng đơn thuốc mà họ được kê thật ra toàn là TPCN. Đơn cử là trường hợp của bệnh nhân V.T.A.Đ (quê Long An) được ông Duy chẩn đoán thiếu máu não, chóng mặt, mất ngủ và kê 4 lọ Cao Ban Long và 4 lọ Cao An Miên, lấy hơn 1,8 triệu đồng.

Theo cơ quan chức năng, đối với hành vi khám chữa bệnh không phép như cơ sở Tâm Y đường, các đơn vị có thể phải nhận mức phạt là 60 triệu đồng, thêm vào đó, cơ quan chức năng cũng ra quyết định xem xét không cấp phép hoạt động một thời gian nếu các cơ sở này xin cấp phép.

Ngoài ra, các loại TPCN và thuốc mà phòng khám cấp, bán cho bệnh nhân sẽ được kiểm tra, làm rõ thành phần, nguồn gốc.

Khảo sát thực tế cho thấy phần lớn các phòng khám đông y không chỉ hoạt động khám bệnh mà còn bốc, kê thuốc cho người bệnh dù chưa có giấy phép hoạt động.

Những gói thuốc không ghi rõ thành phần, công dụng ra sao và không rõ cả giá khiến người bệnh càng thêm loay hoay không biết làm thế nào. Không mua thuốc thì lo sợ bệnh không khỏi như lời “thầy phán”, mà mua thuốc thì chẳng biết thuốc có gì, giá cả thì quá đắt.

Nói về những gói thuốc “đen sì”, không nhãn mác, không thành phần, có người gọi đó là “thần dược” vì uống vào thấy người khỏe khoắn hẳn ra đúng như lời người bán giới thiệu.

Lý giải về điều này, có thể nhìn nhận lại sự việc của phòng khám Tâm Y đường, hầu hết thuốc kê đơn, bán ra cho người bệnh là những loại thuốc vô hại và cũng không có công dụng gì với sức khỏe trong Đông y.

Dù nhiều bệnh nhân sau khi chữa trị, uống thuốc đã nhận ra liều thuốc “tiên” mà facebook của những thầy thuốc “dởm” quảng cáo chỉ là TPCN hay những loại cây cỏ bình thường. Nhưng vẫn còn đó không ít những người “nhẹ dạ, cả tin” hi vọng sẽ khỏi bệnh bằng “thần dược” mà các bác sĩ, thầy thuốc phát cho.

Có lẽ cần nhiều hơn sự quan tâm và kiểm soát từ cơ quan chức năng để ngăn ngừa sự phát triển của những cơ sở khám chữa bệnh “chui” và để người bệnh không còn hoang mang và tin vào “thần dược”mang tên thuốc Đông y!